Hội Nhiếp ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn kỷ niệm 20 năm thành lập

Ảnh đua xe đạp do một học viên của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Ðốn chụp.

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào đây để nghe tường trình


Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn bắt đầu một cách khiêm nhường khi một nhóm bạn yêu thích nhiếp ảnh họp mặt để rủ nhau đi săn ảnh. Hội trưởng VNPS, ông Đỗ Lịnh Dũng:

“Năm 1993 thì có khoảng mười mấy người bạn gọp lại để cùng nhau đi chụp ảnh cho nó vui thôi, rồi những người tham gia đi chụp thì mình hướng dẫn, thì thấy là rồi những người tham gia đi chụp thì mình hướng dẫn thì thấy là nhiều người cần học hỏi thêm. Đến khoảng năm 98,99 thì chúng tôi mới quyết định thành lập những lớp học vì phải sắp xếp chương trình hướng dẫn như thế nào. Lớp bắt đầu từ năm 1999, thì cứ như thế phát triển cho đến ngày hôm nay. Bây giờ thì phải nói rằng số hội viên đông đến độ chúng tôi không có chỗ cho họ học nữa.”

Ông Đỗ Lịnh Dũng cho rằng sự phát triển của Hội VNPS đi đôi với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, với sự xuất hiện của máy ảnh số:

“Ngày xưa chụp ảnh, người ta chụp bằng phim, rất là khó khăn, tốn kém, rồi lại không biết hình ảnh nó như thế nào. Khi mà khoa học phát triển, máy ảnh chuyển sang hệ thống mới, tức là máy số- digital photography, thì kỹ thuật càng ngày càng áp dụng vào trong bộ môn nhiếp ảnh, do đó nhiếp ảnh càng ngày càng dễ dàng. Mà máy ảnh ai cũng có hết, thành ra ai cũng muốn biết thêm về cách chụp như thế nào cho đẹp, do đó mà Hội phát triển một ngày một mạnh.”

Trong nhiều năm nay, hầu như trong mọi sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở thủ đô Washington, người ta đều thấy sự có mặt của các hội viên VNPS. Hội trưởng Đỗ Lịnh Dũng giải thích rằng sự hiện diện đó là có chủ đích:

“Tôi là một người chơi ảnh từ lâu thành ra tôi biết giá trị của những tấm ảnh. Mỗi một lần mình bấm máy thì coi như mình đã tạo một cái quá khứ, chỉ trong mấy giây đồng hồ thôi mà những cái đó không bao giờ trở lại...Thành ra chúng tôi tổ chức những toán đi ghi nhận những sinh hoạt cộng đồng. Chúng tôi muốn có một kho tài liệu toàn bộ về sinh hoạt cộng đồng để sau này, báo chí hoặc ai có cần đến hình ảnh sinh hoạt cộng đồng thì chúng tôi sẽ có một kho tư liệu trong suốt thời gian người Việt Nam chúng ta ở bên Mỹ này. Đó là điều không khó lắm, trong hội chúng tôi có rất nhiều anh chị em tình nguyện, họ cũng thích được đi thực tập chụp ảnh phóng sự, ảnh báo chí, sinh hoạt v.v.”

Khóa đào tạo của VNPS kéo dài 3 năm và hầu như miễn phí. Học viên chỉ đóng 50 đôla mỗi năm để trang trải chi phí in ấn tài liệu và các bài giảng. Ông Đỗ Lịnh Dũng nói VNPS muốn đóng góp cho cộng đồng bằng cách thực hiện một kho tư liệu về lịch sử và sinh hoạt của người Việt tại vùng thủ đô Washington:

“Cái tên của hội cũng đã cho biết chúng tôi là một hội bất vụ lợi. Tất cả các giảng viên đều tự túc, tiền xăng tiền nhớt đều tự bỏ ra. Chúng tôi mong được làm cái gì đó cho cộng đồng, thành ra đóng góp một kho tư liệu như thế là một ước mơ của chúng tôi để con em chúng ta sau này họ muốn tìm hiểu lại cuộc sống của người Việt Nam hải ngoại thì đó là điều chúng tôi mong được giúp đỡ, không dám đòi hỏi một cái gì khác hơn.”

Hội trưởng VNPS Ðỗ Lịnh Dũng

Trường có 3 lớp và năm nay, Hội VNPS đã mở thêm lớp Bốn dành cho các hội viên đã tốt nghiệp, nhưng vẫn muốn đến lớp để tiếp tục trao đổi kinh nghiệm với nhau và với các giảng viên cùng các thầy đã mở ra một con đường và khuyến khích họ tiếp tục đi sâu hơn vào thế giới đầy mê hoặc của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Một trong các hội viên đã tốt nghiệp năm 2011 nhưng như rất nhiều hội viên khác, vẫn thường xuyên trở lại giúp Hội, chị Nguyễn Thiện Duyên, tâm sự rằng ngoài là một lớp dạy nhiếp ảnh và photoshop, VNPS còn là một gia đình:

“Trường này còn là một chỗ mang đến tình thương của những người Việt yêu nghệ thuật. Mình thấy rằng lớn tuổi rồi mà đi vào con đường này cũng rất là hay, nhất là người lớn tuổi thì cần đến tình bạn, tình người, tình thương, thì trong Hội này, chúng tôi có cái đó. Cho nên mình rất là yêu thích và rất cám ơn các Thầy đã hy sinh, bỏ hết tất cả thì giờ để tạo ra cái lớp này cho chúng tôi.”

Trong bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, quan trọng nhất là sự đam mê. Điều này rất dễ nhận thấy nơi học viên cũng như ban giảng huấn của Hội VNPS. Chị Thiện Duyên nói:

“Đúng, phải có đam mê thì mới có thể đi đến mức độ đó được.”

Hai mươi năm là một mốc điểm quan trọng đối với bất cứ tổ chức hoặc đoàn thể nào, Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn sẽ đánh dấu sự kiện này bằng một buổi dạ tiệc vào ngày thứ Sáu 28 tháng 6. Trưởng Ban Tổ Chức, ông Nhất Hùng:

“Thực sự ra đầu năm chúng tôi đã có hội ngộ tân niên, cho nên chúng tôi muốn dành cái ngày hôm ấy phần lớn là để anh chị em hàn huyên, hội tụ vui chơi, nhưng có lẽ mục tiêu chính của buổi tiệc của chúng tôi là để cảm tạ, tri ân quý thầy cô đã đóng góp cho Hội trong những năm vừa qua mà nay đã lớn tuổi, muốn nghỉ hưu. Thưa chị, đến ngày hôm nay là đã mấy chục năm xa xứ, cộng đồng Việt Nam ngày càng phát triển và số người lớn tuổi cũng nhiều... Sau khi đã lo được vấn đề cơm áo gạo tiền nó tương đối thì người ta nghĩ tới phần gọi là giải trí, một trong những chuyện đó là nghệ thuật nhiếp ảnh. Thì Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn cũng làm công việc đóng góp cho vấn đề phát triển văn hóa và giúp đỡ cộng đồng người Việt. Gần đây, chúng tôi nhận thấy có một niềm vui rất lớn là số anh em trẻ, bạn trẻ, số các em đến với Hội cũng rất là đông. Đây cũng là một khích lệ rất lớn cho Hội chúng tôi.”

Trong khi chuẩn bị cho buổi sinh hoạt kỷ niệm 20 năm, Hội trưởng VNPS Đỗ Lịnh Dũng cho biết Hội đã bắt đầu những bước để bảo đảm Hội sẽ tiếp tục phục vụ cộng đồng trong tương lai lâu dài.

“Nhiếp ảnh cũng phát triển theo sự tiến triển của xã hội, ảnh hưởng rất nhiều về khoa học kỹ thuật. Sự đóng góp của chúng tôi cũng chỉ hạn chế, một thời gian khi không đáp ứng nổi đòi hỏi của khoa học kỹ thuật nữa thì chúng tôi phải trao lại cho những người trẻ. Thì bây giờ là những bước chuẩn bị chúng tôi đang làm. Chúng tôi có những cuộc bầu cử để tuyển chọn những người trẻ, ham thích nhiếp ảnh, có lòng nhiệt tình và có đạo đức để từ từ thay thế chúng tôi trong tương lai.”

Đối với những người chưa tìm đến nhiếp ảnh, thông điệp của ông Hội trưởng VNPS hé lộ sự đam mê mà ông chia sẻ với rất nhiều hội viên:

“Không chụp ảnh là một sự thiệt thòi lớn nhất. Cái cảnh đẹp của thiên nhiên thì nó quá mênh mông. Đôi khi bận bịu với công việc quá, mình không có hưởng được cái đẹp của thiên nhiên, đến lúc già thì mình tiếc nuối. Không ai được hưởng cái đẹp của buổi rạng đông bằng những người nhiếp ảnh, và những buổi hoàng hôn... Đó là một cái thú và nó giảm đi cái stress trong những ngày làm việc khi được nhìn những cảnh ánh sáng từ từ mọc lên từ phía chân trời. Nhiếp ảnh thì đương nhiên phải đi tìm những cái đẹp. Tại sao mình sống trong một cái hành tinh, trái đất này mà mình không biết nhìn cái đẹp đó, mà cứ cặm cụi vào công việc? ”
**
Muốn tìm hiểu hoạt động của Hội và xem ảnh của các hội viên, kể cả nhiều ảnh đoạt giải, quý vị có thể truy cập trang web của Hội tại: http://www.vnps.net/