Đường dẫn truy cập

Xu hướng chính trị năm 2014


Không có gì bất ngờ và khó tiên đoán bằng chính trị. Ngay cả những chuyên gia giàu kinh nghiệm và có nhiều thông tin nhất cũng không thể tiên đoán được sự sụp đổ nhanh chóng và dễ dàng của các chế độ cộng sản ở Nga và Đông Âu vào những năm 1989-1991; cuộc khủng bố nhắm vào nước Mỹ năm 2001, từ đó, làm thay đổi hẳn cả tình hình thế giới, cũng như các cuộc nổi dậy làm sụp đổ các chế độ độc tài quân phiệt ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi cách đây mấy năm.

Không có ai cả.

Bởi vậy, tôi chả dại gì nhảy ra làm một tên tiên tri điên rồ cho năm 2014.

Tuy nhiên, tiên đoán là một chuyện. Phân tích các xu hướng vận động dựa trên các mâu thuẫn chính vốn có khả năng gây ra xung đột lại là một chuyện khác.

Nhìn trên phạm vi thế giới, một số bình luận gia cho mâu thuẫn chính cần được theo dõi trong năm 2014 tập trung vào một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Đông (chủ yếu là Iraq và Syria) và Trung Quốc; cũng như vào một số vấn đề lớn như lãnh vực an ninh mạng (cybersecurity) và đặc biệt, sự phát triển của al Qaeda (lực lượng khủng bố của người Hồi giáo cực đoan).

Ở phạm vi các nước Đông Nam Á, những vấn đề cần được theo dõi là cuộc cải cách ở Miến Điện, các biến động chống chính phủ ở Thái Lan và Campuchia, cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống ở Indonesia, vấn đề nhân quyền và hợp tác kinh tế trong khu vực, và đặc biệt, tình hình trên Biển Đông cũng như các trò chơi siêu cường (super power game) giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông và các nước liên hệ.

Còn ở Việt Nam?

Về phương diện đối ngoại, mâu thuẫn chính chắc chắn vẫn tập trung vào mối quan hệ với Trung Quốc trên Biển Đông. Rất có nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone) trên con đường chữ U mà họ đã công bố từ năm 2009 như điều họ làm trên biển Hoa Đông năm ngoái.

Dĩ nhiên, đối với Biển Đông, Trung Quốc sẽ dè dặt hơn biển Hoa Đông. Trên biển Hoa Đông, họ chỉ đối đầu với Nhật Bản. Trên Biển Đông, ngoài Việt Nam, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines. Thật ra, cả năm đều khá yếu và đều không phải là đối thủ của Trung Quốc. Điều Trung Quốc sẽ cân nhắc là sau các nước ấy là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việc công bố vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông có thể sẽ làm cho khối ASEAN trở thành đoàn kết hơn. Tuy nhiên, khả năng đoàn kết này sẽ bị giảm thiểu đáng kể khi Indonesia, quốc gia thường đóng vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc, đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực do cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng 7, 2014. Trước ngày bầu cử, chính phủ cũ của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono không còn cái thế để tập hợp lực lượng; sau ngày bầu cử, chính phủ mới cũng sẽ chưa đủ lực để đương đầu với Trung Quốc. Có lẽ đó sẽ là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc bộc lộ tham vọng làm bá chủ trên vùng trời ở Biển Đông.

Nếu Trung Quốc làm điều đó, chính phủ Việt Nam lại cũng sẽ tự kiềm chế để không xảy ra xung đột. Việt Nam chưa sẵn sàng cho bất cứ một cuộc xung đột vũ trang nào với Trung Quốc. Họ lại tiếp tục nhịn. Nhưng việc nhịn nhục lại làm nảy ra một vấn đề khác: Họ sẽ bị dân chúng nhìn như những kẻ bán nước hoặc quá khiếp nhược và bất lực. Chắc chắn sẽ không hiếm người sẽ xuống đường biểu tình hoặc lên tiếng trên các diễn đàn xã hội chống lại Trung Quốc. Bản chất của chế độ sẽ bị thách thức nghiêm trọng trong việc đối phó với những sự chống đối chính đáng ấy. Mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ biến thành mâu thuẫn giữa chính phủ/đảng và dân chúng ở Việt Nam.

Có thể nói, ở Việt Nam, trong năm 2014, mâu thuẫn chính là những mâu thuẫn trong nội bộ, giữa những người Việt Nam với nhau.

Mâu thuẫn ấy thể hiện ở hai cấp độ: Một, giữa giới cầm quyền và dân chúng; và hai, trong nội bộ giới cầm quyền.

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa dân chúng và giới cầm quyền vốn đã có từ lâu. Chỉ có vấn đề là càng ngày nó càng trở thành trầm trọng. Trầm trọng ở hai khía cạnh: Một, những bất mãn của dân chúng càng lúc càng lớn và hai, những sự trấn áp của nhà cầm quyền càng lúc càng mạnh. Hai xu hướng ấy chỉ dẫn đến xung đột với một số điều kiện: Một, ngoài sự bất mãn, dân chúng còn được trang bị bởi ý thức cao về quyền công dân và được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội dân sự. Hai, nhà cầm quyền mất khả năng kiềm chế trong việc trấn áp dân chúng. Điều kiện thứ nhất mới chỉ manh nha, giới hạn trong giới trẻ thuộc thành phần trí thức: Nó chưa đủ rộng và mạnh để dẫn đến các cuộc nổi dậy thực sự, dĩ nhiên, trừ khi xảy ra một hiện tượng đột biến nào đó làm thức tỉnh mọi người. Điều kiện thứ hai khó tiên đoán hơn vì khả năng kiềm chế, một mặt, tùy thuộc giới lãnh đạo cao cấp nhất; mặt khác, tùy thuộc vào một số cá nhân thừa hành (ví dụ, một số công an có thể nổ súng bừa bãi vào đám đông biểu tình làm bộc phát sự phẫn nộ của dân chúng).

Thứ hai, mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền. Độc tài đảng trị khác độc tài cá nhân ở chỗ: bao giờ nó cũng chứa đựng các mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ. Vấn đề chỉ là mức độ. Các mâu thuẫn trong nội bộ đảng Cộng sản đã xuất hiện từ lâu, ngay từ lúc mới thành lập, nhưng hầu hết đều ở mức có thể kiểm soát được, và nhờ kiểm soát được nên cũng che giấu được. Những năm gần đây, nó vượt khỏi những giới hạn bình thường, trở thành công khai hóa, ai cũng thấy. Năm 2014 này, những mâu thuẫn ấy có nguy cơ bùng nổ lớn vì hai yếu tố: Một, đây là thời điểm bắt đầu cho cuộc chạy đua quyền lực trong đại hội 12 của đảng vào năm 2016; và hai, vụ án Dương Chí Dũng đang diễn ra tại Hà Nội có thể dẫn đến những chuyển biến bất ngờ.

Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, tập đoàn kinh tế quốc doanh về hàng hải, người gây nên các vụ vỡ nợ cả hàng tỉ đô la, bị kết tội vì hai lý do: Một, tham nhũng, và hai, bỏ trốn. Chuyện tham nhũng không quan trọng bằng chuyện bỏ trốn bởi chuyện bỏ trốn gắn liền với hai chuyện khác: ai đã mật báo cho ông về tin ông có thể bị bắt trước khi án lệnh được công bố; và ai đã giúp ông bỏ trốn?

Các lời khai của Dương Chí Dũng đã dẫn đến việc bắt giữ Dương Tự Trọng, em ruột ông, nguyên Phó giám đốc công an Hải Phòng và Phó cục trưởng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an. Nhưng quan trọng hơn, nó còn tiết lộ người báo tin mật cho ông không ai khác hơn là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, người được ông hối lộ cả hơn nửa triệu đô la. Xin lưu ý là Phạm Quý Ngọ là Thượng tướng và là ủy viên Trung ương đảng. Một số nguồn tin cho biết có thể cả Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và ủy viên Bộ Chính trị, cũng tham gia vào vụ hối lộ này.

Cho đến nay, công an và tòa án Việt Nam chưa hề lên tiếng gì về sự liên quan của cả Phạm Quý Ngọ lẫn Trần Đại Quang nhưng dư luận từ trong đến ngoài nước đã xôn xao bàn tán rất nhiều. Nhà cầm quyền không thể che giấu được. Nhưng giải quyết một cách rốt ráo vụ án Dương Chí Dũng nhất định sẽ dẫn đến sự tranh chấp quyền lực ở cấp cao nhất trong guồng máy lãnh đạo của đảng (Bộ Chính trị) của của chính quyền (chính phủ).

Có lẽ sự tranh chấp này sẽ là đỉnh điểm của tình hình chính trị Việt Nam trong năm 2014.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG