Đường dẫn truy cập

TT Trump vẫn có thể đạt được thỏa thuận với Bắc Hàn


Việc Trung Quốc mới đây ra lệnh cấm nhập khẩu than đá của Bắc Hàn đã bị hãng thông tấn nhà nước KCNA ở Bình Nhưỡng chỉ trích.
Việc Trung Quốc mới đây ra lệnh cấm nhập khẩu than đá của Bắc Hàn đã bị hãng thông tấn nhà nước KCNA ở Bình Nhưỡng chỉ trích.

Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có lẽ đã quá muộn để có được một thỏa thuận ngưng chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng những người ủng hộ việc đàm phán với Bình Nhưỡng cho rằng ông Trump đang ở một vị thế có một không hai để đạt được một bước đột phá trong nỗ lực giải quyết tình hình an ninh căng thẳng đang le thang trên bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Moon Chung-in của đại học Yonsei ở Seoul nói: “Tôi có một chút hy vọng rằng Tổng thống Trump có thể đạt được một thỏa thuận không thể tưởng tượng được với Bắc Hàn và có thể đem lại hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.”

Tổng thống Trump hồi đầu tuần này đã nhấn mạnh đến việc tăng cường quân sự trong khu vực, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Hàn Quốc để đối phó với việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang ra sức tăng cường khả năng hạt nhân và tên lửa.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Năm, Tổng thống Trump nói: “Muộn rồi. Chúng tôi rất bực mình với những gì ông [Kim Jong Un] đã làm.”

Năm ngoái, Bình Nhưỡng tiến hành 2 vụ thử hạt nhân, một vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo xuyên lục địa bị cấm, và phóng nhiều tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ tàu ngầm và các bệ phóng di động trên bộ.

Trước khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump đã viết tin nhắn trên Twitter rằng: “Điều đó sẽ không xảy ra!” để đáp lại tuyên bố của lãnh tụ Kim Jong Un rằng Bắc Triều Tiên chuẩn bị tiến hành một vụ thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa. Vào tháng 2, tổng thống Mỹ cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ thử tên lửa tầm trung của Bắc Triều Tiên.

Mất kiên nhẫn

Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump một lần nữa quy lỗi cho Trung Quốc không kiềm chế đồng minh đang lệ thuộc hoàn toàn Bắc Kinh về kinh tế. Ông Trump cũng nói rằng người tiền nhiệm của ông, tức Tổng thống Barack Obama, đáng ra đã phải giải quyết vấn đề khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Hàn.

Việc Trung Quốc mới đây ra lệnh cấm nhập khẩu than đá của Bắc Hàn đã bị hãng thông tấn nhà nước KCNA ở Bình Nhưỡng chỉ trích hôm thứ Sáu. KCNA nói Trung Quốc “đang nhảy đồng điệu với Hoa Kỳ.”

Chính quyền của ông Trump đã kêu gọi Trung Quốc tăng thêm sức ép kinh tế lên Bắc Hàn, nhưng một số ít người lại cho rằng Bắc Kinh đã từ bỏ đồng minh của họ.

Giáo sư John Delury, chuyên gia về Trung Quốc của đại học Yonsei ở Seoul, nói: “Sai lầm khi nghĩ rằng ‘thật là tuyệt vời, Trung Quốc đang đóng cửa biên giới. Họ sẽ giải quyết vấn đề này cho chúng ta.’ Đó là cách hiểu sai về những gì đang diễn ra.”

Chính sách kiên nhẫn mang tính chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama, trong đó dựa vào các tăng các lệnh trừng phạt và cô lập ngoại giao, đã không thể buộc Bình Nhưỡng hoãn lại chương trình hạt nhân của họ. Các nhà phê bình nói chính sách đó phần lớn đã thất bại vì Bắc Kinh sẽ không áp dụng các biện pháp nghiêm khắc có thể dẫn đến sự bất ổn ở biên giới, sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un, và giúp cho ảnh hưởng Mỹ và Hàn Quốc ngày càng tăng trong khu vực.

Phá vỡ chu kỳ

Sự bế tắc này đã làm tăng cao một chu kỳ khiêu khích trắng trợn đối với các nghị quyết cấm các chương trình hạt nhân và tên lửa của Liên Hiệp Quốc, coi thường cộng đồng quốc tế và các lệnh trừng phạt mà cho tới lúc này chẳng phát huy được hiệu lực.

Những nỗ lực không ngừng của Bình Nhưỡng nhằm phát triển phi đạn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới đất liền của Mỹ đã thôi thúc sự cần thiết phải thay đổi chiến lược chống lại mối đe dọa này đối với an ninh của Mỹ.

Các nhà phân tích nói không có một giải pháp quân sự khả thi nào để loại bỏ các khả năng hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn mà không gây ra một cuộc phản công gây thiệt hại nặng cho các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, và thậm chí có thể làm bùng ra một cuộc chiến tranh toàn diện.

Vì vậy, đưa Bắc Hàn vào đối thoại là cách duy nhất hữu hiệu để đạt đến một giải pháp hòa bình. Nhưng điều đó được chính quyền Tổng thống Trump khởi động.

Giáo sư Moon Chung-in của đại học Yonsei nói: “Nếu Mỹ án binh bất động, Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi, bế tắc sẽ tiếp tục và sự bế tắc đó có thể trở nên rủi ro hơn và nguy hiểm hơn.”

Nhà thương thuyết

Lệnh cấm nhập khẩu than từ Bắc Hàn của Trung Quốc và những cuộc thương thuyết chính thức đang được chuẩn bị giữa các cựu quan chức của Mỹ và các đại diện của Bắc Triều Tiên có thể đem lại cho Tổng thống Trump cơ hội mở ra một kênh đối thoại.

Tổng thống Trump, người tự xem mình là một nhà thương thuyết đại tài và luôn chỉ trích những thất bại trong quá khứ của người tiền nhiệm, có thể sẵn sàng làm khác hoàn toàn và tìm cách có được một cách tiếp cận mới hơn.

Bất cứ một thỏa thuận nào nhằm ngưng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng cần những sự nhượng bộ có thể bao gồm việc tạm hoãn các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, thêm các biện pháp khuyến khích, các đảm bảo an ninh và viện trợ kinh tế để cuối cùng có được một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân.

Khung cảnh chính trị ở Hàn Quốc cũng đang đứng trước nhiều thay đổi. Nếu tòa bảo hiến của nước này cho phép luận tội Tổng thống Park Geun-hye vì một bê bối liên quan tới tham nhũng. thì một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ sớm diễn ra.

Các cuộc thương thuyết tất nhiên cần có thời gian và sự hợp tác chặt chẽ và có thể sẽ bị trì hoãn bởi những khiêu khích và vi phạm từ phía Bắc Hàn như đã từng xảy ra đối với các thỏa thuận trước đây, nhưng những người ủng hộ cho rằng có thể đã đến lúc cần thử lại lần nữa.

Trong thỏa thuận 6 bên đạt được năm 2005 giữa Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để nhận viện trợ kinh tế, các đảm bảo về an ninh và cải thiện các mối quan hệ ngoại giao.

Nhưng Bình Nhưỡng đã không giữ các cam kết của họ và đã tiến hành một vụ thử hạt nhân vào năm 2006.

VOA Express

XS
SM
MD
LG