Đường dẫn truy cập

Chuyện xuất cảng thủy sản sang EU và lời ông Thủ Tướng


Công nhân làm việc tại nhà máy thủy sản Khánh Sủng, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Hình minh họa.
Công nhân làm việc tại nhà máy thủy sản Khánh Sủng, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Hình minh họa.

Chính phủ Việt Nam vừa tổ chức một hội nghị nhằm Tổng kết năm năm hoạt động của hệ thống‘Tổ công tác’ thuộc Thủ tướng (1).

Cách nay năm năm, sau khi được chọn làm Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc thành lập… hệ thống… Tổ công tác do ông trực tiếp chỉ đạo vì hệ thống công quyền Việt Nam có nhiều vấn đề về kỷ luật - kỷ cương hành chính, đặc biệt là chậm xử lý công việc cho dân chúng, doanh giới. Nhiều cơ chế, chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng - nấc trung gian gây cản trở sự phát triển, xói mòn niềm tin của dân chúng và doanh giới...

Ở hội nghị vừa kể, ông Phúc nói thêm rằng, ông thành lập hệ thống này với hy vọng khắc phục tình trạng… “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”,… thắt chặt kỷ cương, phép nước, giải quyết ách tắc, cởi trói cho sản xuất, không để các cơ quan hữu trách chậm trễ, bỏ quên, bỏ sót việc, cản trở sự phát triển. Đặc biệt là cắt bỏ thủ tục vốn rất khó vì đó là cắt bỏ quyền lợi, lợi ích cá nhân, cục bộ

Cứ như lời ông Phúc mới phát biểu thì trong năm năm vừa qua, hệ thống Tổ công tác do ông chỉ đạo rất xứng đáng với tám chữ: Quyết liệt, Kịp thời, Hiệu quả, Thực chất…

***

Vào ngày mà chính phủ Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết năm năm hoạt động của ‘Tổ công tác’ thuộc Thủ tướng, Tổng cục Thủy sản (TCTS) kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN PTNT): Kiểm tra, giám sát trách nhiệm của Chủ tịch 28 tỉnh ven biển trong việc thực hiện Luật Thủy sản. Tổng cục trưởng TCTS vừa mới cảnh báo: Không những đang phải giữ thẻ vàng IUU, Việt Nam còn có thể bị phạt thẻ đỏ IUU (2).

Năm 2010, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành qui định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (illegal, unreported, unregulated fishing – gọi tắt là IUU) và áp đặt IUU đối với toàn bộ hải sản xuất cảng sang thị trường của các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU).

Thủy sản của quốc gia nào đó xuất cảng sang EU sẽ hết sức dễ dàng hoặc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cấm xuất cảng sang EU nếu được EC xác định là đạt yêu cầu của IUU (thẻ xanh IUU), hoặc bị EC xác định chưa đạt – phải khắc phục (thẻ vàng IUU), hoặc cấm xuất cảng sang toàn bộ các quốc gia thuộc EU (thẻ đỏ IUU).

Cách nay bốn năm, EC đã phạt thủy sản Việt Nam xuất sang EU thẻ vàng IUU vì hàng loạt vi phạm: Sử dụng các loại ngư cụ hủy diệt tài nguyên biển, khai thác bất hợp pháp, xác nhận nguồn gốc thủy sản xuất cảng sang thị trường EU không rõ ràng... Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á như Philippines chỉ mất chừng mười tháng tự điều chỉnh đã thuyết phục được EC thu hồi thẻ vàng thì giờ, theo cảnh báo của TCTS, Việt Nam đối diện với nguy cơ lãnh thêm… thẻ đỏ IUU!

Tuy từ 2017 đến nay, toàn bộ thủy sản mà Việt Nam xuất cảng sang EU bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc, thời gian lưu giữ từ ba đến bốn tuần, chưa kể mỗi container mất thêm khoảng 700 Mỹ kim phí kiểm tra… thiệt hại cả đơn lẫn kép cho nhiều giới (doanh nhân, ngư dân,…) nhưng hệ thống công quyền Việt Nam vẫn không đưa được thủy sản Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng bị phạt thẻ vàng IUU.

Dẫu đã có “kế hoạch hành động, kịch bản chung” (3) cho cả hệ thống chính trị (soạn – thông qua Luật Thủy sản, điều chỉnh các quy phạm pháp luật cho phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế, bao gồm cả qui định về IUU của EC), lẫn hệ thống công quyền (ngoài Bộ NN-PTNT, Việt Nam còn kéo cả Bộ Quốc phòng, chính quyền 28 tỉnh ven biển nhập cuộc) (4) nhưng hiệu quả dường như không những không tốt mà còn tệ hơn.

***

Kiến nghị và cảnh báo của TCTS chính là ví dụ gần nhất, rõ nhất cho thấy cả thực trạng lẫn hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam lạc quan… thái quá khi tặng… tám chữ vàng cho Tổ Công tác vốn vẫn được ca ngợi như sáng kiến của ông.

Ông Phúc chắc chắn là người… Việt, rành… tiếng Việt nhưng cách ông dùng tiếng Việt dễ làm đồng bào của ông nghe xong phải… nghĩ. Nếu Tổ công tác tại nhiều bộ, cơ quan, địa phương chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, kiểm đếm công việc, theo dõi tiến độ mà chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp vẫn còn hình thức, chưa thực chất, đối phó… thì làm sao lại khen là… Quyết liệt, Kịp thời, Hiệu quả, Thực chất?

Chuyện thủy sản Việt Nam vẫn phải cầm… thẻ vàng IUU khi xuất cảng sang EU, thậm chí có thể là còn được tặng thêm… thẻ đỏ IUU có khác gì bằng chứng cho thấy tình trạng… “bắn chỉ thiên”, “trên bảo dưới không nghe”, “phép vua thua lệ làng”,… vẫn… còn nguyên! Thủ tướng có tuyên bố, cam kết gì gì đó thì cũng chẳng khác gì ông tiên phong… “bắn chỉ thiên” nhằm… hoàn thiện thể chế, chính sách trên con đường xây dựng… chính phủ kiến tạo mà “cạo” xong, đừng mơ… “tiến”?

Chú thích

(1) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/khac-phuc-tinh-trang-ban-chi-thien-tren-bao-duoi-khong-nghe-post216334.gd

(2) https://www.tienphong.vn/kinh-te/vi-sao-tong-cuc-thuy-san-kien-nghi-giam-sat-trach-nhiem-28-chu-tich-tinh-1808154.tpo

(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/lap-ke-hoach-hanh-dong-chong-khai-thac-iuu-chung-cho-ca-nuoc-1098260.html

(4) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/go-the-vang-cho-thuy-san-viet-nam-van-kho-1188816.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG