Đường dẫn truy cập

Xung đột chết người gây phương hại tiến trình hòa bình ở Philippines


Người Hồi giáo Philippines biểu tình tại Hạ viện kêu gọi thông qua Luật Bangsamoro (BBL) nhằm mang lại hòa bình cho vùng Mindanao theo Hồi Giáo, ngày 10/2/2015.
Người Hồi giáo Philippines biểu tình tại Hạ viện kêu gọi thông qua Luật Bangsamoro (BBL) nhằm mang lại hòa bình cho vùng Mindanao theo Hồi Giáo, ngày 10/2/2015.

Tháng trước, một vụ bố ráp của cảnh sát tại miền nam Philippines nhắm vào hai phần tử khủng bố bị quốc tế truy nã đã kết thúc trong tai họa, khi những vụ đụng độ làm khoảng 70 người thiệt mạng, trong đó có 44 cảnh sát viên. Các nhà lập pháp Philippines hiện đang điều tra về vụ bố ráp này, và ngưng làm việc về một thỏa thuận hòa bình quan trọng về một khu vực tự trị tại miền nam Philippines, nơi có đa số người Hồi giáo cư ngụ. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain tường thuật.

Tuần này, các nhà lập pháp Philippines dự trù thảo luận về những lợi ích của Bộ luật Cơ bản Bangsamoro (BBL), dựa trên một thỏa thuận được ký vào tháng 3 năm ngoái giữa chính phủ và phiến quân Mặt trận Hồi Giáo Giải phóng Moro.

Thay vào đó, cuộc thảo luận này bị ngưng vô hạn định trong khi các nhà lập pháp điều tra về cuộc giao tranh kéo dài 12 giờ đồng hồ tại thị trấn Mamasapano, một vùng đầm lầy trên lãnh thổ phiến quân. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm cuộc ngưng bắn giữa hai bên bị vi phạm.

Dù cuộc bố ráp thành công trong vụ hạ sát tay làm bom người Malaysia Zulkifli bin Hiroshima, còn được biết dưới tên là Marwan, một phần tử hiếu chiến có tên trong danh sách khủng bố của FBI bị truy nã ráo riết, nhưng việc một số nhân viên cảnh sát bị giết hại theo kiểu hành quyết đã làm công luận phẫn nộ.

Các phiên họp điều tra của Quốc hội rất căng thẳng và nhiều kịch tính với việc các nhà lập pháp mạnh mẽ đòi hỏi phải có những câu trả lời cho cuộc hành quân ngày 25 tháng 1 vừa qua.

Thượng nghị sĩ Ferdinand Marcos Jr. nói các nhà lập pháp sẽ không bắt đầu thảo luận về luật hòa bình được đề nghị có tên là BBL cho đến khi nào kết thúc cuộc điều tra về vụ bố ráp của cảnh sát làm nhiều người thiệt mạng.

“Chúng ta hy vọng luật BBL sẽ mang lại hòa bình cho vùng Mindanao theo Hồi Giáo. Dường như hiện nay bài học chúng ta học được là có thể chưa đủ. Có thể có nhiều yếu tố chúng ta phải xem xét.”

Thượng nghị sĩ Marcos gọi luật được đề nghị chỉ là “một phần” của điều có thể dẫn đến hòa bình tại vùng bất ổn này. Và ông nói thêm là việc thông qua luật trước khi Quốc hội nghỉ hè vào ngày 20 tháng 3 sẽ không xảy ra.

Trưởng đoàn thương thuyết của chính phủ, bà Miriam Coronel-Ferrer, nói việc này có thể đưa đến thay đổi trong thỏa hiệp vốn không có đủ các yếu tố nằm trong đề nghị nguyên thủy giữa các nhà thương thuyết của phe phiến quân và chính phủ.

“Tệ hại hơn nữa là chúng ta sẽ có một đạo luật rất xa rời những nguyện vọng đã được bày tỏ trong dự thảo, hay có thể nói là những nguyện vọng đã được bày tỏ trong Hiệp định Toàn diện về Bangsamoro.”

Thỏa thuận toàn diện đó là kết quả của gần 20 năm đàm phán và có mục đích chấm dứt 4 thập niên chiến tranh đã làm hơn 120.000 người thiệt mạng. Các phiến quân nói thỏa thuận này đáp ứng được nguyện vọng tự trị của họ.

Tuy nhiên, sau vụ bố ráp của cảnh sát làm nhiều người thiệt mạng, có nhiều áp lực của công chúng đòi rút bỏ một số điều khoản của luật được đề nghị.

Bà Ferrer nói chẳng thà không có luật còn hơn là có một đạo luật bị cắt bớt. Người đối tác của bà thuộc Mạêt trận Hồi Giáo Giải phóng Moro, trưởng đoàn thương thuyết hòa bình Mohagher Iqbal nói với Đài VOA trong một tin nhắn là tổ chức ông vẫn ủng hộ luật nguyên thủỷ những sẽ “ chờ xem việc gì xảy ra” sau khi luật này được các nhà lập pháp Philippines thảo luận.

Trong tuyên bố mở đầu trước một ủy ban Thượng viện ngày hôm nay, ông Iqbal liệt kê một số thành tố của hiệp ước hòa bình đã được hai bên ký kết và khẩn khoản yêu cầu được có hòa bình.

“Hiệp ước này bao gồm hy vọng và ước mơ của chúng tôi, không chỉ cho chúng tôi, nhưng cho cả con cháu chúng tôi. Chúng tôi đã chờ đợi cơ hội này từ 17 năm nay. Chúng tôi đã hứa với người dân chúng tôi là hòa bình sẽ là di sản của chúng tôi. Chúng tôi tìm kiếm sự giúp đỡ của quí vị để lời hứa này có thể thực hiện được.”

Ông Ramon Casiphe, người đứng đầu Viện Cải cách Chính trị và Bầu cử có trụ sở tai Manila, nói sự tin tưởng của công chúng đối với tiến trình hòa bình hiện bị giao động và ông tiên đoán việc này có thể đưa đến những thay đổi đáng kể trong luật cuối cùng.

“Có dấu hiệu là các nhà lập pháp nghĩ rằng thà gặp nguy cơ chiến tranh nếu Mạêt trận Giải phóng Hồi Giáo Moro muốn điều này, hoặc là kéo dài tiến trình hòa bình cho đến chính quyền kế tiếp, còn hơn là chấp thuận một dàn xếp, không được sự tin cậy của giới hoạt động chính trị.”

Ông Capsiple gọi tình hình này là “một ngòi nổ cháy chậm” và những tình huống có thể xảy ra trong tương lai là “rộng mở.” Oâng nói thêm “sẽ mất thời gian để làm cho mọi việc lắng dịu.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG