Đường dẫn truy cập

Các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về vấn đề Libya hậu Gadhafi


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, Ông Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya và ông Mahmoud Jibril, lãnh đạo hội đồng của phe nổi dậy, tham dự hội nghị tại Paris.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, Ông Mustafa Abdel Jalil, Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya và ông Mahmoud Jibril, lãnh đạo hội đồng của phe nổi dậy, tham dự hội nghị tại Paris.

Các nhà ngoại giao và lãnh tụ chính trị thế giới hôm nay có mặt ở Pháp để bàn về tương lai Libya hậu Gadhafi.

Các giới chức của 60 quốc gia đang dự hội nghị ở Paris. Trước khi cuộc họp khai mạc, Ngoại trưởng Anh William Hague cho báo chí biết rằng Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp của Libya, gọi tắt là NTC, đã bắt đầu tiến trình thành lập một quốc gia dân chủ và bao gồm nhiều thành phần.

Các giới chức dự kiến lãnh tụ NTC, ông Mustafa Abdel Jalil, sẽ trình bày lộ đồ 18 tháng để soạn hiến pháp mới và tổ chức bầu cử.

Trong khi đó, chính quyền lâm thời Libya dành thêm một tuần cho những người trung thành với ông Gadhafi ở thành phố quê nhà Sirte của ông ra đầu hàng. Thoạt đầu NTC đề ra thời hạn chót là thứ 7 và nói rằng họ sẽ có hành động quân sự nếu những người đó không đáp ứng thời hạn chót. Hôm nay các giới chức NTC nói rằng có tiến bộ trong cuộc điều đình với những người cố thủ ở Sirte.

Tuy nhiên, các đài truyền hình Ả rập trích lời ông Gadhafi nói rằng các lực lượng của ông sẽ không đầu hàng và hứa sẽ thực hiện một cuộc chiến đấu trường kỳ. Phát biểu vừa kể nằm trong một thông điệp bằng văn bản được phổ biến ngày hôm nay.

Tổng thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nằm trong số các nhân vật lãnh đạo tham dự hộïi nghị nằm dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Nga trở thành nước mới nhất thừa nhận NTC là thẩm quyền hợp pháp của Libya. Algeria cho biết họ sẽ thừa nhận thẩm quyền lâm thời này khi NTC thực hiện cam kết thành lập một chính phủ bao gồm nhiều thành phần.

Trung Quốc và Nga đã phái đại biểu đến dự hội nghị, tuy cả hai từng chỉ trích những vụ không kích mà NATO thực hiện ở Libya trong vài tháng qua. Liên minh này nói rằng những vụ không kích là chính đáng vì dựa theo một nhiệm quyền của Liên hiệp quốc để bảo vệ thường dân trước sự đàn áp của chế độ cũ ở Tripoli của ông Gadhafi.

Pháp hôm nay cho biết họ được phép giải ngân hơn 2 tỉ đô la tài sản Libya bị phong tỏa sau khi xin phép ủy ban chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ủy ban này đã chấp thuận những yêu cầu tương tự của Anh và Hoa Kỳ nhằm giải tỏa hơn 3 tỉ đô la tài sản Libya để giải quyết các nhu cầu nhân đạo cấp bách.

Cũng trong ngày hôm nay Liên hiệp Âu châu loan báo dỡ bỏ các biện pháp chế tài đối với 28 thực thể Libya, trong đó có hải cảng, ngân hàng và các công ty năng lượng. Ủy viên chính sách đối ngoại Liên hiệp Âu châu, bà Catherine Ashton, nói rằng mục tiêu của việc giải tỏa những tài sản bị phong tỏa này là cung cấp các nguồn lực cho chính phủ lâm thời và nhân dân Libya.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG