Đường dẫn truy cập

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức xét xử một gián điệp gốc Việt


Phiên tòa xét xử ông Long N.H., người Czech gốc Việt, ngày 24/4/2018, Berlin, Đức.
Phiên tòa xét xử ông Long N.H., người Czech gốc Việt, ngày 24/4/2018, Berlin, Đức.

Đức hôm 24/4 đưa người đàn ông Czech gốc Việt Nam ra xét xử về tội hoạt động gián điệp, với cáo buộc là có can dự vào vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ của Đức.

Hãng tin AFP đưa tin ông Long N. H., 47 tuổi, người được cộng đồng người Việt ở châu Âu xác định là ông Nguyễn Hải Long, bị Đức đưa ra tòa vì đã thuê một chiếc xe từ thủ đô Prague và hỗ trợ hậu cần để giúp bắt cóc ông Thanh hồi tháng 7 năm ngoái tại thủ đô Berlin của Đức.

Ông Lê Trung Khoa, chủ bút tờ Thoibao.de, người tham dự phiên tòa, cho VOA biết về bản cáo trạng được trình bày trong phiên khai mạc kéo dài gần hai giờ hôm 24/4:

“Cáo trạng tổng thể nhưng rất là chi tiết. Họ nói đây là vụ bắt cóc người trên lãnh thổ Đức, vi phạm nghiêm trọng pháp luật và Hiến pháp Đức. Cáo trạng nói mật vụ Việt Nam, cụ thể là Tổng cục An ninh của Việt Nam đã tổ chức bắt cóc công dân trên lãnh thổ Đức. Tổng cộng sẽ có 21 phiên xử được lên lịch cho đến này 29/8.”

Cáo trạng nói mật vụ Việt Nam, cụ thể là Tổng cục An ninh của Việt Nam đã tổ chức bắt cóc công dân trên lãnh thổ Đức.
Ông Lê Trung Khoa, người tham dự phiên tòa hôm 24/4/2018 tại Berlin.

Từ Berlin, ông Nguyễn Duy, một người gốc Việt tại Đức nhận định về phiên tòa như sau:

“Tôi biết tòa án Đức sẽ xử công tâm. Tôi cho rằng việc làm có hại cho đất nước Việt Nam như vậy thông qua việc xét xử của tòa án Đức sẽ truy ra được những người làm hại cho đất nước Việt Nam.”

Bị cáo Long N. H., còn gọi là Nguyễn Hải Long, tại phiên tòa ngày 24/4/2018, tại Berlin, Đức.
Bị cáo Long N. H., còn gọi là Nguyễn Hải Long, tại phiên tòa ngày 24/4/2018, tại Berlin, Đức.

Ông Long bị bắt giữ tại Cộng hòa Czech vào tháng 8 năm ngoái và sau đó bị dẫn độ sang Đức. Viện công tố Đức cáo buộc ông Long đã làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài và hỗ trợ vụ bắt cóc. Reuters tường thuật rằng mỗi tội danh bị cáo buộc có thể khiến ông Long đối diện án tù 10 năm.

Thông qua việc xét xử của tòa án Đức sẽ truy ra được những người làm hại cho đất nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy, một người gốc Việt sống tại Đức.

Ông Long được cộng đồng người Việt xác nhận là Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram tại chợ Sapa, Prague, Cộng hòa Czech.

Ông Lê Quang Thành, một người gốc Việt, sống tại Đức nhận định với VOA:

“Đây là lần đầu tiên mà Đức xét xử người Việt bên Cộng hòa Czech mà có liên quan đến nhà cầm quyền Việt Nam, trong đó có Bộ Công an và chính phủ. Qua phiên tòa nay tôi hy vọng rằng sẽ tìm hiểu thêm số chuyện bên trong hậu trường, những chuyện mà người dân chưa được biết, những dây mơ rễ má như thế nào…sẽ được đưa ra ánh sáng.”

Qua phiên tòa nay tôi hy vọng rằng sẽ tìm hiểu thêm số chuyện bên trong hậu trường, những chuyện mà người dân chưa được biết, những dây mơ rễ má như thế nào…sẽ được đưa ra ánh sáng.
Ông Lê Quang Thành, một người Việt sống tại Đức.

Hãng tin AFP nói theo cáo trạng mà viện công tố Đức đưa ra, ông Long được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.

Theo ông Khoa, bản cáo trạng có nêu chi tiết những nội dung mà theo phía Đức, mô tả ông Long cùng các nhân viên mật vụ khác của Việt Nam, trong đó Trung Tướng Công An Đường Minh Hưng, đã trực tiếp bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Nguyễn Hải Long bị cáo buộc đã thuê xe và trợ giúp công việc hậu cần cho mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Họ có đầy đủ bằng chứng hết. Họ chiết xuất rất rõ từ camera của khách sạn và camera ghi trên đường phố. Họ ghi lại toàn bộ cuộc gọi từ ông Nguyễn Hải Long gọi trực tiếp cho ông Đường Minh Hưng, trung tướng công an Việt Nam.”

Tòa Thượng thẩm Berlin, nơi xét xử ông Nguyễn Hải Long, ngày 24/4/2018. Ảnh: Lê Trung Khoa
Tòa Thượng thẩm Berlin, nơi xét xử ông Nguyễn Hải Long, ngày 24/4/2018. Ảnh: Lê Trung Khoa

Bà Petra Isabel Schlagenhauf, Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, xác nhận với VOA rằng viện công tố Đức thông báo là ngoài ông Long, còn có các nghi phạm khác tham gia trực tiếp vào vụ bắt cóc, trong số đó có ông Đường Minh Hưng.

Vào hồi tháng 3, truyền thông Đức đề cập tới ông Đường Minh Hưng, nói ông là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, và đã bị cơ quan công tố Đức điều tra.

Họ có đầy đủ bằng chứng hết. Họ chiết xuất rất rõ từ camera của khách sạn và camera ghi trên đường phố. Họ ghi lại toàn bộ cuộc gọi từ ông Nguyễn Hải Long gọi trực tiếp cho ông Đường Minh Hưng, trung tướng công an Việt Nam.
Ông Lê Trung Khoa, người tham dự phiên tòa tại Berlin hôm 24/4/2018.

Công tố viên Đức hôm 24/8 cho biết hãng tin AP biết ông Long N.H., bị bắt ở Cộng hòa Czech ngày 12/8/2017 và giải giao cho Đức hôm 23/8/2017.

Hãng tin AFP hôm 24/4 dẫn một nguồn tin nói rằng bà Thi Minh P. D., ‘người tình bí mật’ của ông Trịnh Xuân Thanh, vào tháng 7 năm ngoái bay từ Paris sang gặp ông Thanh ở một khách sạn tại Berlin và khi hai người đi dạo ở công viên Tiergarten thì bị bắt cóc.

Báo Đức Sueddeutsche nhận định rằng hình như hơn nửa số nhân viên của tòa đại sứ Việt Nam tại Berlin có dính líu tới vụ bắt cóc ông Thanh, kể cả nhân viên ngoại giao chính thức, và vợ của một tùy viên quốc phòng của sứ quán đã hỗ trợ việc đăng ký mua vé máy bay cho các mật vụ bay về nước.

Ngày 23/7 năm ngoái, chính quyền Đức tố cáo cơ quan tình báo Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và trục xuất một số nhân viên tình báo của Hà Nội ra khỏi nước. Việt Nam nói ông Thanh đã tự ra đầu thú ngày 31/7 tại Hà Nội.

Hà Nội không thừa nhận đã thực hiện vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh như cáo buộc của chính phủ Đức, và đã tuyên phạt ông Thanh hai án tù chung thân về tội tham ô.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức xét xử một gián điệp gốc Việt
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:46 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG