Đường dẫn truy cập

Xung đột làm ngưng trệ cứu trợ tại Bắc Mali


Ảnh tư liệu - Những người đàn ông vận chuyển thực phẩm cứu trợ nhân đạo lên xe tải ở Sevare, ngày 4 tháng 2 năm 2013.
Ảnh tư liệu - Những người đàn ông vận chuyển thực phẩm cứu trợ nhân đạo lên xe tải ở Sevare, ngày 4 tháng 2 năm 2013.

Tình trạng mất an ninh tiếp diễn tại miền bắc Mali gây gián đoạn công tác phân phát phẩm vật cứu trợ. Giao tranh và bất ổn đã buộc một số tổ chức phi chính phủ phải tạm thời ngưng hoạt động. Những tổ chức khác không thể tiếp tục tiến hành các dự án tại một số khu vực vì chính phủ hay lực lượng an ninh không có mặt tại đó.

Các cuộc giao tranh mới đây tại miền bắc và miền trung Mali đang ngăn trở việc triển khai cứu trợ nhân đạo khiến cho dân số tại những vùng này hoặc rất hạn chế hoặc không hề có thực phẩm, nước uống, nơi tạm trú, và chăm sóc sức khỏe.

Ông Badjougue Dambele, điều phối viên nhân đạo của tổ chức Oxfam, nói dù các tổ chức phi chính phủ có thể tiếp cận hầu hết các khu vực, nhưng nạn cướp giật và những cuộc tấn công nhiễu nhương trên đường phố đang khiến mọi việc bị trì trệ và đề ra mối đe dọa đối với các nhân viên nhân đạo.

Ông Dambele nói:

“Tình hình an ninh vẫn còn rất mong manh. Sau thỏa thuận hòa bình được ký hồi năm ngoái, chúng tôi hy vọng tình hình được cải thiện. Nhưng thay vào đó chúng tôi thấy tình hình ngày càng tệ hại hơn với những cuộc xung đột bùng phát không chỉ tại Kidal, mà còn các nơi khác nữa.”

Xung đột giữa các phần tử đòi ly khai miền bắc với các dân quân thân chính phủ đã biến thành bạo động giữa các cộng đồng.

Theo như văn phòng nhân đạo Liên Hiệp Quốc OCHA, năm ngoái, số vụ tấn công thù nghịch nhắm vào các tổ chức cứu trợ đã tăng gấp 3 so với năm trước đó.

Các tổ chức cực đoan cũng đặt mìn tự chế trên đường phố và dù mục tiêu tấn công chủ yếu nhắm vào binh sĩ Mali và binh sĩ quốc tế, nhưng cũng hạn chế các tổ chức phi chính phủ tiếp cận dân chúng.

Ảnh tư liệu - Một phụ nữ Mali nhìn những người đàn ông mang thực phẩm cứu trợ nhân đạo ở Mopti, Mali, ngày 4 tháng 2 năm 2013.
Ảnh tư liệu - Một phụ nữ Mali nhìn những người đàn ông mang thực phẩm cứu trợ nhân đạo ở Mopti, Mali, ngày 4 tháng 2 năm 2013.

Ông Muriel Tschopp, giám đốc khu vực thuộc Hội đồng Người tị nạn Na Uy NRC, nói thực phẩm cũng thường xuyên bị đánh cắp, nạn tội phạm là nguy cơ lớn nhất đối với các cơ quan nhân đạo hoạt động trong vùng.

Ông Tschopp nói:

“Xe của chúng tôi bị đánh cắp thường xuyên và những vụ khác nữa. Thường là những sự cố phi bạo lực, nhưng cũng gây khó khăn cho hoạt động của chúng tôi.”

Kể từ ngày 21 tháng 7, những cuộc giao tranh tại thị trấn Kidal ở miền bắc giữa các các lực lượng trung thành với chính phủ Bamako và những phần tử đòi ly khai đã làm hơn 30 người thiệt mạng và 82 người khác bị thương.

Trước đó một tuần, những cuộc biểu tình bạo động tại thành phố Gao ở miền bắc đã giết chết ít nhất 2 thường dân. Biểu tình phản ánh sự thất vọng của người dân đối với nhà cầm quyền vì thiếu cải thiện kể từ năm 2013, khi miền bắc được chiếm lại từ tay các phần tử hiếu chiến Hồi giáo.

Trưởng phái bộ của tổ chức Y sĩ Không Biên giới, ông Côme Niyongabo, cho biết đây là những khu vực mà người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Tình trạng mất an ninh lương thực xảy ra thường xuyên. Trong lúc khép lại vụ mùa thất bát bước sang mùa thu hoạch kế tiếp, có đến gần một phần ba dân số tại bắc Mali không đủ ăn.

Ông Niyongabo nói:

“Khi giao tranh bùng phát tại Kidal, chúng tôi vừa bắt đầu chiến dịch phòng ngừa sốt rét cho trẻ em dưới 5 tuổi. Bạo động buộc chúng tôi phải ngừng hoạt động này và chú trọng đến việc chữa trị những người bị thương.”

Các thành viên của một nhóm vũ trang ngồi trên xe ở Kidal, Mali, ngày 13 tháng 7 năm 2016.
Các thành viên của một nhóm vũ trang ngồi trên xe ở Kidal, Mali, ngày 13 tháng 7 năm 2016.

Trong khi tổ chức Y sĩ Không Biên giới phục hồi hoạt động, các tổ chức phi chính phủ khác tại vùng Kidal và Menaka, phần lớn do các nhóm vũ trang kiểm soát, cho biết họ buộc phải thường xuyên thương thuyết với các nhóm này để có thể đến các làng mạc và các cộng đồng bị ảnh hưởng, và việc này làm trì trệ hoạt động của họ. Ông Barthélémy Brou Saouré là viên chức thông tin của Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế ICRC.

Ông nói:

“Hãy tưởng tượng xem có một người bị thương trong làng cần được tản thương mà phải thương thuyết trước khi được vào làng. Trong trường hợp này, việc mất an ninh không những ảnh hưởng đến chúng tôi mà còn ảnh hưởng đến những người chúng tôi giúp.”

Tại những trung tâm thành thị như Gao và Timbuktu, tình hình dù sao cũng đã được cải thiện phần nào.

Tuy nhiên các tổ chức phi chính phủ nói tình hình mất an ninh tiếp diễn bên ngoài các thành phố ngăn họ không giải quyết được tình trạng đói kém và các vấn đề lâu dài khách như nạn thất nghiệp.

Tài trợ cho công tác đáp ứng khẩn cấp tại Mali tiếp tục giảm sút kể từ năm 2013. OCHA cho hay số tiền tài trợ hiện nay chỉ có thể trang trải một phần ba hoạt động của kế hoạch đáp ứng nhân đạo tại Mali trong năm 2016.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG