Lạm phát gia tăng đe dọa đời sống dân nghèo Kampuchea

Cũng như các quốc gia đang phát triển, từ Ai Cập cho tới Haiti, việc lạm phát gia tăng mới đây đã là một mối đe dọa đối sự xã hội ổn định mà Kampuchea phải vất vả lắm mới có được. Trong khi lương bổng vẫn giữ ở mức thấp, giá thực phẩm cũng như những nhu yếu phẩm khác đã tăng vọt, khiến hàng triệu người lún sâu vào cảnh nghèo túng. Trong lúc chính quyền Kampuchea nói là họ cố gắng hết sức để ngăn chặn ảnh hưởng tồi tệ nhất của nạn lạm phát, nhưng các chính trị gia đối lập nói là chính quyền vẫn chưa làm đủ. Từ Phnom Penh, thông tín viên Rory Byrne của VOA có bài tường thuật sau đây.

Nhìn vào bề ngoài thì nền kinh tế Kampuchea đang phát triển tốt đẹp. Mức tăng trưởng trên 10% trong những năm vừa qua đã tạo ra một tầng lớp trung lưu và lớp người này đang ra sức nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới.

Thủ đô Phnom Penh và và những thành phố khác đang trải qua cơn sốt xây dựng và có nhiều xe hơi đắt tiền chạy trên đường phố. Nhưng trong khi nhiều người trở nên giàu có, thì rất nhiều người dân nghèo khổ nhất nước đã lún sâu hơn vào cảnh nghèo túng.

Trong khi lợi tức của dân nghèo vẫn không thay đổi thì giá thực phẩm và nhu yếu phẩm khác đã tăng quá nhanh. Trong tháng rồi giá thực phẩm bình quân tăng 24% tính theo năm. Đây là mức cao nhất trong vòng mười năm ở Kampuchea và cũng là một trong những mức lạm phát cao nhất tại Đông nam Á.

Giá nhu yếu phẩm thì trồi sụt hàng tuần. Giá của các loại thịt heo, thịt gà, và thịt bò đều tăng vọt. Mấm bò hóc, một loại mắm cá và cũng là nguồn dinh dưỡng chính đối với cả triệu người dân Kampuchea, cũng tăng mạnh.

Các mặt hàng không phải là thực phẩm như xăng dầu và khí đốt cũng tăng giá, khiến cho nạn lạm phát trở nên tệ hại hơn.

Nhưng theo Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới, là cơ quan của Liên hiệp quốc đang nuôi ăn cho gần một triệu người nghèo tại Kampuchea, thì việc giá gạo gia tăng mới là điều quan tâm lớn nhất.

Ông Thomas Keuster, đại diện của Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới tại Kampuchea, nói rằng: vì giá lúa gạo tăng cao trên thị trường quốc tế nên nhiều nông dân mang sản phẩm của họ bán ra nước ngoài, khiến cho giá lúa gạo trong nước tăng cao.

Vì không có nhiều nhà xuất cảng lúa gạo lớn, cho nên những người trồng lúa tại nước này nghĩ rằng họ sẽ được hưởng lợi khi lúa gạo được bán ra ngoại quốc. Thêm vào đó, chi phí để sản xuất lúa gạo cũng đã gia tăng, cho nên giá luá gạo bán ra cũng trở nên đắt đỏ hơn.

Ông Keuster cũng cho biết thêm rằng: vì ngân khoản còn rất ít, nên Chương trình Thực phẩm Thế giới đang gặp nguy cơ là số lượng gạo dự trữ sẽ cạn kiệt trong vài tuần nữa.

Ông Keusters nói: "Vì giá lương thực gia tăng và vì chúng tôi không có đủ sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế và các nước cấp viện, chúng tôi rất có thể sẽ phải ngưng các hoạt động ở đây trong vòng vài tuần nữa."

Những người nghèo ở thôn quê Kampuchea, chiếm 80 % dân số, sẽ đặc biệt nguy hiểm vì nạn lạm phát này.

Nhiều nông dân nghèo chỉ trồng được số lúa gạo đủ để nuôi sống họ và gia đình trong vòng nửa năm. Trong nửa năm còn lại, họ phải dựa vào viện trợ của Chương trình Thực phẩm Thế giới hoặc phải vào rừng hái măng hái nấm để đổi gạo. Giá cả tăng cao trên thị trường có nghĩa là họ không kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình.

Bà Chanmon, 46 tuổi, sống cùng gia đình trong một làng nhỏ trong tỉnh Kompong Speu ở phía bắc thủ đô Phnom Penh, cho biết như sau:

Bà Chanmon nói: "Tôi bán trái cây rừng và tre để kiếm sống. Đó là những gì tôi có thể kiếm được. Nếu chẳng có tre hay trái cây thì tôi chẳng có gì cả. Tôi chỉ có thể sống được nhờ những thứ đó. Tôi chẳng có trâu bò, ruộng vườn gì ngoài căn nhà cũ kỹ này. Lúc này thật khó cho tôi nuôi sống gia đình vì giá thực phẩm và giá gạo đều tăng."

Cuộc bầu cử quốc hội ở Kampuchea sẽ diễn ra vào tháng Bảy này, và lạm phát đã trở thành là đề tài chính trị nóng bỏng. Những người tham gia tuần hành mới đây tại Phnom Penh, do đảng chính trị đối lập, tố cáo rằng chính quyền đã không làm đủ để ngăn chận đà vật giá leo thang.

Ông Sam Rainsey, lãnh tụ đảng Sam Rainsey Party thuộc phe đối lập, tuyên bố như sau:

"Chúng tôi muốn chính quyền phải có biện pháp thích hợp để chặn đứng nạn lạm phát. Chúng tôi cũng muốn chính phủ tăng lương cho cho công chức và công nhân."

Chính phủ ở Phnom Penh nói rằng họ đang làm tất cả những gì có thể làm được. Theo lệnh của Thủ tướng Hun Sen, việc xuất cảng gạo sẽ bị cấm trong vòng hai tháng và trong khi đó hàng tấn gạo thặng dư được đưa ra thị trường bán với giá rẻ.

Lệnh cấm nhập cảng thịt heo cũng đã được thu hồi để giúp giá thịt heo giảm bớt.

Tuy những biện pháp vừa kể đã mang lại một số kết quả ngắn hạn, các nhà kinh tế và nhiều người trên thế giới tin rằng giá cả sẽ tiếp tục gia tăng trong dài hạn. Và theo nhận định của Chương trình Thực phẩm Thế giới, điều đó sẽ có những hậu quả vô cùng tai hại.

Ông Keuters nói: "Rất nhiều người bây giờ đang phải chật vật để sống còn sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn để kiếm sống và sống còn. Sự trách cứ này phải trách nhiều thế hệ vì dân chúng sẽ không được đi học, dân chúng không được tham dự vào những hoạt động sản xuất, vì họ thực sự bị ép buộc phải tìm kiếm thực phẩm.”

Các chuyên gia cũng cho biết hầu hết các nông gia trồng lúa ở Kampuchea sẽ ăn hết số lúa tồn kho vào khoảng tháng Sáu năm nay và vào thời điểm đó chắc chắn họ phải mua gạo ngoài chợ. Như vậy, vẫn có nghĩa là ảnh hưởng tệ hại nhất của nạn lạm phát tăng cao chắc sẽ tới với dân nghèo.