Haiti yêu cầu Mỹ thay đổi phương cách viện trợ

Tổng thống Haiti Michel Martelly (phải) trả lời phỏng vấn tại trụ sở đài VOA ở Washington, D.C.

Tổng thống Haiti Michel Martelly nói với đài VOA rằng ông đã yêu cầu Hoa Kỳ thay đổi phương cách viện trợ gửi tới Haiti, yêu cầu gửi nhiều hơn qua chính phủ thay vì gửi qua các tổ chức phi chính phủ.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu tại trụ sở của đài VOA ở Washington, Tổng thống Martelly thừa nhận rằng lý do của việc phân phối tiền bạc chủ yếu qua các tổ chức phi chính phủ là vì nạn “tham nhũng” tại Haiti và “thiếu tin tưởng vào hệ thống Haiti.” Nhưng ông nói rằng điều đó đang thay đổi.

“Ngày nay, đã có một hệ thống năng động mới, có một giới lãnh đạo mới, và Haiti đang tăng cường hoạt động tham gia một tiến trình dân chủ, tăng cường quyền tư pháp, tăng cường lực lượng cảnh sát, và dĩ nhiên, cho phép đơn vị chống tham nhũng làm công việc của họ, nhân dân Haiti tin rằng nên cho họ một cơ hội để kiểm soát nước mình, chi tiêu số tiền đó theo cách Haiti cảm thấy, hay nghĩ là phải làm như vậy.”

Bốn năm sau khi trận động đất tàn phá Haiti năm 2010, người ta vẫn còn phàn nàn về nhịp độ chậm chạp của những nỗ lực tái thiết. Và những câu hỏi đã được nêu lên về tất cả số tiền hàng tỉ đô la viện trợ được hứa đã đi đâu.

Tổng thống Haiti và tổng thống Mỹ Obama bắt tay tại phòng Bầu dục, Tòa Bạch Ốc, 6/2/2014

Tổng thống Martelly đã nói với đài VOA rằng ước gì Haiti có được tất cả số viện trợ này, nhưng việc không có được tất cả những thứ đã được hứa khiến chính phủ của ông phải tự mình lo lấy. Ông gọi “khả năng tự mình làm lấy” là một tinh thần mới Haiti cần phát triển.

Ông Martelly có mặt tại Washington để tham dự Bữa ăn sáng Cầu nguyện Toàn quốc hôm thứ Năm. Sau sinh hoạt này, ông đã gặp Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc.

Nhà lãnh đạo Haiti đã nói với đài VOA rằng “chuyện tuyệt nhất” là Tổng thống Obama đã tái xác nhận “thiện ý ủng hộ nhân dân Haiti.”

Trận động đất ngày 12-01-2010 tại Haiti đã giết chết hàng trăm ngàn người và đã khiến hơn một triệu người không còn nhà cửa.

Khoảng 150.000 người vẫn còn sống trong các thành phố lều vải.