Xét nghiệm mắt có thể sớm phát hiện được bệnh Parkinson

  • Deborah Block

Bệnh nhân Parkinson khởi động và căng cơ trước khi tập luyện ở Costa Mesa, California. (Ảnh tư liệu)

Bệnh Parkinson thường được phát hiện quá muộn khiến việc điều trị cho bệnh nhân thiếu hiệu quả. Nhưng bây giờ có một phương pháp xét nghiệm mắt mới có thể chẩn đoán bệnh này sớm hơn nhiều. Chứng bệnh thoái hóa này làm cơ bắp bị cứng, làm cử động chậm chạp, và làm bệnh nhân run rẩy. Mặc dù chưa có phương thuốc chữa bệnh Parkinson, song nếu bệnh này có thể được phát hiện ở giai đoạn đầu thì thuốc men và liệu pháp chữa trị khác có thể giúp kiểm soát những triệu chứng.

Một phương pháp xét nghiệm mắt mới có thể là bước đột phá cho việc sớm phát hiện bệnh Parkinson. Hầu hết mọi người không biết họ mắc bệnh này trong nhiều năm vì nó tiến triển từ từ, làm tổn thương tế bào thần kinh trong não ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.

Và hiện giờ, chưa có một phương pháp xét nghiệm hoặc soi chụp não nào có thể chẩn đoán được bệnh trạng.

Sử dụng một kỹ thuật chụp hình ảnh mới, phương pháp xét nghiệm mắt mới tìm kiếm những thay đổi trong võng mạc. Những nhà nghiên cứu tại Viện Nhãn khoa thuộc Học viện Đại học London đã phát triển phương pháp này.

Đầu tiên, những nhà khoa học tiêm một hóa chất gây bệnh Parkinson vào những con chuột. Một khi họ nhìn thấy những thay đổi trong võng mạc, họ chữa trị những con chuột này bằng một loại thuốc chống tiểu đường giúp bảo vệ những tế bào thần kinh, và có thể được sử dụng để chữa bệnh Parkinson.

Bác sĩ nhãn khoa Eduardo Normando giải thích:

"Tiêm Rosiglitazone vào những con chuột này, chúng tôi đã có thể nhận thấy tác động giải cứu của Rosiglitazone trong mô hình này, đầu tiên là ở mắt và sau đó là ở não bộ."

Không rõ vì sao người ta lại mắc bệnh Parkinson. Ước tính một trong mỗi 500 người mắc bệnh này, như cố võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali. Xét nghiệm bệnh Parkinson trong võng mạc trước tiên có thể có những tác động sâu rộng.

Bác sĩ nhãn khoa Francesca Cordeiro cho biết:

"Nó có thể dự đoán người đó cần những cuộc xét nghiệm tầng thứ hai mà sẽ quyết định xem họ có mắc bệnh Parkinson hay không. Và sau đó bạn có thể tiếp tục sử dụng phương pháp xét nghiệm này để theo dõi, không chỉ căn bệnh tiến triển nhanh tới mức nào mà bệnh nhân có đang được chữa trị đúng cách hay không. Việc này có ý nghĩa rất lớn."

Những thử nghiệm trên người cho phương pháp xét nghiệm mắt tìm bệnh Parkinson sẽ sớm bắt đầu.

Bác sĩ Francesca Cordeiro nói tiếp:

"Nếu bạn đã nhìn thấy những tác động trong võng mạc trước khi bạn nhìn thấy những tác động trong não, thì bạn thực sự có thể rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng, và bạn có thể sử dụng việc này như một chỉ dấu rất tốt cho thấy việc điều trị đạt thành công. Nhưng về lâu dài, chúng tôi nghĩ nó có thể là một cách để cố gắng nhận biết liệu bệnh nhân sẽ mắc bệnh Parkinson hay không."

Và điều đó có thể dẫn đến phương pháp chữa trị tốt hơn trong tương lai cho căn bệnh tàn phá thể chất này - với việc xét nghiệm có thể được thực hiện trong một cuộc kiểm tra mắt thường xuyên.