Đường dẫn truy cập

Lớp Việt ngữ 'Em yêu tiếng Việt'


Lớp Việt ngữ “Em yêu tiếng Việt” ở Tu viện Tường Vân
Lớp Việt ngữ “Em yêu tiếng Việt” ở Tu viện Tường Vân

Nhằm mục đích giúp cho các em nhỏ sinh trưởng và lớn lên tại Mỹ nói và viết được tiếng Việt cũng như giúp các em hiểu được văn hóa và lịch sử Việt Nam, một số trường Việt ngữ đã được một số tổ chức trong cộng đồng Việt Nam thành lập tại Washington D.C và vùng phụ cận từ khi người Việt tị nạn đặt chân trên vùng đất này. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị Lớp Việt ngữ “Em yêu tiếng Việt” được giảng dạy vào trưa Chủ Nhật hàng tuần tại Tu Viện Tường Vân, Virginia.

Ngoài các trường Việt ngữ chuyên nghiệp được thành lập lâu năm tại Washington D.C và vùng phụ cận như các lớp của Hội Giáo Dục Trẻ em vùng Washington D.C, trường Việt ngữ Thăng Long, tại Falls Chuch, Virginia và trường Việt ngữ Hoài Hương tại Germantown, Maryland, các chùa và nhà thờ Việt Nam trong vùng cũng có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các lớp Việt ngữ cho con em các tín đồ. Tu Viện Tường Vân thuộc vùng Haymarket Virginia cách đây mấy năm đã bắt đầu tổ chức lớp Việt ngữ “Em yêu tiếng Việt” không những cho con em các gia đình Phật tử theo học mà còn cho con em các gia đình thuộc các tôn giáo khác nữa. Tỳ kheo Thích Viên Đức, trụ trì Tu viện Tường Vân cho biết:

“Lớp tiếng Việt này mở được nhiều năm rồi và ở đây cũng có một số anh chị em thiện nguyện đã từng tham gia những lớp tiếng Việt trong vùng như lớp tiếng Việt của ông Chử Bá Anh, vì có duyên nên các anh chị về đây để giúp cho Phật tử người Việt vùng này có dịp để duy trì tiếng Việt cho các em. Lớp tiếng Việt này chủ yếu để dạy cho các em tiếng Việt thành ra không nhất thiết phải là Phật tử mới đưa các em tham dự những lớp này. Tuy nhiên phần lớn là Phật tử tại vì lớp tiếng Việt này trước đó có một giờ để các thầy hay quí sư cô dạy Phật pháp cho mấy em. Nói là dạy Phật pháp nhưng dạy những cái rất căn bản thôi. Thí dụ như dạy các em ngồi tịnh tâm trong năm, mười, mười lăm phút. Giờ đó tùy quý vị phụ huynh muốn cho các em tham dự thì tham dự còn không chỉ đến tham dự những lớp tiếng Việt thôi. Thành ra lớp này quí vị Phật tử cũng có mà những quí vị không phải Phật tử cũng có đưa các em đến. Thậm chí là các vị đi bên nhà thờ nhưng đôi khi thấy ở đây gần, tiện đưa các em đi học các lớp này cũng có nữa.”

Cô Thái Thanh Tuyền, giáo viên lớp Việt ngữ “Em yêu tiếng Việt” cho biết là trước đây tại tu viện Tường Vân có hai lớp tiếng Việt chia ra hai lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi và từ 10 tuổi trở lên. Tuy nhiên vì gặp khó khăn trong vấn đề giáo viên nên đã dồn lại thành một lớp, cho mấy em nhỏ học chung với mấy em lớn tuổi. Cô Thanh Tuyền giải thích:

“Cho các cháu học chung như vậy thì các cháu có thể giúp đỡ lẫn nhau, em lớn giúp em nhỏ. Rồi những em học kém, có những em lớn học chung giúp.”

Cô Thanh Tuyền nói là sau một thời gian theo học, các em đã có những tiến bộ rõ rệt:

“Bây giờ trình độ các em có tiến bộ một chút tuy không nhiều nhưng các em có thể nhìn được mặt chữ, đọc được chút xíu tại vì mỗi một tuần chỉ có một ngày gặp nhau để dạy thôi thành ra phương châm giảng dạy là ôn tới ôn lui để các cháu giữ cái căn bản. Từ căn bản đó, các cháu sẽ đi lên. Có nhiều lúc có các cháu mới vô học. Những cháu này cũng ngại là vô trễ, nhưng cháu nói là không sao hết cứ vô. Vấn đề là chỉ ôn cho các cháu căn bản trước, từ đó đi lên thôi chứ không có dạy tiếp tục theo chương trình là phải dứt điểm bài một, lên bài hai rồi lên bài ba.”

Cô Thanh Tuyền cho biết sau khi đến các thư viện xem một số sách giáo khoa Việt ngữ cũng như tìm hiểu trên các trang mạng những sách giáo khoa được các trường Việt ngữ sử dụng, cô quyết định dùng sách giáo khoa của trường Việt ngữ Văn Lang bên California:

“Tìm hiểu một số sách giáo khoa để dạy thì thấy sách Văn Lang có trên trang mạng và có thể tải xuống để dạy các em. Một phần có cái may mắn cháu cũng đi dạy các lớp của Hội Giáo dục trẻ em của cô Chử Nhất Anh năm nay là năm thứ hai. Cháu học hỏi kinh nghiệm ở đó thêm, kết hợp hai cái lại với nhau. Những cái nào cháu thấy đúng với trình độ các em đang có bây giờ thì áp dụng chứ cháu không có đi theo nhất thiết là chương trình của Văn Lang hay của cô Chử Nhất Anh nhưng cháu kết hợp giữa hai cái những cái nào thấy hay thì dạy cho các em.”

Một phụ huynh học sinh nói lên ý nghĩ của ông về việc cho con đi học lớp Việt ngữ “Em yêu tiếng Việt”:

“Cho con đi học ở đây để cháu biết tiếng Việt cũng như để biết về đất nước Việt Nam. Thường thường ở nhà cháu cũng nói tiếng Việt nhưng mà không có dịp để gặp bạn bè nên nói tiếng Mỹ không. Ra đây học để cháu có dịp mạnh dạn hơn, nói tiếng Việt dễ dàng hơn. Cho cháu từng bước từng bước học từ từ để cháu biết thêm.”

Ngoài việc giúp cho các con em mình nói, viết và đọc được tiếng Việt, các phụ huynh học sinh cũng mong muốn cho thế hệ trẻ biết được văn hóa và lịch sử Việt Nam để kế tiếp các cha chú gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc Việt Nam. Do đó cô Thanh Tuyền đưa ra một phương pháp giảng dạy trong tương lai cho các em.

“Chương trình sắp tới sẽ chia ra một buổi học sẽ có hai giờ học, giờ đầu dồn tất cả các em nhỏ, em lớn với nhau. Giờ thứ hai sẽ có những trình độ cao hơn để các em lớn nắm được. Tại vì nếu không có những cái cao hơn các em lớn học thì sẽ làm cho các em đó chán đi. Thành ra chương trình sắp tới, đầu tiên sẽ dạy ở mức độ ngang nhau để vừa lớn, vừa nhỏ có thể tiếp thu được. Còn tiết thứ hai cao hơn sẽ lồng vào lịch sử, sẽ nói về tin tức cộng đồng hay những gì có liên quan đến nước Việt Nam.”

Tỳ kheo Thích Viên Đức, trụ trì Tu viện Tường Vân cũng quan tâm về việc giảng dạy truyền thống dân tộc, văn hóa và lịch sử Việt Nam cho các em. Tuy nhiên trong phạm vi một lớp học Việt ngữ do chùa tổ chức thì văn hóa Phật giáo là điều cần thiết trong chương trình văn hóa Việt Nam của chùa:

“Trên phương diện của chùa thì cũng dạy văn hóa của mình nhưng đi theo chiều hướng là của bên nhà Phật. Thí dụ như các em hồi đó tới giờ đi chùa lễ Phật nhưng chưa biết Phật là ai, Phật từ đâu tới, Phật có cái gì hay để mình học hỏi thì các lớp Phật pháp là các lớp để cho các em biết được văn hóa của đạo Phật tới từ đâu. Văn hóa này cũng rất hay vì các em am hiểu những giáo lý từ bi, bác ái hay là những điều thiện lành. Các em cũng được ảnh hưởng vì những câu chuyện, những tấm gương từ những lớp giáo lý này các em cũng bắt đầu ứng dụng.”

Tỳ kheo Viên Đức cho rằng có thể kết hợp các đoàn thể để dạy cho thế hệ trẻ sinh trưởng và lớn lên tại Mỹ về văn hóa và lịch sử Việt Nam:

“Về phương diện rộng hơn, như những sinh hoạt trong cộng đồng thì thực sự ra nếu biết kết hợp các hội đoàn khác và nói rõ điều tâm niệm mình muốn cho các thế hệ trẻ được biết về văn hóa, về truyền thống mình có thể làm điều đó được thôi. Thí dụ trong chương trình văn hóa lớp tiếng Việt ở chùa hoặc là những đoàn thể gia đình Phật tử chẳng hạn, nếu chúng ta thực sự muốn làm chuyện đó, chúng ta có thể chủ động, chúng ta đến, chúng ta đề nghị thêm giáo trình, sinh hoạt của tổ chức đó thêm phần đó vô được không. Và học không có hành sẽ quên. Thành ra những ngày lễ, những ngày hội mình mời những hội đoàn đó đưa các em tới tham dự. Như vậy có sự liên hệ, có sự trao đổi nhưng dĩ nhiên mỗi địa phương sinh hoạt tùy theo hoàn cảnh của địa phương mình."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG