Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Triều Tiên trở lại cuộc đàm phán 6 bên


Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Triều Tiên chớ nên thí nghiệm một phi đạn tầm xa, thay vào đó, nên trở lại cuộc thảo luận 6 nước về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó các nhà làm luật Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc hãy tạo thêm áp lực ngoại giao đối với quốc gia láng giềng cô lập của họ.

TTV Stephanie Ho của đài tường trình rằng phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Tony Snow cho biết các giới chức Hoa Kỳ đang tham khảo chặt chẽ với nhau ở trong nước cũng như với các quốc gia khác, về việc có thể Bắc Triều Tiên sẽ cho thí nghiệm một phi đạn.

Ông nói trên đài truyền hình tin tức Fox vào sáng chủ nhật rằng lập trường của Washington rất đơn giản, đó là Washington không muốn Bắc Triều Tiên thí nghiệm phi đạn.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói rằng năm 1999 Bắc Triều Tiên đã quyết định ngưng các loại thử nghiệm như vậy, và Hoa Kỳ trông đợi là họ sẽ duy trì việc đình chỉ như thế.

Ông khuyến nghị Bình Nhưỡng hãy trở lại bàn thương nghị giữa 6 quốc gia để thảo luận về cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ông đưa ra khả năng về điều mà ông gọi là một "con đường song song có thể bao gồm cả một số những cuộc thảo luận với Hoa Kỳ".

Ngoài Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, các cuộc thảo luận 6 bên còn qui tụ Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Nga. Tiến trình này đã khởi sự năm 2003, nhưng các cuộc thảo luận đã gặp bế tắc kể từ năm ngoái.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc còn nói thêm rằng việc Bắc Triều Tiên thí nghiệm phi đạn có thể khiến Hoa Kỳ trả đũa, mặc dù ông không cho biết chi tiết. Phát ngôn viên Tony Snow nói rằng nếu như Bắc Triều Tiên cứ tiến hành vụ thí nghiệm phi đạn thì Hoa Kỳ sẽ đáp ứng thích đáng.

Cũng lên tiếng trên đài truyền hình CNN, nghị sỹ Cộng Hòa Pat Roberts nêu lên rằng trong những tháng gần đây,Washington chú trọng nhiều đến Iran và Iraq. Theo ông, những tin tức mới về việc Bắc Triều Tiên có thể cho thí nghiệm phi đạn là một chỉ dấu cho thấy lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il có dụng ý muốn thu hút sự chú ý của quốc tế.

Ông nói đấy là cách lãnh tụ Bắc Triều Tiên thu hút sự chú ý của quốc tế.

Cũng trên cùng một chương trình truyền hình, Nghị sỹ Dân Chủ Dianne Feinstein nói rằng bà không muốn thấy nước Triều Tiên thù nghịch trở lại tình trạng cô lập.

Bà nói, theo quan điểm của bà thì một quốc gia bị cô lập càng nhiều thì thái độ của quốc gia ấy lại càng tách rời nhiều hơn, và họ càng không có gì để mất. Theo bà thì cần phải vận động ngoại giao ráo riết với Trung Quốc để nước này tạo áp lực mạnh hơn với Bắc Triều Tiên.

Bà nêu lên những nỗ lực của Nam Triều Tiên giao tiếp với Bắc Triều Tiên, được Nam Triều Tiên gọi là “Chính sách Ánh Dương”, là một nỗ lực mà bà cho là đang có hiệu lực. Bà cũng nói thêm rằng bà tin là một đường lối cởi mở dần với Bắc Triều Tiên, một đất nước mà người dân bị lâm vào tình cảnh đói kém, để cho dân được nuôi ăn và được tiếp cận với các quan điểm khác, là con đường nên theo đuổi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG