Đường dẫn truy cập

Làn sóng người Mỹ xin con nuôi ở Việt Nam tăng


Việc nhận con nuôi nước ngoài đã trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây. Với nhiều lý do khác nhau, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng, hay kể cả những người còn độc thân muốn tìm con nuôi ở nước ngoài. Gần đây, người ta thấy ngôi sao Hollywood Angelina Jolie vừa sang Việt Nam để nhận thêm một bé trai về làm con nuôi. Mặc dù chưa tham gia ký công ước quốc tế về vấn đề con nuôi, nhưng Việt Nam đã ký Hiệp định về xin con nuôi với khoảng 10 nước trên thế giới trong đó có Hoa kỳ. Và hiện nay trong số các trẻ mồ côi ở Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì số trẻ có bố mẹ nuôi người Mỹ chiếm đa số. Bên cạnh việc nuôi dạy các em lớn lên trong xã hội Mỹ, những bố mẹ nuôi, và cộng đồng Việt Nam ở xung quanh cũng quan tâm và tổ chức cho các em tham gia các hoạt động như Trại hè Tìm Hiểu Truyền Thống Việt Nam (The Vietnamese Heritage Awareness Camp) để giúp các em hiểu được nguồn gốc và nền văn hoá của dân tộc Việt Nam. Mời quý thính giả theo dõi bài tường thuật do Thanh Trang thực hiện sau đây.

Trại hè Tìm Hiểu Truyền Thống Việt Nam (The Vietnamese Heritage Awareness Camp) vừa được tổ chức vào hai ngày hồi trung tuần tháng Tám vừa rồi ở Potomac Woods, Lucketts. Đây là lần đầu tiên một trại hè văn hóa dành cho các em Việt Nam là con nuôi của các gia đình Mỹ sống tại tiểu bang Virginia được tổ chức. Các em và các thành viên khác trong gia đình tham dự trại hè này sẽ được tìm hiểu về lịch sử Việt Nam như: truyền thuyết các Vua Hùng, Hai Bà Trưng, các phong tục tập quán Việt Nam, và các sinh hoạt văn hóa như: trang phục, nấu ăn.

Trại hè Tìm hiểu Truyền thống Việt Nam do 4 nữ sinh trung học là Beth Đỗ, Trúc Thi Nguyễn, Hương-Trà Phạm, và Kathy Nguyễn tình nguyện đứng ra tổ chức, với sự cố vấn của bà Lisa Tomlinson và Kim Nguyễn. Trúc Thi cho biết cảm nghĩ của em khi tình nguyện tham gia tổ chức trại hè này.

Bà Kim Nguyễn cho rằng việc tổ chức một trại hè dành cho các em là con nuôi từ Việt Nam, và những bố mẹ nuôi là rất cần thiết.

Cũng như các gia đình có con nuôi từ Việt Nam, bà Kathy Rafferty đã đưa con trai đến tham dự trại hè này để giúp con bà hiểu về lịch sử và văn hóa truyền thống của đất nước, nơi mà nó đã được sinh ra. Bà đã cho Đài VOA biết lý do vì sao bà lại muốn nhận con nuôi từ Việt Nam.

Bà Raferty nói: “Thời còn học trung học tôi đọc một quyển sách có tựa đề “Kim – một quà tặng của Việt Nam” kể về chuyện một người Mỹ nhận một đứa con nuôi từ một viện mồ côi ở Việt Nam. Sau khi đọc quyển sách ấy tôi đã tự nhủ với mình rằng sau này khi lớn lên tôi sẽ nhận một đứa bé ở Việt Nam về làm con nuôi.”.

Và quả thật như vậy khi có ý định nhận nuôi một đứa con từ nước ngoài bà đã nghĩ ngay đến Việt Nam. Bà Rafferty nói tiếp như sau:

“Khi tôi so sánh Việt Nam với các nước khác thì tôi có thể nói rằng các trẻ em trong các viện mồ côi ở Việt Nam nhận được chăm sóc tốt hơn ở hầu hết những nơi khác trên thế giới.”

Bà Rafferty kể rằng năm 1998 bà đã đến Lạng Sơn để nhận con nuôi, đứa bé lúc ấy chỉ mới được hai tháng tuổi mà nó đã biết cười. Đó là một đứa trẻ khỏe mạnh, bụ bẩm. Bà đặt tên con là Matthew Edward Minh. Hiện nay em lên 8 tuổi và đang học lớp 3. Bà kể lại việc ấy như sau:

“Những người ở nơi chăm sóc đứa trẻ lấy làm vui mừng cho nó, và luôn miệng bảo nó là một cậu bé dễ thương, và may mắn. Nhưng tôi thì nói rằng tôi mới đúng là người may mắn vì đối với tôi đây là một vinh dự và một niềm vui sướng khi nhận được một đứa trẻ ở Việt Nam làm con nuôi. Matthew thật sự là một quà tặng mà Việt Nam đã dành cho tôi. Trong buổi lễ trao nhận con nuôi, tôi đã được dặn dò hãy dạy dỗ Matthew biết yêu đất nước nơi cậu bé được sinh ra, và trách nhiệm của tôi là một người mẹ tôi sẽ dạy dỗ con tôi về điều ấy. Và đó là những việc sinh hoạt hàng ngày trong gia đình chúng tôi.”

Bà Rafferty sung sướng kể về cậu con trai của mình như sau:

“Quả thực là Matthew rất tự hào là người Việt. Matthew hiểu rõ thế nào là một người Việt Nam, nó có thể chỉ trên bản đồ Việt Nam nằm ở đâu, và bảo rằng tôi là một người Mỹ gốc Việt. Nó là một đứa trẻ thông minh, học giỏi, và rất ngoan. Và tôi đã nỗ lực để Matthew biết được về nền văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đó là một món quà tuyệt vời nhất cho con trai tôi, nhưng tôi không ép buộc nó. Việc ý thức được mình là người Việt Nam phần nào giúp cho Matthew hiểu được mình là ai, ngoài việc là con trai của tôi và là người Mỹ thì Matthew còn là người Việt Nam.”

Bà Rafferty đã cho Matthew tham gia những sinh hoạt trong cộng đồng người Việt như tổ chức hướng đạo, tham dự những hoạt động văn hóa Việt Nam như: lễ giỗ tổ Hùng Vương, Tết cổ truyền. Bà Rafferty quan niệm rằng việc dạy dỗ cho những đứa trẻ hiểu được nguồn gốc văn hoá của mình là cần thiết. Bà nhấn mạnh:

“Vấn đề thực sự là những trẻ được nhận làm con nuôi từ nước ngoài sẽ không giống như những thành viên khác trong gia đình và bạn không thể làm ngơ đối với việc ấy được, nên vần đề này cần phải được đặt ra và nên nói cho trẻ biết từ lúc nó còn bé. Và đây cũng là điều mà tôi học hỏi được từ những người có con nuôi người nước ngoài – là hãy bắt đầu dạy cho trẻ biết về nguồn gốc của chúng từ khi chúng còn nhỏ, như một phần trong quá trình nhận thức về nguồn gốc lai lịch, trong sự phát triển của các em. Và Matthew biết nó là người Việt Nam. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải cho Matthew về thăm lại quê hương để có được cảm nhận về nơi chôn nhau cắt rốn của nó, ngay từ lúc nó còn nhỏ để nó được học hỏi và khám phá nhiều điều khác nữa. Vì thế chúng tôi dự định sẽ về thăm lại Việt Nam.”

Một bà mẹ nuôi khác là bà Lisa Tomlinson, vợ chồng bà đã nhận một bé gái sơ sinh từ một Trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi thuộc Huyện Từ Liêm ở Hà nội làm con nuôi lúc bé mới được 7 tháng, và đặt tên là Haley Tomlinson, hiện nay thì bé đã được 7 tuổi. Bà Tomlinson nói rằng vợ chồng bà muốn sắp xếp công việc dành thời gian học tiếng Việt để có thể dạy và nói chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ của nó, vì càng yêu đứa con nhận được từ Việt Nam bà càng cảm thấy yêu mến nền văn hóa của đất nước này.

Còn đối với vợ chồng Kathleen Brown và John Cullather, hai người đã nhận hai cháu bé ở Việt Nam làm con nuôi từ lúc các em chỉ mới vài tháng tuổi. Năm nay Claire Xuân Cullather lên 6 tuổi và Peter Quang Cullather chỉ mới được một tuổi rưởi. Cả hai cháu đều được sinh ra ở tỉnh Phú Thọ.

Cũng như bà Rafferty, tất cả những bà mẹ này đều nuôi dạy những đứa trẻ nhận về nuôi với một ý thức giáo dục cho các em hiểu về nguồn gốc và nền văn hoá của Việt Nam. Họ cho các cháu tham gia những sinh hoạt của các nhóm hướng đạo Việt Nam, và các hoạt động của các tổ chức cộng đồng Việt Nam. Bà Kathleen Brown nói:

“Vợ chồng tôi dành nhiều thời gian để giúp cho các cháu biết là chúng được sinh ra ở Việt Nam và được thừa hưởng truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, mặc dù bây giờ các cháu là công dân Mỹ, nhưng chúng tôi muốn chúng hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa kể cả ngôn ngữ Việt Nam.”

Bà Kathleen Brown đã đến Việt Nam hai lần để nhận Claire Xuân và Peter Quang. Bà Brown cho biết về các thủ tục nhận con nuôi như sau:

“Vấn đề thủ tục liên quan tới rất nhiều thứ giấy tờ, nhưng không phải là khó đến không làm được, vấn đề là phải mất nhiều thời gian, và đòi hỏi nhiều loại giấy tờ cũng là điều chính đáng. Phải mất thời gian cho các thủ tục vì còn tùy thuộc vào việc bạn có thể tập hợp đủ tất cả các loại giấy tờ cần thiết. Nếu bạn nghỉ đến việc làm việc với một gia đình để tạo mái ấm cho một đứa trẻ thì những nỗ lực ấy cũng đáng thôi. Cho nên mặc dù là phải mất khá nhiều thời gian nhưng chúng tôi thấy cũng thú vị và thủ tục là điều quan trọng.”

Theo lời ông Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Con Nuôi Quốc tế, Bộ Tư Pháp Việt Nam thì số con nuôi được các gia đình nước ngoài nhận về nuôi tăng mỗi năm – năm 2004 là 550 cháu, 2005 là 1250 cháu, năm 2006 là 1526 cháu, và năm 2007 dự kiến khoảng 2000 cháu; trong số này khoảng trên 1000 cháu sẽ được nhận sang Hoa kỳ. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1990 cho đến năm 2000, việc cho con nuôi cho các gia đình ở nước ngoài bị gián đoạn do những vụ xì-căng-đan “mua bán con nuôi”.

Ông Long cho biết các quy định hiện nay của chính phủ về việc xin con nuôi của người nước ngoài. Ngoài ra, ông Vũ Đức Long cũng nói thêm về chính sách ưu đãi đối với Việt kiều trong việc xin nhận con nuôi ở Việt Nam.

Holt International là một trong 43 văn phòng của Hoa kỳ trên tổng số 67 văn phòng các tổ chức nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giúp cho người nước ngoài xin con nuôi tại Việt Nam. Holt đã giúp làm thủ tục cho 19 trẻ được các gia đình ở Hoa kỳ nhận về làm con nuôi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007. Trước đây Holt đã có mặt tại Việt Nam từ thập niên 1970, và đã tổ chức chương trình “Operation Babylift” đưa 400 trẻ mồ côi sang Hoa kỳ vào năm 1975.

Thông qua việc nhận con nuôi từ Việt Nam, mối quan hệ tình cảm giữa những gia đình tại các nước nhận con nuôi với Việt Nam sẽ được tăng cường, và tạo cơ sở cho sự hiểu biết lẫn nhau. Điều này đã được thể hiện qua việc các bố mẹ nuôi cũng cùng với con nuôi tham dự Trại hè Tìm Hiểu Truyền Thống Việt Nam (The Vietnamese Heritage Awareness Camp), để tìm hiểu về văn hóa, và phong tục tập quán Việt Nam. Một số người nói rằng họ cảm thấy gần gũi với Việt Nam hơn.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ cuộc phỏng vấn:


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG