Đường dẫn truy cập

Nhiều phụ nữ Việt ở Úc lao vào con đường phạm pháp vì ham cờ bạc


Những món nợ chồng chất vì thua bạc đã đưa nhiều người đến con đường phạm pháp.
Những món nợ chồng chất vì thua bạc đã đưa nhiều người đến con đường phạm pháp.

Trong những năm gần đây, số phụ nữ người Việt phạm tội ở bang Victoria, Úc, có xu hướng gia tăng đáng kể. Theo bà Huỳnh Bích Cẩm, người sáng lập Hội Phụ nữ Việt Úc, thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều phụ nữ ngày càng ham mê cờ bạc, và những món nợ chồng chất vì thua bạc đã đưa họ đến con đường phạm pháp.

Cộng đồng người Việt đã tới định cư ở bang Victoria từ khoảng 30 năm nay, tuy nhiên chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây số phụ nữ người Việt phạm tội mới bắt đầu gia tăng.

Theo số liệu mới nhất của Hội Phụ nữ Việt Úc thì số nữ tù nhân người Việt trong các nhà tù ở bang Victoria chiếm tới từ 15% đến 17% trong tổng số tù nhân của cả bang, trong khi cộng đồng người Việt chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng dân số của bang này.

Bà Huỳnh Bích Cẩm cho hay một trong những lý do khiến hiện tượng này xảy ra đối với cộng đồng người Việt là do vào năm 1994, sòng bài Crown Casino đã xuất hiện tại tiểu bang này và thu hút rất nhiều phụ nữ người Việt đến đánh bạc ở đây.

Hồi giữa năm 2009, người đứng đầu đội chống ma túy Úc, thanh tra Doug Fryer được báo The Age trích lời cho biết một phụ nữ đứng đầu một nhóm ở lứa tuổi 30 được cho là đã đánh bạc tới 3,7 triệu đôla tại sòng bài Crown trong vòng 6 tháng trong khi một người khác đã đánh bạc hết số tiền lên tới 12 triệu đôla trong vòng 10 năm.

Vậy nguyên nhân nào khiến những phụ nữ này lao vào con đường cờ bạc? Bà Cẩm cho biết một số phụ nữ đã tâm sự với các nhân viên tư vấn của bà như sau:

“Có nhiều vấn đề lắm, nhưng nhiều khi họ không biết sắp xếp đời tư của họ cho ổn thỏa, thành ra nhiều khi họ buồn khổ mà họ muốn quên đi. Họ không muốn đi tới một nhà tâm lý hay chuyên viên về các vấn đề gia đình mà họ đi tới casino để quên lãng đi niềm đau khổ của họ”.

Bà Huỳnh Bích Cẩm và Thủ hiến bang Victoria, ông John Brumby
Bà Huỳnh Bích Cẩm và Thủ hiến bang Victoria, ông John Brumby

Bà Cẩm cũng cho biết những người phụ nữ này thường là ít học, họ cũng không biết tiếng Anh, nên rất khó hòa nhập vào xã hội, và một khi đã sa đà vào cờ bạc thì nợ nần là tất yếu.

“Một khi mà họ đi tới casino và họ thua nhiều tiền, thì họ phải mượn tiền của các người cho vay lấy lãi, mà tiền lãi mấy người đó đòi rất cao, nghĩa là không thể nào trả nổi. Khi số nợ càng ngày càng tăng lên, và mấy người cho mượn tiền thì thường họ dính líu tới các đường dây ma túy, rồi đủ thứ chuyện, là họ gây áp lực thì mấy người đó phải làm như họ muốn. Giả dụ như họ nói phải trồng cần sa là phải trồng cần sa, hoặc họ nói phải đem lậu đồ thì cũng phải đem lậu, hoặc phải nhận đồ mà người ta ăn cắp thì cũng phải làm, nghĩa là phải làm những gì mà chủ nợ họ đòi.”

Thanh tra Fryer cho hay người vận chuyển ma túy thường được trả tới 24.000 đôla cho một lần mang ma túy nhưng tổ chức tội phạm lại bán trên thị trường số ma túy đó với giá hơn 700.000 đôla Úc.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Úc hồi năm 2009 có 25 người Úc gốc Việt bị giam tại Việt Nam vì tội buôn ma túy. Trong đó 19 người đã bị kết án, từ tử hình đến chung thân hay 20 năm tù, và có 8 người từ tiểu bang Victoria.

Bà Cẩm cho biết hiện tại Hội Phụ nữ Việt Úc cũng có chương trình giúp đỡ những nữ tù nhân người Việt ở Victoria, tuy nhiên một mình tổ chức của bà không thể đáp ứng được hết nhu cầu của họ mà cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía.

“Chúng tôi có dịch vụ đến thăm phụ nữ trong tù, chúng tôi cũng có dịch vụ có tên là Indochinese Entering Community Corrections, nghĩa là mấy người có phạm tội, nhưng tội không đến nỗi nặng lắm có thể xin bảo lãnh thì chúng tôi cũng có giúp trong giai đoạn đó. Còn những phụ nữ đã ở trong tù rồi mà muốn xin tha bổng có điều kiện thì chúng tôi cũng giúp được. Tuy nhiên, nhu cầu của họ rất là đa dạng, và không thể nào mà đáp ứng được trong một thời gian ngắn, nhưng tài nguyên của chúng tôi chỉ cho phép giúp họ trong một thời gian ngắn thôi chứ không thể nhiều và lâu như chúng tôi muốn”.

Khi được hỏi liệu cộng đồng người Việt ở Úc có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này để khỏi ảnh hưởng tới hình ảnh của một cộng đồng có tiếng là chăm chỉ, chịu khó, học giỏi và theo như lời ông Lê Văn Hiếu, Phó Toàn quyền tiểu bang Nam Úc, thì sự thành đạt của cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi là hết sức khả quan, khiến nhiều người phải ngạc nhiên, bà Cẩm cho biết:

“Cái vấn đề này nằm ngoài tầm hoạt động của cộng đồng người Việt, vấn đề này cần sự ủng hộ của tất cả chính quyền, bởi những người mà họ phạm pháp là những thành phần thiệt thòi, không thể nói là họ đã hội nhập vào xã hội. Mặc dù họ đã sống ở đây 5, 10 hay 20 năm nhưng họ vẫn ngoài lề xã hội, thành thử vấn đề là làm sao để giúp họ nhập vào xã hội chính mạch”.

Bà Huỳnh Bích Cẩm sáng lập Hội Phụ Nữ Việt Úc, tiền thân là Hội Phụ Nữ Tương Trợ Việt Úc, vào năm 1983. Mục đích chính của Hội là giúp cộng đồng người Việt ở Victoria trong quá trình định cư. Hiện tại Hội có các hoạt động như huấn nghệ, giáo dục, tìm việc làm, chương trình dành cho trẻ em và người cao niên, chương trình thăm hỏi và hỗ trợ tù nhân, cùng các dịch vụ tư vấn khác không chỉ dành cho cộng đồng người Việt mà cho cả các cộng đồng sắc tộc khác ở Úc.

Quí vị có thể tìm hiểu thêm về Hội Phụ nữ Việt Úc tại địa chỉ: http://www.avwa.org.au

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG