Đường dẫn truy cập

VTV gọi người bán rong là ‘ký sinh trùng’, cộng đồng mạng phẫn nộ


Một nam biên tập viên của VTV gọi người bán rong là "ký sinh trùng" trong một bản tin sáng 17/8/2020
Một nam biên tập viên của VTV gọi người bán rong là "ký sinh trùng" trong một bản tin sáng 17/8/2020

Nhiều người sử dụng Facebook và một số diễn đàn mạng xã hội ở Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ trong ngày 17/8 sau khi biết một bản tin của đài Truyền hình Việt Nam gọi người bán hàng rong là “ký sinh trùng”.

Đoạn video ghi lại một bản tin sáng 17/8 của đài VTV, được nhiều người đưa lên Facebook, cho thấy một nam biên tập viên đọc lời dẫn là:

“Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch, hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, tại thành phố Hồ Chí Minh trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng lên những con phố này, sẽ tồn tại ra sao?”

Phóng sự dài 2 phút tiếp sau đó nói về một số người bán hàng rong trên phố Nguyễn An Ninh bên cạnh chợ Bến Thành gặp khó khăn, lượng bán hàng sụt giảm mạnh vì ít khách trong mùa dịch. Trong phóng sự, từ “ký sinh trùng” không xuất hiện lần nào.

Các Facebooker có nhiều ảnh hưởng gồm cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, luật sư Lê Luân, nhà báo độc lập Lê Văn Dũng… cùng những người sử dụng mạng xã hội khác chỉ trích nặng nề cách dùng từ của đài truyền hình quốc gia.

Ông Phạm Minh Vũ viết rằng những người bán hàng rong “làm bằng công sức chính họ”, và so sánh rằng họ “không ăn hại” ngân sách một năm hàng chục ngàn tỷ như đảng cộng sản và các tổ chức của đảng, họ cũng “không tham ô”, “không cướp đất” như đảng viên cộng sản.

Người bán hàng rong không xin ngân sách một năm hàng chục ngàn tỷ như các tổ chức ăn hại của đảng, như tổ chức đảng cộng sản ăn bám của dân ... Họ không tham ô như đảng viên cộng sản, họ không bòn rút đục khoét ngân sách, họ không cướp đất cướp nhà ... Họ làm bằng công sức chính họ ... Khó khăn mùa dịch mà nhà nước chính phủ hầu như chẳng giúp được cho họ cái gì, sao mắng người ta là ký sinh trùng? ... Ký sinh trùng là đám đảng viên cộng sản, quan chức nó ăn bám của dân mãi không chịu buông mới đúng.
Ông Phạm Minh Vũ


Bên cạnh đó, cựu tù nhân lương tâm này chỉ ra rằng dù việc mưu sinh gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, những người bán rong hầu như không được nhà nước, chính phủ giúp đỡ gì, và ông đặt câu hỏi “Tại sao mắng người ta là ký sinh trùng? Ai là ký sinh trùng?”

Nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, còn có biệt danh là Le Dung Vova, khẳng định rằng VTV mắc phải một “sai lầm” thuộc loại “khó chấp nhận”.

Dưới góc nhìn của ông, người bán hàng rong là “những người tử tế khi lao động kinh doanh hợp pháp”. Trong khi đó, ông Dũng bình luận rằng những công chức, viên chức được nuôi từ tiền thuế của dân mà nếu “không làm việc đúng trách nhiệm và bổn phận”, hoặc “ăn cắp, tham nhũng”, chính là ký sinh trùng.

“VTV nên có lời đính chính và xin lỗi khán giả cũng như những người bán hàng rong”, ông Dũng đề nghị.

Ven chợ Bến Thành, TP.HCM, có nhiều hàng bán rong nhộn nhịp khi chưa có dịch Covid-19
Ven chợ Bến Thành, TP.HCM, có nhiều hàng bán rong nhộn nhịp khi chưa có dịch Covid-19

Luật sư Lê Luân cho rằng việc VTV dùng những chữ “ký sinh trùng” để mô tả người bán hàng rong là “một sự nhục mạ công khai và khinh rẻ”.

Ông Luân đưa ra ý kiến rằng nếu nhà nước không xử phạt VTV về hành vi miệt thị một ngành nghề kinh doanh, điều đó đồng nghĩa là nhà nước “đang dung túng cho hành vi sai trái” một cách công khai.

Người bán hàng rong là những người tử tế khi lao động kinh doanh hợp pháp. Ký sinh trùng thực tế là những công chức viên chức được nuôi từ cái 10% VAT của dân nếu không làm việc đúng trách nhiệm và bổn phận. Nếu công chức ăn cắp, tham nhũng thì còn đê tiện hơn ký sinh trùng, ve chó cũng chưa tởm bằng.
ông Lê Văn Dũng


Trên hai diễn đàn có hàng trăm ngàn thành viên, Nhật ký Yêu nước và Bàn luận về Kinh tế - Chính trị, nhiều người cũng lên án VTV với hàng trăm lời bình cho rằng các sử dụng từ ngữ của đài quốc gia là “mất dạy”, “vô học”, “xúc phạm nhân phẩm”, “kém văn minh”.

Cộng đồng mạng nhận định rằng ở Việt Nam, nơi báo chí chịu sự kiểm duyệt, bản tin hôm 17/8 của VTV đã được biên tập kỹ lưỡng và không thể xem phát ngôn của nam biên tập viên là “buột miệng” được.

VOA cố gắng liên lạc với đại diện của VTV để hỏi ý kiến của đài này về phản ứng giận dữ hiện nay của dư luận, song không nhận được hồi đáp.

Theo tìm hiểu của VOA, dường như những lời chỉ trích, lên án nặng nề của công chúng đã dẫn đến việc trang web của VTV xóa đi đoạn video gọi người bán hành rong là ký sinh trùng đã được phát sóng hồi sáng 17/8.

Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO hồi năm 2016 cho hay số người lao động phi chính thức, trong đó có một tỷ lệ lớn là người bán rong, lên đến trên 18 triệu người trong tổng dân số hơn 90 triệu của Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG