Đường dẫn truy cập

Bên Nội


* Sinh quán Hà Đông, Bắc Việt (1943). Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng. Di cư vào Sài Gòn (1954). Đến Mỹ tháng Tư, 1975. Hiện sống và viết ở Seattle, Washington.
* Cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
* Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999).
* Giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.
* Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California. (2002-2005).

Tôi ở quê chồng xa xăm quá
Cách quê cha cả một đại dương
(tmt)

Ngày các con còn bé, mỗi năm vào dịp nghỉ hè, dịp nghỉ lễ, chúng tôi vẫn cho các con về nội. Từ Seattle lái xe về Helena, Montana mất mười tiếng, nghỉ dọc đường, ăn uống, mua bán, thong thả, thêm hai tiếng nữa. Mỗi lần về trẻ con thích lắm vì được đi chơi xa, ông bà nội thì mừng rỡ đón con cháu về. Cha mẹ nào, đất nước nào, dân tộc nào, tình thương gia đình cũng giống nhau; cho dù phong tục, ngôn ngữ có khác nhau thì với tình thương đó “Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” Bây giờ cả hai cha, mẹ chồng tôi đều qua đời, các con đã trưởng thành, chúng như lá cuốn muôn phương, chúng tôi thấy hoàn cảnh mình dần dần thay vào chỗ cha mẹ ngày trước “Cũng nhân tâm ấy, há thiên lý nào!” (Gia Huấn Ca)

Cha chồng tôi là con trưởng, trong một gia đình bẩy người con, hai trai, năm gái, nên Frank (chồng tôi) có khá nhiều em họ. Thuở trẻ, mấy người cô của Frank sau khi tốt nghiệp các bà đều ra khỏi tiểu bang nhà, tứ tán khắp nơi, để thoát ra cái khuôn khổ rất nghiêm ngặt của cha. (Cụ cố bắt cả năm bà phải học xong Đại Học, mới được lập gia đình) Có người lấy chồng, trở về, có người lập nghiệp rất xa. Duy có chú Năm, năm nay cụ đã 90 tuổi, và người chị của Frank, độc thân, vẫn sống ở Montana. Frank mỗi năm vẫn về thăm hai người. Còn tôi, đã bắt đầu ngại lái xe đường trường, nên cách vài năm mới đi một lần. Năm nay Frank rủ tôi về theo, vì có mấy người em họ khác của Frank từ Florida cũng về họp mặt với mấy người đang sống rải rác ở những thành phố khác nhau nhưng cùng bang Montana. Tôi nhận lời đi, nghĩ đã lâu không về thăm mộ các cụ, và ông chú chồng luống tuổi, cũng thấy áy náy bổn phận dâu con trong lòng.

Montana, nơi nổi tiếng có bầu trời rộng (big sky), bao la xanh thẳm với những đám mây vô xứ, nơi những cánh rừng thông nối tiếp nhau trên suốt con đường xuyên bang. Nơi núi tiếp núi, chạy suốt vòng chân trời, vừa hùng dũng, lẫm liệt vừa huyền bí, quyến rũ. Nơi thiên nhiên ung dung, tự tại sống chung với người. Người và thiên nhiên nhường chỗ cho nhau, những bức tường cao, những mảng xi măng không có chỗ chen chân. Nơi những cánh đồng hoa cải (mustard seed) nở rộ trên đường xuyên bang, có mầu vàng loang vào tận trái tim người, cái đẹp đến nín thở. Nơi những con ngựa nhìn hoài không chán mắt; chân chúng thanh mảnh, dài, bụng chúng thẳng, mắt nâu to, trong suốt, bờm chúng dài, rộng, mướt, với những múi thịt trên thân rắn chắc. Những con ngựa đó, đẹp như những người đàn ông mới bước qua tuổi trưởng thành. Cái đẹp nếu quá đi một chút, sẽ thành đỏm đáng, nhạt nhẽo hoặc kém đi một chút sẽ mất cái hấp dẫn cần thiết. Cái đẹp vừa đúng mức! Cái đẹp của mặt trời đúng ngọ, của mặt trăng vào rằm, của thu vừa ửng chín, của đông vừa se mình, của xuân vừa thả sương của hạ vừa làm mật. Đó là vẻ đẹp của ngựa Montana.Tôi nói có quá đáng không? Không đâu, tôi mời bạn đến tận nơi, xem tận mắt, chắc có khi bạn còn nhìn ra hơn cả những gì tôi nhìn thấy.

Nếu đi thẳng xa lộ 90 về hướng Đông, con đường từ Seattle đến Helena, Montana, chỉ dài 587 dặm (miles). Nhưng lần này chương trình của chúng tôi là muốn đi xem một nơi, có thể gọi là vựa ngũ cốc của nước Mỹ, nên chặng đường sẽ dài 1,100 dặm. Cuộc hành trình theo thứ tự: Sau khi đi thẳng từ nhà ở Bellevue, Washington tới Lake Chelan thăm một người cô của Frank, chúng tôi đổi sang quốc lộ số 2 về phía bắc, qua Davenport để tới Steptoe Butte, vựa ngũ cốc của nước Mỹ. Trước khi đến địa điểm cuối là Helena, chúng tôi sẽ ngừng lại tắm ở Wild Horse-Hot Springs, trong Polson. Đường trường, hai người một xe, là dịp để vợ chồng có thể trò chuyện lâu với nhau về đủ mọi đề tài của đời sống mà không bị cái máy vi tính, tiếng điện thoại reo, hay bất cứ một ai làm gián đoạn. Trong lòng xe chật hẹp, dẫu có bất đồng ý kiến, cũng nhịn, vì không hờn lâu được và cũng không bỏ đi đâu được. Thật là một “Retreat” cho cả hai vợ chồng!

Tôi không biết tả thế nào cho đúng vẻ đẹp của những cánh đồng ngũ cốc ở Steptoe Butte, so với những cánh đồng mạ của Việt Nam. Những cánh đồng ở Việt Nam cũng có mầu xanh ngọc khi lúa trổ đòng đòng, và mắt nhìn thẳng tắp đến tận chân trời. Ngược lại, những ruộng trồng wheat, barley, oat, lentil, chúng không bằng phẳng như ruộng lúa ở Việt Nam. Đó là những ngọn đồi lớn, nhỏ nằm nối tiếp nhau, những ngọn đồi lên cao, xuống thấp, uốn lượn, chéo qua, chéo lại ngút mắt cả ngàn mẫu. Khi ta đứng từ trên một khu đồi cao nhất nhìn xuống, thấy như một đại dương cuồn cuộn sóng mầu ngọc bích.

Chúng tôi tới đó vào lúc buổi chiều, mặt trời đang từ từ lặn, một chiếc trực thăng nhỏ, cánh ngắn, mầu vàng đang rắc phân bón (hay rắc thuốc giết sâu), bay lên cao, rồi hạ xuống sát mặt lúa, trông như một con chuồn chuồn vàng khổng lồ, đang bay lượn, chơi đùa trên mặt biển xanh ngọc (Green Ocean). Tôi đứng đó nhìn xuống cái biển ngũ cốc được tạo thành bởi tài trí người, với sự trợ giúp của kỹ nghệ khoa học. Ruộng cầy bằng máy, hạt giống và phân bón rắc bằng máy, hay bằng trực thăng, nên không một bóng người. Tôi bỗng liên tưởng đến những người dân quê chân lấm tay bùn làm ruộng ở Việt Nam, nhổ mạ ở ruộng này, cấy sang ruộng khác. Họ làm việc cấy cầy ngay cả trong thời chiến tranh tàn phá. Để tránh đạn bom, họ cấy mạ vào ban đêm. Nhìn sắc đỏ của mặt trời từ từ lặn trên thảm mầu xanh ngọc, tôi rưng rưng nhớ đến đoạn văn học thời đệ thất, đệ lục (Lớp 6, lớp 7 ngày nay).

Đoạn văn tả cảnh một người đến một làng nằm kề bên một trận địa, thôn xóm hoang vắng, thưa thớt, điêu tàn, không có bóng người, cánh đồng loáng nước không một bóng nông phu. Anh ngủ đỗ một đêm, tỉnh dậy, sáng hôm sau, lên đường, anh đã quá đỗi ngạc nhiên: “Qua một đêm ngủ đỗ, sáng hôm sau tôi trở dậy lên đường. Trong ánh nắng sớm mai, đố ai biết có gì đổi khác? Nhìn vào thôn xóm, không một bóng người, mái tranh sơ xác, khóm tre im lìm, nhưng giải đồng loáng nước chiều qua, đã xanh rì ngọn mạ. Tôi nghĩ đến ánh trăng đêm trước, đến những đoàn người lũ lượt trở về đây, đến những bàn tay mềm mại cấy từng hàng mạ trên thửa đồng rộng mênh mông. Trong lúc chiến tranh vẫn gieo tang tóc, và đổ nát, trong lúc bom đạn vẫn trút hàng loạt trên làng mạc quê hương, thì ở đây, người dân quê Việt Nam vẫn thản nhiên gieo nguồn sống. Nhành lúa mới như một tuổi xuân bừng trỗi dậy, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc” (Nhành Lúa Mới - Tác giả:Vô Danh)

Bây giờ tôi đứng đây, quê chồng trước mặt, quê cha xa vời vợi. Tôi nhớ lại những câu thơ viết xuống cách đây hơn hai mươi năm về trước, khi lần đầu dắt các con về thăm ông bà nội.

Tôi dắt con về thăm bên nội
Tìm mãi đầu làng, không thấy bóng cây đa
Đâu mái đình cong
Đâu khóm tre già
Đám bèo tấm trên mặt ao rau muống
Chỉ thấy núi đứng lên từ tám hướng
Suối trong veo chim ríu rít trên cành
Thông nghiêng mình trao một mảnh trời xanh
Tặng cho kẻ phương xa vừa mới tới

Kẻ phương xa bỗng thấy buồn vời vợi
Ngước mặt nhìn mây trắng nhớ quê xưa.

Tôi viết như thế, vì tôi nghĩ đến ngày còn bé được về Thái Bình, Thanh Hóa, được thấy cây đa đầu làng, thấy ao rau muống, thấy mảng bèo tấm. Tôi viết như thế vì tôi nhớ quê cha, đất mẹ của mình.

Hóa ra mình già bao nhiêu tuổi, mình đi xa bao nhiêu ngàn dặm trong đời, mình sống bao nhiêu đời trong một kiếp. Quê hương đích thực của mình vẫn như cây lúa trổ đòng đòng trong cánh đồng tâm khảm của một kiếp người.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG