Đường dẫn truy cập

Nhà hoạt động khiếm thị muốn rời khỏi Trung Quốc


Sứ quán Hoa Kỳ công bố bức ảnh ông Trần Quang Thành nói chuyện điện thoại trong lúc đi cùng với Đại sứ Mỹ Gary Locke đến 1 bệnh viện ở Bắc Kinh, 2/5/2012
Sứ quán Hoa Kỳ công bố bức ảnh ông Trần Quang Thành nói chuyện điện thoại trong lúc đi cùng với Đại sứ Mỹ Gary Locke đến 1 bệnh viện ở Bắc Kinh, 2/5/2012

Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc tỵ nạn tại nước ngoài

  • Phương Lệ Chi: Nhà vật lý thiên văn hàng đầu đã tỵ nạn trong đại sứ quán Hoa Kỳ 13 tháng, sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Ông rời Trung Quốc vào năm 1990 và vừa qua đời năm nay tại Mỹ.
  • Ngụy Kinh Sinh: Nhà hoạt động dân chủ chạy sang Hoa Kỳ vào năm 1997 sau hơn 14 năm trong tù.
  • Rebiya Kadeer: Sắc tộc Uighur, bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia, hiện sống tại Hoa Kỳ.
  • Ngô Nhĩ Khai Hy: Lãnh tụ sinh viên đào thoát khỏi Trung Quốc với sự giúp đỡ của một mạng lưới bí mật sau các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn.
  • Liêu Diệc Vũ: Nổi tiếng về bài phỏng vấn “Xác chết biết đi” với những người sống bên lề xã hội Trung Quốc, ông chạy qua Đức vào năm 2011.
  • Dư Kiệt: Tác giả một cuốn sách chỉ trích Thủ tướng Ôn Gia Bảo, chạy sang Hoa Kỳ năm 2012 sau khi bị bắt giữ nhiều lần và bị đánh đập.

Nhân vật hoạt động Trung Quốc khiếm thị tạm trú tại sứ quán Hoa Kỳ trong gần một tuần lễ đã xuất hiện, trong lúc các giới chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đã thoả thuận di chuyển ông tới một địa điểm “an toàn”.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Thành nói với hãng tin AP của Mỹ sau khi ra khỏi Sứ quán Mỹ rằng ông muốn rời khỏi Trung Quốc cùng với gia đình bởi vì ông lo sợ cho mạng sống của họ. Ông cũng nói các giới chức Hoa Kỳ đã nói với ông là nhà chức trách Trung Quốc sẽ đánh vợ ông tới chết nếu ông không rời khỏi sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.

Trong cùng bản tin của AP, một giới chức Hoa Kỳ cao cấp đã phủ nhận tin cho rằng Hoa Kỳ đã nói với ông Trần về những đe dọa bạo động đối với gia đình ông. Nhưng giới chức vừa kể nói ông Trần đã được bảo cho biết là gia đình ông sẽ bị đưa về quê nhà ở tỉnh Sơn Đông nếu ông không rời khỏi sứ quán Mỹ.

Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Victoria Nuland nói các giới chức Hoa Kỳ không bao giờ nói với ông Trần về bất cứ đe dọa nào đối với vợ và con ông, nhưng bà Nuland nói Trung Quốc đã nói với các giới chức Hoa Kỳ là gia đình ông sẽ bị đưa về tỉnh Sơn Đông nếu ông Trần ở lại sứ quán Mỹ.

Trung Quốc có bao nhiêu tù chính trị?

Theo cơ sở dữ liệu của Quốc hội Mỹ:
  • Tính tới ngày 10 tháng 10 năm 2010, có 5.689 trường hợp liên quan đến việc giam cầm vì lý do chính trị và tôn giáo tại Trung Quốc.
  • Trong số này, 1.452 trường hợp biết chắc hoặc tin là đã bị bắt hoặc bị giam.
  • Số còn lại gồm 4.237 được biết hoặc cho là đang bị giữ, hành quyết, chết hoặc đã trốn thoát.
  • Các con số trong cơ sở dữ liệu ít hơn nhiều so với thực tế.

Sáng thứ Tư, các giới chức Hoa Kỳ nói ông Trần đã rời khỏi sứ quán và Đại sứ Mỹ Gary Locke đã đưa ông tới một bệnh viện để ông đoàn tụ với gia đình.

Một giới chức Hoa Kỳ cho biết sau đó ông Trần đã nói qua điện thoại với Ngoại trưởng Hillary Clinton và cám ơn bà về sự ủng hộ cho ông.

Trong một tuyên bố khác, Ngoại trưởng Clinton nói bà hài lòng khi thấy các giới chức Hoa Kỳ có thể tạo điều kiện cho ông Trần ở lại và rời khỏi sứ quán “theo cách phản ánh được chọn lựa của ông và những giá trị của Hoa Kỳ.”

Để đáp lại, Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ đừng “làm công chúng hiểu lầm” về trường hợp của ông Trần.

Vụ việc gây tranh cãi liên quan tới ông Trần chắc sẽ phủ một bóng mờ lên hội nghị cấp cao về an ninh và kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào thứ Năm. Bà Clinton có mặt tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG