Đường dẫn truy cập

Đảng đương quyền Thái có thể mất sự ủng hộ vì kế hoạch trợ giá gạo


Nông dân cầm biểu ngữ trong cuộc biểu tình đòi chính quyền của bà Yingluck giải quyết chương trình trợ giá gạo bên ngoài Bộ Thương mại tại tỉnh Nonthaburi, ngoại ô Bangkok, ngày 6/2/2014.
Nông dân cầm biểu ngữ trong cuộc biểu tình đòi chính quyền của bà Yingluck giải quyết chương trình trợ giá gạo bên ngoài Bộ Thương mại tại tỉnh Nonthaburi, ngoại ô Bangkok, ngày 6/2/2014.
Cuộc bầu cử chưa hoàn tất của Thái Lan có nghĩa là chính phủ tạm quyền không thể vay thêm những món nợ mới, khiến cho các nhà nông sản xuất lúa gạo mang nợ tới hàng tỉ đôla trong khuôn khổ một chương trình trợ giá gạo tốn kém ngân sách và gây nhiều tranh cãi. Đảng đang cầm quyền đã vận động tranh cử dựa trên kế hoạch trợ giá này, mà giờ đây các nhà phân tích cho là một thất bại thê thảm. Từ Bangkok Thông tín viên Daniel Shearf của Đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Chính phủ Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn đã lên nắm quyền với lời hứa sẽ tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo qua một chương trình theo đó, họ sẽ được trả giá cao hơn giá thị trường tới 40% cho toàn bộ lượng lúa gạo mà họ có thể bán được.

Chương trình hứa thu mua lúa gạo đã khuyến khích sản xuất quá nhu cầu và làm cho gạo Thái Lan không cạnh tranh được với những nước khác, đồng thời cũng khiến chính phủ bội chi hàng tỉ đôla, và phải tồn kho hàng núi lúa gạo.

Chương trình này dường như còn đầy rẫy tham nhũng, theo nhận định của học giả Ammar Siamwalla thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan.

“Rất là mờ ám. Và phần lớn trong khâu phân phối, bán lúa gạo. Hơn thế nữa, tình hình nếu không mờ ám, thì có thể nói là hoàn toàn tối mò...Bởi vì các số liệu không bao giờ được tiết lộ.”

Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia của Thái Lan đang điều tra vai trò của Thủ Tướng Yingluck Shinawatra trong kế hoạch trợ giá gạo, một cuộc điều tra có thể khiến bà bị truất quyền.

Chương trình trợ giá gạo nằm trong khuôn khổ triển khai thêm các chương trình được lòng dân của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh của bà Yingluck, cho vay nhẹ lãi và cung cấp dịch vụ y tế cho các vùng nông thôn.

Theo học giả Ammar Siamwalla thì các chính sách mới hơn, kể cả chương trình cung cấp máy tính bảng cho học sinh, và giảm thuế cho những người sở hữu xe hơi lần đầu, cho thấy những kết quả lẫn lộn. Ông Ammar nhận định:

“Chương trình chăm sóc sức khỏe có lẽ là chính sách tốt nhất của chính phủ Thái Lan, chính sách tốt nhất mà bất cứ chính phủ Thái Lan nào đã từng thực hiện...Tương tự như vậy, chương trình trợ giá gạo lại là chính sách tệ hại nhất mà bất cứ chính phủ Thái Lan nào đã từng mang ra áp dụng.”

Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan viện dẫn chương trình trợ giá gạo là một thất bại của đảng đương quyền mà họ cho là một chế độ mị dân, và họ kêu gọi giới nông dân hãy theo họ để ủng hộ việc thành lập một hội đồng cải cách không do dân bầu lên.

Vụ giằng co liên quan tới cuộc bầu cử có nghĩa là giới nông dân sản xuất lúa gạo, vốn đã không được trả tiền trong nhiều tháng trời, sẽ lại phải chờ đợi thêm nhiều tháng nữa. Mặc dù vậy đa số vẫn tỏ thái độ miễn cưỡng, không muốn phản lại các chính khách đã từng giúp đỡ họ.

Chính phủ Thái Lan còn nợ của nông gia Thitiya Boonkhean $6.000, và giờ đây bà phải đi bán các áo thun cho những người chống đối chính phủ để có thể xoay sở kiếm sống. Bà nói:

“Tôi đứng ở giữa. Tôi không ủng hộ phe nào. Tôi chỉ mong rằng hai bên có thể ngồi xuống thảo luận với nhau để đi tới một thỏa thuận. Nông dân đang chịu đựng nhiều gian khổù, bởi vì trong thời gian qua, chúng tôi không nhận được món tiền nào thông qua chương trình trợ giá lúa gạo.”

Đã có những dấu hiệu cho thấy là giới nông dân đang mất kiên nhẫn. Họ ngăn chận các đường xá và kiến nghị chính phủ Thái Lan, và ngay cả nhà vua mà họ tôn sùng, hãy giúp họ.

Nhưng cho tới nay, con số nông dân này còn quá ít ỏi.

Thủ Tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nói rằng nếu tái đắc cử, bà sẽ duyệt lại chương trình hứa thu mua gạo, nhưng bà chưa cho biết là chương trình tốn kém này sẽ thay đổi theo hướng nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG