Đường dẫn truy cập

Vũ khí mới viện trợ cho Ukraine sẽ buộc Nga phải thay đổi


Bom lượn GLSDB. (Copyright Saab AB)
Bom lượn GLSDB. (Copyright Saab AB)

Hoa Kỳ vừa đáp lại lời đề nghị giúp đỡ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy về các tên lửa có thể tấn công sâu vào hậu tuyến trong cuộc xung đột kéo dài gần một năm với Nga, theo Reuters.

Giờ đây, các lực lượng của Nga sẽ cần phải thích nghi hoặc phải đối mặt với những tổn thất thảm khốc có thể xảy ra.

Loại vũ khí mới này là bom lượn đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), sẽ cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách gấp đôi so với khả năng tiếp cận của các tên lửa hiện được bắn từ Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.

Điều này sẽ buộc Nga phải di chuyển binh sĩ của mình ra xa hơn khỏi tiền tuyến, khiến binh lính của họ dễ bị tổn thương hơn và làm phức tạp thêm các kế hoạch cho bất kỳ cuộc tấn công mới nào.

Ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết: “Điều này có thể làm chậm đáng kể [một cuộc tấn công của Nga]”. Ông nói thêm: “Giống như HIMARS gây ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình của các sự kiện, những tên lửa mới này có thể ảnh hưởng đến tiến trình của các sự kiện nhiều hơn nữa”.

GLSDB là loại bom lượn dẫn đường bằng định vị GPS có thể cơ động để tấn công các mục tiêu khó tiếp cận như trung tâm chỉ huy. Vũ khí này do công ty SAAB AB và công ty Boeing sản xuất, theo đó kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) với động cơ tên lửa M26, cả hai đều phổ biến trong kho vũ khí của Hoa Kỳ.

Bom GLSDB có thể được giao cho Ukraine sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023, theo một tài liệu mà Reuters xem được.

Khi Hoa Kỳ chuyển bệ phóng HIMARS lần đầu tiên vào tháng 6, họ đã cung cấp tên lửa có tầm bắn 77 km. Đây là một cú hích lớn đối với quân đội Ukraine, cho phép nước này phá hủy các kho đạn dược và cơ sở lưu trữ vũ khí của Nga.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG