Đường dẫn truy cập

Cần cứu những loài cây dại có nguy cơ tuyệt chủng


Những loại cây lương thực mọc dại trong thiên nhiên là thủy tổ của những cây lương thực chính của con người
Những loại cây lương thực mọc dại trong thiên nhiên là thủy tổ của những cây lương thực chính của con người

Theo dự kiến, dân số thế giới sẽ tăng đến 9 tỉ người vào năm 2050 và theo lời các chuyên gia cảnh báo thì tình trạng biến đổi khí hậu sẽ tác động rất lớn đến khả năng tự nuôi sống của nhân loại lúc đó, với những người nghèo nhất sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nhất. 75% tính đa dạng của các loại cây lương thực trên thế giới đã biến mất trong thế kỷ trước, và Tổ chức Lương nông Thế giới tiên đoán gần 1/4 các giống cây trong thiên nhiên, những loại tối cần thiết cho việc ghép giống, có thể sẽ biến mất, tính cho đến năm 2055, khi mà nhiệt độ trái đất của chúng ta nóng lên nhiều. Thông tín viên Rosanne Skirble tường trình về một chương trình toàn cầu nhắm giúp các nông gia thích ứng với các điều kiện của khí hậu biến đổi.

Một phần năm các loài cây cỏ trên thế giới đang gặp nguy cơ tuyệt chủng. Và chống lại tình trạng này là sứ mạng của ông Cary Fowler. Ông là Giám đốc chấp hành của tổ chức bất vụ lợi có tên là Global Crop Diversity Trust, trụ sở tại Rome. Nhiệm vụ của tổ chức này là để bảo tồn di sản nông nghiệp của thế giới.

Hôm thứ Sáu 10 tháng 12 tổ chức này đã đưa ra nỗ lực lớn nhất chưa từng có từ trước đến nay để bảo vệ nguồn cung cấp lương thực toàn cầu hầu chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông nói yếu tố cốt lõi cho sự sống còn của những giống cây lương thực, đã được nông gia trồng từ bao nhiều ngàn năm nay như lúa mỳ, lúa gạo và các loại đậu, là một số những đặc tính của các loài tương tự mọc dại trong thiên nhiên. Ông Fowler nói:

“Những loại mọc dại trong thiên nhiên là thủy tổ của những cây lương thực chính của chúng ta và hết sức đa dạng. Đây là những cây trồng để thử nghiệm và chúng đã mọc lên, thông thường ở những điều kiện khắc nghiệt. Chúng là những giống cây thật khỏe.”

Sử dụng máy điện toán để điều khiển công cuộc tìm kiếm, các toán chuyên gia sẽ thu thập và phân tích những chủng loại mọc dại của 23 loại cây lương thực, gồm lúa, các loại đậu, khoai tây, lúa mạch, đậu lentils và đậu chickpeas.

Tổ chức Global Crop Diversity Trust đang hợp tác với các viện nghiên cứu, các ngân hàng hạt giống và các vườn bách thảo trong nỗ lực này.

Ông Fowler cho biết họ sẽ thực hiện những thí nghiệm cho lai giống qua lại giữa các giống đã được thuần hóa với các loài cùng họ mọc dại trong thiên nhiên, để sản xuất ra những loại cây khỏe mạnh, có sức chịu đựng những môi trường khắc nghiệt, có thể thích ứng với những điều kiện mới, khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều hơn. Ông giải thích:

“Họ tìm ra thêm những ưu điểm của hạt giống. Họ đưa những thông tin đó vào kho dữ liệu và công bố trên internet và rồi đem trồng các loại đã ghép giống đó. Trong một số trường hợp, các nông gia tiên tiến có thể đến xem và thấy rằng họ thực sự cần đến những giống cây đó để cải thiện hay ghép giống một loại cây lương thực đặc biệt nào đó cho một khu vực và một loại khí hậu đặc biệt nào đó. “

Hầu hết các khoa học gia đồng ý rằng trái đất của chúng ta đang nóng dần. Trước nguy cơ lụt lội xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn, hạn hán và mưa lớn có thể tiêu hủy mùa màng, và các tiên lượng đều bi quan. Theo tiên đoán sản lượng lúa mỳ cần nước để trồng trên toàn thế giới sẽ giảm gần 1/3 vào năm 2080. Bắp, một loại hoa màu chính của Nam Phi, có thể sẽ giảm 30% trong vòng 20 năm tới. Theo ông Cary Fowler, các nông gia sẽ phải đưa ra những biện pháp thích ứng với khí hậu nóng nhanh hơn là khoảng thời gian đó. Ông nói:

“Bởi vì theo dự kiến,khí hậu sẽ biến đổi trong khoảng 20 năm tới đây. Quí vị hãy tưởng tượng xem trong 50 năm tới sẽ như thế nào khi mà tất cả mọi mùa gieo trồng đều nóng hơn bất cứ những gì mà chúng ta đã trải nghiệm trong lịch sử nông nghiệp.”

Ông CaryFowler dự kiến sẽ hoàn tất những cuộc thí nghiệm lai giống cây trong vòng 10 năm, một khoảng thời gian tiêu biểu để đem một giống mới ra trồng để sản xuất lương thực. Ông giải thích:

“Các chương trình lai giống cây sẽ cho ra không biết bao nhiêu chủng loại đa dạng, và điều đó có nghĩa là các nông gia và những người ghép giống cây sẽ có rất nhiều chọn lựa mới để có phương tiện giữ cho hoa màu của họ chống lại sâu rầy và bệnh tật bằng phương cách tự nhiên, bền vững để khắc phục hạn hán và đối phó với khí hậu quá nóng bức. Và trồng các giống cây lương thực này chi phí rất thấp. Nông gia được lợi rất nhiều.”

Tổ chức Global Crop Diversity Trust nhận được một số tiền tài trợ lúc ban đầu là 50 triệu đô la của Na Uy tặng. Nước này cũng là nơi cất giữ một kho bảo tồn hạt giống, được xây vào trong một sườn núi ở gần Bắc cực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG