Đường dẫn truy cập

Trung Quốc 'cởi trói' cho các tổ chức phi chính phủ


Trung Quốc có tổng cộng hơn 450.000 tổ chức xã hội đăng ký hoạt động một cách hợp pháp, tính đến cuối năm 2011. Bên cạnh đó còn có từ 1 triệu đến 3 triệu tổ chức vì không thể ghi danh nên phải ở trong tình trạng 'hoạt động trái phép'
Trung Quốc có tổng cộng hơn 450.000 tổ chức xã hội đăng ký hoạt động một cách hợp pháp, tính đến cuối năm 2011. Bên cạnh đó còn có từ 1 triệu đến 3 triệu tổ chức vì không thể ghi danh nên phải ở trong tình trạng 'hoạt động trái phép'

Chính phủ Trung Quốc mới đây quyết định nới lỏng những hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ trong việc ghi danh hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của xã hội dân sự. Bộ trưởng Bộ Dân Chính Lý Lập Quân cho báo chí biết rằng việc để cho các tổ chức xã hội trực tiếp đăng ký đã được bắt đầu thực thi từ hơn nửa năm nay tại một số khu vực. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên VOA Trương Nam gởi về từ Bắc Kinh.

Trung Quốc có tổng cộng hơn 450.000 tổ chức xã hội đăng ký hoạt động một cách hợp pháp, tính đến cuối năm 2011. Bên cạnh đó còn có từ 1 triệu đến 3 triệu tổ chức vì không thể ghi danh nên phải ở trong tình trạng “hoạt động trái phép.”

Các chuyên gia cho rằng chế độ quản lý kép, có tính chất hà khắc, là nguyên do dẫn tới tình trạng hỗn loạn hiện nay. Theo qui định hiện hành, các quỹ từ thiện, đoàn thể xã hội và tổ chức phi kinh doanh do dân chúng ra lập ra cần phải được hai cơ quan chính phủ phê duyệt và chấp nhận sự giám sát và quản lý của hai cơ quan chính phủ mới có thể ghi danh với cơ quan dân chính để hoạt động.

Cách tìm đơn vị chủ quản như vậy được các tổ chức dân sự gọi đùa là “tìm mẹ chồng”. Nhưng tìm cho được mẹ chồng không phải là chuyện dễ.

Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận “Ích Nhân Bình” ở Bắc Kinh, ông Lục Quân, giải thích như sau.

Ông Lục cho biết: "Chỉ có cơ quan chính phủ hoặc đơn vị được chính phủ ủy quyền mới có thể làm đơn vị chủ quản. Vì thế, những đoàn thể dân sự chuyên tranh đấu chống nạn kỳ thị, giúp đỡ cho những khối người dễ bị tổn thương, và thúc đẩy cho việc cải thiện chính sách rất khó tìm được một đơn vị chủ quản. Cho nên nhiều người đành phải lấy danh nghĩa tổ chức công thương nghiệp để đăng ký với nhà cầm quyền."

Điều làm cho ông Lục Quân cảm thấy được khích lệ là chính phủ đã bắt đầu cởi trói cho tổ chức xã hội trong việc đăng ký.

Bộ trưởng Bộ Dân Chính Lý Lập Quốc cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy cho sự phát triển của các tổ chức xã hội. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ hai (ngày 7 tháng 5, 2012), ông Lý cho đài VOA biết rằng chế độ đăng ký trực tiếp sẽ được áp dụng rộng khắp sau khi hoàn tất việc sửa đổi 3 qui định hành chánh liên hệ, và kế hoạch sửa đổi này đã được Quốc Vụ Viện đưa vào chương trình làm luật của năm nay.

Ông Lý Lập Quốc nói thêm như sau: "Từ nửa cuối của năm ngoái, ngành Dân Chính đã bắt đầu thực hiện những công tác liên hệ tới chuyện đăng ký trực tiếp của các tổ chức xã hội."

Ông Lý Lập Quốc cho biết những chính sách thuận lợi khác cho sự phát triển của tổ chức xã hội sẽ được thực hiện tại những thành phố thí điểm, như Thâm Quyến và Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông.

Giáo sư Vương Danh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tổ chức Phi Chính phủ của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng đây là một sự thay đổi vô cùng quan trọng.

Ông Vương nói: "Việc hạ thấp ngưỡng cửa giúp cho các tổ chức xã hội ghi danh đăng ký hoặc có được qui chế hợp pháp một cách dễ dàng hơn và có qui củ hơn. Quan hệ giữa chính phủ với tổ chức xã hội nhờ vậy mà sẽ được cải thiện đáng kể. Tôi nghĩ rằng đây là một sự thay đổi có tính chất lịch sử."

Giáo sư Vương Danh cho rằng chế độ quản lý kép là di sản của nền kinh tế chỉ huy tập trung và sở dĩ còn tiếp tục áp dụng tới ngày nay là vì tâm lý sợ hãi của nhà cầm quyền.

Ông Vương cho biết: "Họ sợ các ông gây chuyện. Vì tổ chức xã hội là một lực lượng nằm ngoài chế độ. Nhưng thật ra không có gì đáng để lo ngại. Chính vì vậy mà trong nhiều năm nay tôi đã lên tiếng hô hào cho việc bãi bỏ chế độ quản lý kép."

Chế độ quản lý cứng nhắc và hà khắc đã tạo ra nhiều trở ngại cho các tổ chức dân lập. Ông Lục Quân của tổ chức Ích Nhân Bình cho biết những khó khăn mà tổ chức ông gặp phải khi dùng danh nghĩa công ty để ghi danh hoạt động.

Ông Lục nói: "Khi dùng danh nghĩa công ty để đăng ký, thì thứ nhất: anh không được tuyển mộ hội viên, thứ nhì: không được công khai quyên góp tiền bạc. Hai việc này hạn chế rất nhiều sự phát triển của tổ chức về nhân lực và tài lực. Ngoài ra còn có vấn đề thuế má. Đoàn thể xã hội thì không phải đóng thuế nhiều, còn công ty kinh doanh thì thuế má dĩ nhiên là cao hơn."

Nhiều nhà phân tích cho rằng sau 30 năm đổi mới theo kinh tế thị trường, các cơ chế cũ của Trung Quốc giờ đây đã trở thành những chướng ngại, kiềm hãm đà phát triển của xã hội. Chính Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng tán đồng nhận định này và vài năm gần đây ông không ngừng lên tiếng kêu gọi thực hiện cải cách thể chế chính trị.

Giáo sư Vương Danh của Đại học Thanh Hoa cho biết cách thức làm việc có tính chất ôm đồm, bao biện của chính phủ đang giảm dần và đó là một việc đáng mừng.

Ông Vương nói: "Chính phủ đã nhận thức được là tổ chức xã hội có thể làm nhiều việc mà chính phủ không thể làm hoặc làm không được tốt. Họ đã nhận ra là trên thực tế những tổ chức xã hội dân sự có thể góp phần để giải quyết rất nhiều vấn đề, như những sự kiện đột phát, kể cả những vấn đề mâu thuẫn gay gắt trong xã hội đã phát sinh trong những năm gần đây."

Giáo sư Vương Danh nói rằng chính phủ đã bắt đầu dành chỗ cho hoạt động của xã hội dân sự và thông qua phương thức mua dịch vụ để hợp tác với các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng hiện nay các tổ chức chính trị và nhân quyền vẫn còn bị hạn chế rất nghiêm nhặt.

Ông Vương nói tiếp: "Những tổ chức thuộc loại chính trị hiện nay không thể tham gia những chương trình mua dịch vụ. Họ cũng bị chính phủ hạn chế. Điều lệ mới lần này nói chung là có tính chất cởi mở, nhưng vẫn còn hạn chế rất nghiêm nhặt đối với một số vấn đề nhạy cảm."

Bộ trưởng Bộ Dân Chính Lý Lập Quốc không loại bỏ khả năng “cởi trói” cho các tổ chức phục vụ những mục tiêu chính trị và nhân quyền trong việc đăng ký hoạt động, nhưng ông thừa nhận rằng hiện giờ chính phủ không đặt trọng tâm vào việc phát triển những tổ chức loại này. Mặc dù vậy ông cũng tuyên bố rằng các tổ chức chính trị được bình đẳng với mọi tổ chức khác trong việc đăng ký.

Ông Lý cho biết: "Những tổ chức này được bình đẳng trong việc đăng ký, quản lý. Giới hữu trách cũng sẽ dựa trên những luật lệ và qui định liên hệ để xem xét các vấn đề như điều kiện thành lập, sự cần thiết của việc thành lập, mục đích của các hoạt động sau khi thành lập và tác động đối với sự phát triển kinh tế, xã hội."

Ông Lục Quân của tổ chức Ích Nhân Bình kêu gọi chính phủ tiến hành cải cách với tốc độ nhanh hơn. Ông cho rằng các tổ chức xã hội dân sự vẫn còn bị ngành Dân Chính kềm kẹp quá nhiều và những chính sách hiện nay rõ ràng là quá đỗi bảo thủ.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG