Đường dẫn truy cập

Hội nghị Toàn quốc về Lãnh đạo người Mỹ gốc Việt


Hội nghị Toàn quốc về Lãnh đạo người Mỹ gốc Việt, Washington DC, 2/7/2011
Hội nghị Toàn quốc về Lãnh đạo người Mỹ gốc Việt, Washington DC, 2/7/2011

Hội nghị Toàn quốc về Lãnh đạo người Mỹ gốc Việt được tổ chức lần đầu tiên ngày thứ Bảy 2 tháng 7 năm 2011, đúng vào dịp Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) kỷ niệm 30 năm hoạt động phục vụ cộng đồng Việt Nam của BPSOS, tại thủ đô Washington D.C. Hà Vũ đã đến dự và ghi lại một số điểm chính trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này.

Hội nghị được sự tham dự của hơn 200 bạn trẻ từ một số tiểu bang có đông người Việt cư ngụ trên nước Mỹ. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển, cơ quan đứng ra tổ chức hội nghị cho biết lý do triệu tập hội nghị này:

“Cộng đồng người Việt trong suốt 36 năm qua đã chú ý nhiều đến vấn đề sinh tồn, gầy dựng lại cuộc sống nhiều hơn là quan tâm đến tương lai. Nhưng bây giờ là thời điểm để bắt đầu đặt nền móng cho tương lai, chuẩn bị cho thế hệ tiếp nối, nếu không e rằng quá trễ bởi vì thế hệ chủ lực 36 năm qua, những người qua bên này tâm hồn vẫn còn gắn bó với cộng đồng, đất nước, nhưng những người trẻ thế hệ tiếp nối không có sự gắn bó đó. Nếu chúng ta không chuẩn bị cho họ ý thức về cộng đồng, về quê hương thì e rằng họ sẽ không còn là nhịp cầu nối liền dòng chính Hoa Kỳ và cộng đồng của mình. Thứ hai là tất cả những tài năng đó sẽ tản mác đi hết, không được gìn giữ lại để bồi đắp cho những tài nguyên chung của cộng đồng như vậy chúng ta sẽ thất thoát rất nhiều nhân tài, những chất xám của cộng đồng của mình.”

Các cuộc thảo luận đã diễn ra trong ba tiểu ban là Tiểu ban Phát huy Thế lực Chính trị, Tiểu ban Phát triển Kinh tế Cộng đồng và Tiểu ban Thăng tiến Cộng đồng. Mỗi tiểu ban do một số chuyên viên có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn thảo luận.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng giải thích về các lãnh vực thảo luận này:

“Về chính trị, chúng tôi muốn thấy người Việt chúng ta vững chải và xông xáo bước vào giòng chính Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực từ vấn đề tranh cử ở các cấp từ địa phương, tiểu bang đến liên bang. Chúng ta cũng cần phải có những người được bổ nhiệm trong hệ thống hành chánh và tư pháp. Thứ hai là thúc đẩy sự thăng tiến của cộng đồng về mặt kinh tế. Chúng tôi muốn thấy hai trăm ba mươi ngàn tiểu thương người Việt rất là lớn nhưng không hề có kế hoạch nào giúp họ bung vào thị trường dòng chính của Hoa Kỳ. Về mặt xã hội cần phải tổ chức lại cộng đồng. Cộng đồng chúng ta có rất nhiều đoàn thể nhưng thiếu cấu trúc, thiếu định chế hóa để phát triển lên được thành những cơ sở qui mô để thu hút nhân tài, ngân sách, kiến thức để phục vụ một cách hiệu quả những nhu cầu chưa được thỏa đáng của cộng đồng cũng như để giúp cộng đồng trở thành tiếng nói có ảnh hưởng đối với chính trị của chính phủ Hoa Kỳ.”

Cô Tú Uyên, một giáo sư trẻ tại Orange County, California, nơi có số đông người Việt sinh sống, cho biết là sau một ngày hội thảo trong Tiểu ban Thăng tiến Cộng đồng cô thấy hăng hái và phấn khởi và nhận ra có nhiều việc phải làm để giúp các em học sinh cũng như sinh viên dấn thân vào những sinh hoạt của cộng đồng.

“Nhiều người nói thế hệ trẻ cần nhiều người hướng dẫn để các học sinh học giỏi hơn và có thể hoạt động trong cộng đồng nhiều hơn vì bây giờ các sinh viên học giỏi nhưng không hoạt động trong cộng đồng hay là không thấy đó là một điều quan trọng nên mình cần phải khuyến khích thêm.”

Và đây là ý kiến của một bạn khác cũng trong Tiểu ban Thăng tiến Cộng đồng:

“Cái này rất là hay tại vì bây giờ về cháu có được những ý niệm để làm cho cộng đồng mình mạnh hơn. Lúc trước cháu làm với Mỹ không, bây giờ cháu thấy cộng đồng Việt Nam cũng rất giỏi nhưng ít hợp lực với nhau nên cháu nghĩ là nếu hợp lực, cộng tác với nhau như người Đại Hàn, người Mễ rất là mạnh nên mình cũng cần phải mạnh như vậy để cho cộng đồng mình càng ngày càng tốt hơn.”

Cô Nancy, một bạn trẻ khác đến từ bang Oregon cho rằng có rất nhiều thông tin được đưa ra thảo luận nên cô hy vọng trong những hội nghị tới có thêm một ngày nữa để bàn thảo chu đáo hơn.

Hội nghị Toàn quốc về Lãnh đạo người Mỹ gốc Việt, Washington DC, 2/7/2011
Hội nghị Toàn quốc về Lãnh đạo người Mỹ gốc Việt, Washington DC, 2/7/2011

Theo cô Nancy, đây là một cơ hội tốt để gặp các bạn trẻ khác và cô hy vọng trong những lần hội nghị tới sẽ có cơ hội tham gia vào các tiểu ban từ chính trị, kinh tế cho đến cộng đồng và có dịp thảo luận nhiều hơn nữa để chia sẻ những kinh nghiệm, chia sẻ những mục đích cũng như những tầm nhìn về tương lai.

Anh Mathew Dương cũng cho rằng nên tạo cơ hội cho các tham dự viên thảo luận nhiều hơn:

“Ở thành phố nào, ở cộng đồng nào cũng vậy có một hố chia cách giữ thế hệ một, thế hệ một rưỡi cũng như thế hệ hai, mình cho rằng thế hệ trẻ không hiểu rõ hiện tình ở Việt Nam và họ không nghĩ tới đất nước Việt Nam cùng theo một đường lối như thế hệ đi trước như chúng ta nghĩ tới, nhưng ngày hôm nay chúng tôi rất vui thấy sự tham dự của các bạn trẻ khá đông trong hội nghị và hầu hết những bạn trẻ có vẻ như là đi cùng một đường lối, cùng có một cảm thông với thế hệ của chúng ta.”

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Long Phạm, Ủy viên Quản trị Hội đồng Giáo dục các học khu thuộc Orange County, California, tham gia Tiểu ban 1 về Phát huy Thế lực Chính trị.

Trước tình trạng vẫn còn nhiều bạn trẻ Việt Nam do dự trong việc tham gia chính trị giòng chính tại Mỹ dù ở cấp địa phương, tiểu bang hay liên bang, Tiến sĩ Long Phạm giải thích về tình trạng này.

“Lý do nhiều người trẻ ngại hay do dự không muốn tham dự vào những hoạt động chính trị vì khi tham dự như vậy họ phải hy sinh khá nhiều cuộc sống riêng tư vì khi ra ứng cử, luật Mỹ bắt buộc ứng cử viên phải khai báo về tài sản rất chi tiết, lợi tức có từ đâu, có bao nhiêu cổ phần trong các công ty hay trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra nếu có gia đình thì vợ hay chồng cũng phải khai tài sản nữa. Nhiều khi người vợ hay chồng không đồng ý trong chuyện này nên việc tham gia vào chính trị của các bạn trẻ còn gặp trở ngại.”

Đánh giá sơ khởi kết quả của Hội nghị Toàn quốc về Lãnh đạo người Mỹ gốc Việt, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết số người tham dự đã vượt quá dự kiến, và hội nghị đạt được những kết quả nhanh chóng và tốt đẹp nhờ sự chuẩn bị từ trước, vì tất cả những người tham dự đã có dịp cùng nhau thảo luận trong những tháng qua.

“Khi đến hội nghị họ đã nắm vững từ 90 đến 95% tất cả những vấn đề căn bản rồi, đến để giải quyết 5% còn lại thành ra vào cuối ngày 3 lãnh vực đó những người đến tham dự đề ra được những bước đi dài hạn cho cả 3 lãnh vực.”

Nhân kỷ niệm 30 năm hoạt động phục vụ cộng đồng và 35 năm lịch sử của người Mỹ gốc Việt, BPSOS vinh danh 20 người có công trong việc sáng lập và gầy dựng Ủy ban Cứu người Vượt biển. Giải Tinh thần Tự do được trao cho Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, bang Arizona và Dân biểu Cộng hòa Chris Smith bang New Jersey về những đạo luật do hai ông đề ra để những người tị nạn Việt Nam tại các trại Đông Nam Á cũng như những tù cải tạo và gia đình có cơ hội xây dựng cuộc sống mới trên nước Mỹ.

Giải Hoạt động Nhân đạo được trao cho bà Tippi Hedren, một nữ tài tử nổi tiếng từng đóng vai chính trong hai phim The Birds và Marnie của đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock, chuyên quay những phim kinh dị. Bà đã dành hết thời gian cho các hoạt động từ thiện, sau khi từ bỏ sự nghiệp ở Hollywood.

Bà Hedren cũng là người đã giúp huấn luyện nghề làm móng tay cho 20 phụ nữ Việt Nam đầu tiên và giới thiệu những người này cho các chủ tiệm nails Mỹ. Từ những hạt nhân này cho đến nay đã có hơn 100.000 tiệm nails của người Việt Nam tại Mỹ. Ngoài ra bà còn tham dự vào những công tác cứu người vượt biển vào lúc cao điểm của phong trào thuyền nhân Việt Nam.

Ca ngợi những hoạt động của BPSOS trong 35 năm qua trong việc giúp đỡ thuyền nhân, Diễn giả chính trong đêm dạ tiệc, Giáo sư Đinh Hồng Phụng Việt của trường đại học Georgetown, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống George W. Bush nhắc nhở các người tham dự:

“Chúng ta mất quê hương nhưng không bao giờ quên được lý tưởng tự do dân chủ.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG