Đường dẫn truy cập

Vụ bé gái 8 tuổi bị đánh chết: Rất cần phổ biến hơn nữa về nhân quyền ở VN


Nghi phạm Võ Nguyễn Quỳnh Trang trong vụ đánh đập đến chết 1 bé gái 8 tuổi ở Tp.HCM, tháng 12/2021.
Nghi phạm Võ Nguyễn Quỳnh Trang trong vụ đánh đập đến chết 1 bé gái 8 tuổi ở Tp.HCM, tháng 12/2021.

Vụ việc một bé gái 8 tuổi mới đây bị tình nhân của bố bạo hành đến chết ở Việt Nam đang gây phẫn nộ trong công chúng và trong đó nổi lên những tiếng nói cho rằng vụ này càng cho thấy cần phải phổ biến nhiều hơn về nhân quyền trong trẻ em cũng như trong toàn dân.

Các báo Việt Nam cho biết hôm 28/12 rằng công an quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, bắt tạm giam và khởi tố một phụ nữ 26 tuổi có tên Võ Nguyễn Quỳnh Trang với cáo buộc “hành hạ người khác”.

Trước đó, hôm 22/12, bà Trang bị một số người khác tố cáo đã đánh đập đến chết bé gái 8 tuổi là con của người đàn ông 36 tuổi đang chung sống như vợ chồng với bà ta.

Báo chí trong nước dẫn lại lời các nhân chứng tường thuật rằng vào chiều 22/12, họ nghe tiếng cháu la hét, bị đánh tại căn hộ nơi cháu sống cùng bố và bà Trang. Các nhân chứng cho biết thêm rằng có những dấu hiệu cho thấy cháu bị hành hạ nhiều lần trước đó.

Tin cho hay vào tối cùng ngày, cháu bé được đưa đến bệnh viện nhưng cháu đã chết trước khi đến nơi. “Kiểm tra thi thể, bác sĩ ghi nhận cháu bé có những vết thâm bầm lớn khắp nơi trên cơ thể, ngoài ra còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Từ những vết thương đó, cơ quan chức năng nghi vấn cháu bé bị đánh đập dẫn đến tử vong”, báo Tuổi Trẻ cho biết.

Trên mạng xã hội, tràn ngập những lời lên án của công chúng nhằm vào bà Võ Nguyễn Quỳnh Trang, họ sử dụng các từ như “tàn nhẫn”, “dã man”, “ác thú”… để nói về bà. Nhiều người chỉ trích nặng nề người đàn ông là bố cháu bé, đồng thời là nhân tình của bà Trang. Họ cho rằng ông này cũng phải bị truy tố vì hoặc là đã tiếp tay cho bà Trang, hoặc là đã làm ngơ, không tố giác tội phạm.

Một luồng ý kiến khác không kém phần đáng chú ý chỉ ra rằng xã hội Việt Nam là môi trường dung dưỡng bạo lực trong khi con người dường như ngày càng dửng dung, vô cảm với nhau.

Cũng đưa ra ý kiến về vụ việc đang gây đau lòng lẫn căm phẫn, nhà báo kỳ cựu Huỳnh Ngọc Chênh lưu ý đến sự cần thiết phải phổ biến hiểu biết về nhân quyền cho toàn dân và giáo dục nhân quyền cho trẻ em.

Viết trên trang cá nhân có gần 100.000 bạn bè và người theo dõi, ông Chênh, người cũng nổi danh là một nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, nêu lên thực tế rằng ở nhiều nước khác trẻ em được dạy về nhân quyền từ tuổi học mẫu giáo.

“Quyền cụ thể và đầu tiên mà các em được dạy là quyền không bị làm đau đớn và không làm đau đớn người khác … Rồi từ đó nâng cao lên, không ai có quyền đụng chạm đến cơ thể của em gây ra đau đớn, kể cả bố mẹ”, ông Chênh viết.

Ngoài ra, các em cũng được dạy cách kêu cứu tới những người phù hợp khi cần thiết. Dưới góc nhìn của ông Chênh, cháu gái 8 tuổi vừa bị đánh chết ở Tp.HCM đã không được dạy về quyền làm người và cách bảo vệ quyền làm người của mình, rốt cuộc trở thành một nạn nhân.

Ở phía ngược lại, bà Trang “cũng không được dạy về quyền làm người từ bé nên đã thản nhiên xâm phạm cơ thể của cháu bé mà không thấy sai”, ông Chênh đưa ra quan sát.

Về người bố của cháu bé xấu số, nhà báo kỳ cựu đưa ra nhận xét rằng người đàn ông đó “từ bé đã không được dạy về nhân quyền, lớn lên và làm việc trong một xã hội mà nghe nói đến hai chữ nhân quyền như nghe về điều gì huý kị ghê gớm lắm, nên không hiểu một điều rất cơ bản là không có quyền làm đau con mình và không cho ai được phép làm đau con mình”.

Khái quát hóa về tình hình Việt Nam nhìn từ vụ việc cụ thể, nhà báo và nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh viết: “Nhân quyền thì giấu đi, luật pháp thì bưng bít những điều tiến bộ mà thế giới buộc phải ghi vào, thảm cảnh vẫn tiếp tục xảy ra cho con người Việt Nam là điều không thể tránh khỏi”.

Bà Hương Lương, người đã kết hôn và sinh hai con trai ở Mỹ, có quan điểm tương đồng về sự cần thiết và tầm quan trọng của giáo dục về các quyền con người cơ bản cho trẻ em.

Hiện sinh sống ở thành phố Bethesda giáp thủ đô Washington, với các con đang học lớp 2 và 6, bà Hương mô tả với VOA về cách trường học Mỹ dạy và giám sát các quyền của trẻ em:

“Khi trẻ chưa biết diễn tả, từ vỡ lòng đến lớp 3, họ giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Ví dụ, trời rất lạnh mà một đứa trẻ không mặc ấm, họ sẽ yêu cầu bố mẹ đến gặp. Hoặc những đứa trẻ buổi trưa không có đồ ăn trưa, hoặc bố mẹ không đăng ký mua đồ ăn trưa ở trường, họ sẽ làm việc với gia đình. Giáo viên chủ nhiệm sẽ quan sát đứa trẻ hàng ngày rất sát sao. Nếu thấy thân thể trẻ có vết bị đánh, họ sẽ báo cảnh sát ngay lập tức”.

Trong trường hợp đó, cảnh sát hoặc cơ quan xã hội sẽ làm việc với gia đình, bà Hương cho biết. Đối với những trẻ có những dấu hiệu tâm lý bất thường, nhà trường có chuyên viên tâm lý để nói chuyện với các bé.

Bà Hương nói tiếp về cách nhà trường cung cấp kiến thức về các quyền cho các cháu ở độ tuổi lớn hơn và biết biểu đạt ý kiến:

“Từ lớp 3 trở đi, các cháu được giáo dục bằng hình ảnh. Các cháu được giáo dục về việc tiếp cận với người lạ, về việc báo cho giáo viên biết khi ở nhà bị đánh đau hay bị ai đánh. Đến lớp 5, các cháu được dạy về vấn đề quấy rối thân thể, quấy rồi tình dục. Họ thông báo cho các cháu rằng nếu không được ăn, không được mặc, hay bị đánh đau… các cháu đều có thể nói chuyện với giáo viên, hoặc người tư vấn tâm lý ở trường”.

Với trải nghiệm thực tế, bà Hương cho biết chuyên viên tâm lý của nhà trường rất quan tâm và biết cách trò chuyện với các cháu như người thân trong gia đình nên nắm rõ hoàn cảnh của các cháu.

Còn tại khu dân cư, mặc dù bà Hương chưa từng thấy cảnh bạo hành trẻ em đến nỗi hàng xóm hay nhà chức trách phải can thiệp, nhưng bà từng trực tiếp thấy việc một người quát tháo con và ngay lập tức có người hàng xóm bày tỏ bất bình về hành vi đó, đồng thời dọa báo cảnh sát.

“Nói chung, bố mẹ luôn bị nhà trường và cộng đồng quan sát”, bà Hương đưa ra nhận xét.

Bà cũng lưu ý rằng, theo luật pháp Mỹ, việc bố mẹ vô tình hay cố ý để mặc trẻ con còn nhỏ ở nhà một mình hoặc lang thang ngoài đường, ngoài công viên… cũng là một tội danh. “Trách nhiệm của người lớn phải bảo vệ con là rất cao”, bà Hương cho biết.

Bà nói thêm rằng đa phần người lớn ở Mỹ đều tự nhận lấy trách nhiệm bảo vệ một đứa trẻ. “Nếu họ không trực tiếp can thiệp thì họ lặng lẽ báo cảnh sát”, vẫn lời bà Hương.

Khái quát về luật pháp Mỹ đối với cách hành xử của cha mẹ khi dạy con cái, bà Hương nói:

“Hình thức dạy con mà gây tổn thương đến thân thể của cháu bé chẳng hạn, như vậy là cha mẹ phạm tội. Luật ở Mỹ rất rõ ràng. Tôi nghĩ Việt Nam cần phân định hơn nữa về quyền của cha mẹ, quyền của các con cho rõ ràng, về dạy con ở mức độ nào, thì chắc là mới ngăn chặn được nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam”.

Trong bài viết của mình, nhà báo và nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh kêu gọi: “Ngay từ bây giờ hãy dạy cho con cháu bạn biết về quyền làm người, quyền không để ai đụng chạm vào cơ thể mình, kể cả bố mẹ ruột, biết phản ứng và bảo vệ bản thân khi bị kẻ khác xâm phạm”.

Ông Chênh đúc kết rằng: “Khi con bạn thấm nhuần quyền làm người từ bé, lớn lên sẽ không xâm phạm đến quyền làm người của kẻ khác, chúng sẽ không trở thành cha kế hay mẹ kế ác độc, làm công an thì không đánh chết người trong đồn, làm bộ đội thì không hành hạ tân binh…”

VOA Express

XS
SM
MD
LG