Đường dẫn truy cập

Giới trẻ Việt Nam và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc


Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 12/6/2011
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 12/6/2011

Tranh chấp tại Biển Đông là sự kiện nổi bật được công luận trong và ngoài nước lưu tâm trong thời gian gần đây, nhất là sau 2 vụ tàu Trung Quốc liên tiếp gây sự với tàu thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Nhưng đáng chú ý hơn cả, đặc biệt là với giới trẻ Việt Nam, chính là các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra trong những tuần lễ liên tiếp trong tháng 6 trước sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và tòa lãnh sự của Bắc Kinh tại Sài Gòn, quy tụ sự tham gia của đông đảo thanh niên từ hai miền Nam-Bắc của đất nước. Khách mời trong chương trình hôm nay, 3 người trẻ hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi lan truyền trên Facebook tham gia các cuộc tuần hành tại Sài Gòn và Hà Nội, chia sẻ cảm nghĩ về sự kiện hiếm hoi chưa từng có trước nay ở Việt Nam.

Lâm: Tôi là Lâm, sống ở Hà Nội.

Quyền: Tôi là Quyền, ở miền Bắc.

Huy: Tôi tên Huy, ở Sài Gòn.

Trà Mi: Cả ba bạn đều tham gia các cuộc tuần hành ở hai miền Nam-Bắc để phản đối hành động lấn lướt của Trung Quốc đối với chủ quyền Việt Nam. Sau khi tham gia các cuộc tuần hành đó, cảm nhận của các bạn thế nào? Những dư âm, ấn tượng đọng lại trong lòng các bạn ra sao?

Huy: Điều tôi vui nhất là thấy tầng lớp thanh niên Việt Nam bầu nhiệt huyết của họ còn rất nhiều. Ở Việt Nam, mọi người biết rằng khi xuống đường, tới trước lãnh sự quán Trung Quốc bày tỏ lòng yêu nước đó là một sự can đảm. Rất nhiều người mong muốn làm điều đó nhưng vẫn còn e ngại, không dám lên tiếng, không dám xuống đường.

Trà Mi: Niềm vui của Huy là qua sự kiện này đã thấy được lòng can đảm của một số bạn trẻ dám mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình. Thế còn Lâm và Quyền, các bạn có những ấn tượng thế nào?

Quyền: Đây là một sự kiện trong cuộc đời tôi. Tôi rất vui mừng khi thấy tinh thần hăng hái của các bạn trẻ. Các bạn rất can đảm. Tôi thấy mình thật bé nhỏ trước các bạn sinh viên. Nhưng có điều cũng hơi buồn là lẽ ra lực lượng tham gia biểu tình phải đông hơn rất nhiều. Tôi thấy đây là sự kiện đã làm thay đổi con người tôi. Tôi đã vượt qua được nỗi sợ xưa nay chiếm ngự trong tôi. Thú thật ngay từ lúc có ý định tham gia biểu tình, tôi rất run. Nhưng khi đã tham gia, tôi thấy con người mình như được lớn lên rất nhiều.

Trà Mi: Cảm ơn chia sẻ của anh Quyền. Anh nói đã vượt qua được nỗi sợ của mình. Anh có thể cho biết rõ hơn nỗi sợ đó là gì? Vì sao nó chiếm ngự trong lòng anh từ bấy tới nay?

Quyền: Tôi hiểu việc đi biểu tình ôn hòa thể hiện thái độ của người dân là một điều hết sức bình thường trong một xã hội văn minh. Tôi không sợ sự bắt bớ, nhưng điều tôi sợ là tôi có thể bị tấn công bất kỳ lúc nào.

Trà Mi: Biểu tình, điều rất bình thường trong xã hội văn minh, theo anh, lại là một điều không bình thường trong xã hội Việt Nam?

Quyền: Đúng vậy.

Trà Mi: Lâm có ý gì tiếp nối không?

Lâm: Mình rất vui, rất hào hứng khi tham gia cuộc tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Tuy nhiên, mình cũng buồn vì lực lượng tham gia tuần hành còn nhỏ nhoi so với lượng dân sống ở Hà Nội nói riêng và so với lượng thanh niên-sinh viên sống ở Việt Nam, nói chung. Mình hỏi một số bạn bè có tham gia cuộc tuần hành không, họ chỉ lắc đầu ngơ ngác bảo không bao giờ dám. Điều này làm mình thật sự cảm thấy buồn.

Trà Mi: Các bạn có cảm giác buồn vui lẫn lộn sau cuộc tuần hành tại Việt Nam. Nỗi buồn các bạn chia sẻ ở đây là tâm tư đối với thành phần trẻ Việt Nam khi sự hưởng ứng, quan tâm, và trách nhiệm của họ đối với xã hội-đất nước còn chưa có dịp để phát huy, chưa vượt qua được những rào cản tâm lý trong mỗi người. Còn nói về thái độ, động thái của chính quyền trước phản ứng của thanh niên và trước hành động gây hấn của Trung Quốc, ghi nhận của các bạn thế nào?

Huy: Khi thấy lực lượng an ninh ngăn cản, dựng những hàng rào xung quanh lãnh sự quán Trung Quốc và phong tỏa các con đường, mình buồn lắm. Mình đi vòng vòng rất nhiều đường mà không vào được bên trong. Tôi lên tiếng vì đất nước-quê hương tôi, vì bọn bành trướng xâm chiếm đất nước tôi mà tại sao tôi bị ngăn cản?

Trà Mi: Các bạn có nghĩ rằng lý do họ có rào cản xung quanh khu vực đó là vì họ sợ sẽ có những xáo trộn an ninh, những vụ việc đáng tiếc sẽ xảy ra khi có lực lượng đông đảo quần chúng tập trung trước lãnh sự và sứ quán Trung Quốc như vậy chăng?

Huy: Anh có quyền bảo vệ lãnh sự quán Trung Quốc theo phương châm ngoại giao. Đó là điều tất yếu. Anh chỉ nên bảo vệ vành đai xung quanh lãnh sự quán, chứ anh đừng phong tỏa các con đường.

Trà Mi: Mời Quyền tiếp lời.

Quyền: Tôi có mặt ở đó và tôi chứng kiến bà con rất trật tự và ôn hòa. Ở Hà Nội, mọi người chỉ đứng bên kia công viên đối diện đại sứ quán Trung Quốc. An ninh Việt Nam không thể lấy lý do bảo đảm an ninh trật tự. Đấy hoàn toàn là ngụy biện. Khi họ bắt đầu ép đẩy đoàn người, tôi bảo một người mật vụ trẻ: “Anh có nhìn thấy dân bày tỏ thái độ rất ôn hòa phản đối Trung Quốc chiếm đảo, chiếm biển của Việt Nam hay không?”

Trà Mi: Dù có vài chi tiết mà các bạn không mấy hài lòng trước thái độ của lực lượng công quyền, nhưng phải công nhận lần này có một sự biến chuyển so với cuộc tuần hành tương tự cuối năm 2007 khi sinh viên-thanh niên tập trung phản đối Trung Quốc liền bị trấn dẹp ngay lập tức. Một số người bị bắt từ việc đi biểu tình Hoàng Sa-Trường Sa lúc đó tới nay chưa được trả tự do. Thái độ lần này của chính quyền phần nào đã có sự thay đổi khi cho phép hàng trăm người tuần hành công khai như vậy. Các bạn có ghi nhận biến chuyển này là một dấu hiệu tích cực? Các bạn có ngạc nhiên trước thái độ của chính quyền lần này chăng?

Huy: Tôi không ngạc nhiên khi lần này nhà nước ngó lơ cho dân biểu tình. Nếu lần này lại ngăn cấm như lần trước thì hoàn toàn sai lầm. Đến mức độ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam, đi vào bờ biển thuộc địa phận Việt Nam, tấn công tàu thăm dò của Việt Nam, một hành động xâm chiếm chứ không còn là khiêu khích nữa, mà không cho dân biểu tình thì không biết lúc đó dân sẽ nghĩ thế nào về nhà nước nữa?

Trà Mi: Anh Huy cho rằng đây chưa là dấu hiệu đáng ghi nhận là tích cực. Ý kiến Lâm thế nào?

Lâm: Lần này nhà nước muốn thông qua cuộc tuần hành để ‘tỏ thái độ’ với Trung Quốc. Họ cũng không muốn tuần hành diễn ra nhưng tình thế bắt buộc họ phải làm thế.

Trà Mi: Lâm cho rằng Việt Nam cho phép diễn ra tuần hành để ‘tỏ thái độ’ với Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền. Việc ‘tỏ thái độ’ đó dù gì cũng đã khác biệt so với những gì đã xảy ra từ bấy tới nay, phải không? Đây có phải là một tín hiệu đáng mừng, đáng khích lệ?

Lâm: Đấy không phải là một dấu hiệu tích cực. Họ bắt buộc phải làm thế thôi. Thực sự trong lòng họ chắc chắn là không muốn.

Trà Mi: Kết lại ý của Huy và Lâm, các bạn cho rằng chính quyền Việt Nam lúc này bắt buộc phải xử lý như thế để đối xử với lòng dân trong nước và đối phó với hành động xâm lấn của nước ngoài. Ý anh Quyền thế nào?

Quyền: Tôi đồng ý với ý kiến đó. Tôi cho rằng nhà cầm quyền đã nới lỏng hơn về sự kiện biểu tình này. Tôi không ngạc nhiên vì đây là một trường hợp rất đặc biệt, trong tình thế bắt buộc họ phải nới lỏng như thế. Khi dân biểu tình ôn hòa tỏ thái độ về việc này cũng rất có lợi cho nhà cầm quyền trong việc đối phó trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Trà Mi: Tình thế bắt buộc chính quyền phải cho phép biểu tình nhưng việc cho phép để xảy ra biểu tình, các bạn đã hài lòng hay chưa?

Huy: Tôi thật sự không hài lòng hoàn toàn. Tôi có đọc văn bản của trường đại học Công nghiệp 4 TPHCM ghi rằng sinh viên nào đi biểu tình chống Trung Quốc sẽ bị đuổi học. Tôi nghĩ hiệu trưởng của trường đó và người ra lệnh cho ông ta đừng nhìn tổ tiên nữa.

Trà Mi: Giới hữu trách Việt Nam đã khẳng định giữ lập trường trong vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông bằng cách tiếp tục cho tàu thăm dò địa chấn tại khu vực thềm lục địa Việt Nam và cho phép diễn ra tuần hành biểu lộ lòng dân trước Trung Quốc. Quyền và Lâm ở Hà Nội, các bạn đã hài lòng chưa trước cách ứng xử của chính quyền Việt Nam?

Lâm: Thái độ chính quyền Việt Nam vẫn chưa rõ ràng lắm trong khi Trung Quốc lấn áp quá nhiều. Việt Nam còn khép nép và e sợ trước sự bành trướng của Trung Quốc. Những vụ bắt bớ ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa-Trường Sa chẳng hạn, rất lâu sau khi sự việc xảy ra chính quyền Việt Nam mới phản ứng lại. Có lúc có, có lúc không.

Trà Mi: Đó là những điểm Lâm chia sẻ là chưa hài lòng trước cách ứng xử của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc trước tình thế Bắc Kinh ngày càng gây hấn, xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Ý kiến của Quyền?

Quyền: Tôi cũng không hài lòng. Từ trước tới nay, ngư dân mình bị Trung Quốc bắt bớ và bắn, nhưng thái độ phản ứng của chính quyền Việt Nam rất yếu ớt. Đến khi sự việc quá rõ ràng đến nỗi Trung Quốc đưa tàu vào tận trong lãnh hải của Việt Nam chứ không phải là vùng biển tranh chấp nữa, mà các lãnh đạo cao cấp Việt Nam vẫn nói Việt-Trung vẫn là láng giềng tốt dù đã xảy ra những chuyện đáng tiếc, không mong muốn. Việt Nam không mong muốn nhưng Trung Quốc sang xâm chiếm lãnh hải Việt Nam, không thể nói là họ không mong muốn được. Họ cho rằng đó là cách nói ngoại giao, cách nói mềm dẻo, nhưng tôi thấy thật buồn cười, nói cứ như là người mất trí.

Trà Mi: Chính quyền Việt Nam đã lên tiếng phản đối, đã tuyên bố, đã khẳng định chủ quyền trước các động thái gây hấn của Trung Quốc, mà xem ra đối với giới trẻ những phản ứng đó vẫn còn chưa đủ. Vậy theo người trẻ, chính quyền có thể làm gì hơn nữa trước quốc gia cộng sản anh em to lớn Trung Quốc? Mời quý vị và các bạn đón nghe phần thảo luận tiếp theo trong chương trình tuần sau và cùng chia sẻ quan điểm trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên website của đài VOA: www.voatiengviet.com. Để tham luận trực tiếp trên Tạp chí Thanh Niên, xin quý thính giả email số phone về vietnamese@voanews.com, Trà Mi rất hân hạnh được mời các bạn tham gia. Tạp chí Thanh Niên hẹn tái ngộ quý vị vào tuần sau. Trà Mi kính chào tạm biệt quý thính giả.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG