Truyền thông do nhà nước Triều Tiên kiểm soát gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol của nước láng giềng Hàn Quốc là “kẻ độc tài phát xít” và “kẻ gây chiến”, một ngày trước cuộc bầu cử sẽ quyết định cơ cấu quốc hội, hiện do các đối thủ của ông Yoon kiểm soát.
Các tin bài do hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA đưa ra mô tả là miền Nam đang “bị nhấn chìm” trong các cuộc biểu tình, đồng thời nói thêm rằng “sự phản kháng của dân chúng để luận tội con rối Yoon Suk Yeol đang ngày càng gia tăng”.
“Ở Hàn Quốc bù nhìn, sự hăng say của mọi tầng lớp xã hội đối với việc tiêu diệt đảng bù nhìn của ông Yoon Suk Yeol đang ngày càng gia tăng”, KCNA nói hôm thứ Ba.
Các nhà phân tích cho rằng kết quả của cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến nhiệm kỳ 5 năm của ông Yoon và khó có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc.
Một số nhóm lao động đã tổ chức biểu tình chống lại ông Yoon, nhưng chúng không giống như các cuộc biểu tình rộng rãi dẫn đến sự sụp đổ của vị tổng thống bảo thủ cuối cùng, Park Geun-hye, vào năm 2017 vì cáo buộc tham nhũng.
Các chính sách cứng rắn của ông Yoon đối với Bình Nhưỡng đã khiến miền Bắc, do ông Kim Jong Un lãnh đạo, tức giận.
Đầu năm nay, Triều Tiên đã thay đổi chính sách, coi miền Nam là một quốc gia thù địch, tách biệt, và ông Kim nói rằng việc thống nhất hòa bình là không thể. Ông cũng ra lệnh cho quân đội của mình chuẩn bị bình định và chiếm đóng miền Nam trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc trong bế tắc, cả hai quốc gia đều có những chính sách đối xử với nhau khác biệt so với các nước khác. Điều này bao gồm việc dựa vào các cơ quan và bộ đặc biệt trong quan hệ liên Triều và áp dụng các chính sách cho sự thống nhất hòa bình trong tương lai.