Đường dẫn truy cập

LHQ nói Israel đã sử dụng vũ lực quá đáng trong vụ chặn đoàn tàu ở Gaza


Lực lượng biệt kích của Israel đã xông lên tàu Mavi Marmara mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ trong hải phận quốc tế vào ngày 31 tháng Năm năm 2010
Lực lượng biệt kích của Israel đã xông lên tàu Mavi Marmara mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ trong hải phận quốc tế vào ngày 31 tháng Năm năm 2010

Một phúc trình một ủy ban của Liên Hiệp Quốc được chờ đợi từ rất lâu về vụ Israel tấn công một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ chở phẩm vật cứu trợ cho giải Gaza đã bị tờ the New York Times tiết lộ hôm thứ Năm. Trong phúc trình này, ủy ban thấy rằng Israel đã sử dụng vũ lực thái quá và vô lý trong lúc họ tấn công tàu Mavi Marmara vào năm ngoái, nhưng phúc trình lại kết luận rằng vụ phong tỏa đường biển vào Gaza là hợp pháp theo luật quốc tế.

Tờ the New York Times đã đăng nguyên bản sao của phúc trình mật dài 105 trang lên trang web của họ trước thời hạn dự tính được công bố vào thứ Sáu.

Ủy Ban, do cựu thủ tướng New Zealand Geoffrey Palmer, cựu tổng thống Colombia Alvaro Uribe lãnh đạo, cũng như thành viên từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, thấy rằng lực lượng biệt kích của Israel đã xông lên tàu Mavi Marmara mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ trong hải phận quốc tế vào ngày 31 tháng Năm năm 2010 “mà không có cảnh báo hay sự ưng thuận” đã sử dụng “vũ lực quá đáng” nhắm vào những nhân vật hoạt động tranh đấu có mặt trên tàu.

Ủy ban nói hành động của lực lượng biệt kích Israel “đối với chúng tôi dường như là một phản ứng quá nặng và quá mau” và là “một phản ứng quá đáng đối với tình hình.” Ủy ban kết luận rằng "vụ ngăn chặn đoàn tàu lẽ ra phải hoạch định một cách tốt hơn và lẽ ra phải được thực hiện theo một cách khác hơn."

Đoàn tàu gồm 6 chiếc chở 600 nhà hoạt động tranh đấu ủng hộ Palestine đã lên đường tìm cách phá vỡ lệnh phong tỏa của Israel áp đặt tại giải Gaza do phe Hamas kiểm soát để chở các phẩm vật y tế, giáo dục và các vật liệu xây cất đến cho phần lãnh thổ này của người Palestine.

Nhưng chuyến đi của đoàn tàu đã gặp tai họa chết người khi biệt kích Israel xông lên tàu và 9 hành khách bị thiệt mạng trong cảnh hỗn loạn xảy ra sau đó. Phúc trình nêu lên rằng 7 trong số những người thiệt mạng đã chết vì bị nhiều vết thương do đạn bắn.

Ủy ban Palmer thấy rằng vụ Israel phong tỏa đường biển vào giải Gaza không vi phạm luật quốc tế, và rằng lực lượng của Israel có quyền chặn tàu ở hải phận quốc tế để ngăn chặn những vụ chuyển lậu vũ khí vào Gaza.

Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã tranh cãi rằng vụ phong tỏa đường biển vào Gaza là bất hợp pháp, và rằng Israel không có quyền chặn đoàn tàu trong hải phận quốc tế.

Phó phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Eduardo del Buey nói rằng ông không thể bình luận gì về một phúc trình bị lộ và nói thêm rằng ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng chưa nhận được và chưa đọc phúc trình này.

Phái bộ Israel tại Liên Hiệp Quốc nói rằng họ không đưa ra ngay lời bình luận, trong khi phái bộ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên hiệp Quốc chưa trả lời một cú điện thoại gọi đến hỏi ý kiến.

Quan hệ giữa Israel và Thổ, từng có thời rất khắng khít, đã bị căng thẳng vì vụ này, với Ankara triệu hồi đại sứ của họ tại Tel Aviv về nước.

Hai nước vẫn còn đang thương thuyết về một loại ngôn từ xin lỗi nào đó từ Israel và bồi thường cho những nạn nhân, nhưng đôi bên chưa đồng ý được với nhau.

Ủy ban Liên Hiệp Quốc đã đề nghị rằng Israel nên bày tỏ sự hối lỗi và bồi thường cho các nạn nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG