Đường dẫn truy cập

Cơm Tàu, cơm Ta, nhà Tây, nhà Mỹ, thế còn vợ Nhật?


Cơm Tàu, cơm Ta, nhà Tây, nhà Mỹ, thế còn vợ Nhật?
Cơm Tàu, cơm Ta, nhà Tây, nhà Mỹ, thế còn vợ Nhật?

Cách nay gần một tháng, phu nhân của Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã cho xuất bản một cuốn sách chỉ trích đức lang quân từ việc lớn đến việc nhỏ. Đây là một hiện tượng trước giờ chưa từng có nơi một phu nhân của một đương kim nguyên thủ quốc gia, và nó lại khiến cho người Việt, hay người Mỹ, Pháp, Úc... gốc Việt phải đặt lại vấn đề về câu ngạn ngữ mà các cụ ta trước đây vẫn nói để bày tỏ niềm mơ ước: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật". Ban Việt ngữ đã tiếp xúc với ông Khoát Phạm, một công dân Mỹ, gốc Việt, hiện sống ở... Tây (Paris), vừa đi... Tàu về, và nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh, du học và đã cư trú từ rất lâu tại Nhật Bản, để xem hai vị nghĩ như thế nào về cơm Tàu, nhà Tây và vợ Nhật. Mời quí vị theo dõi cùng Lan Phương trong Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này.

Tại Hoa Kỳ, những nhà hàng bán cơm Tàu chỗ nào cũng có. Vào lúc người Việt tỵ nạn mới đặt chân đến nước Mỹ, thì chỉ những thành phố lớn mới có tiệm ăn Tàu, nhưng theo thời gian, nhà hàng Tàu mọc lên tất cả mọi nơi, ngay cả những thị trấn nhỏ bé vài ngàn dân người ta cũng thấy ít nhất là 1 nhà hàng bán "Chinese food".

Vậy thì điều này là một chứng cớ cho thấy món ăn Tàu rất phổ thông, được nhiều người ưa chuộng. Chả thế mà các cụ ta ngày trước đã có câu: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật."

Trong câu chuyện hôm nay, trước hết Lan Phương xin đặt vấn đề cơm Tàu, nhà Tây với ông Khoát Phạm, công dân Mỹ, cư trú tại Paris, vừa đi chơi nước Tàu về xong.

VOA: Nghe nói anh vừa du lịch Trung Quốc, chắc chắn là khoản cơm Tàu họ phải tươm tất cho du khách. Vậy anh cho biết cảm tưởng về khoản "ăn cơm Tàu" trong câu ngạn ngữ "ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật". Cơm Tàu có xứng đáng với những gì mà thế hệ trước của chúng ta hay ca tụng?

Ông Khoát Phạm: Tôi đi vùng miền bắc nước Tàu, có lẽ món ăn ở vùng này khác với những món ăn mà người Việt mình biết như món ăn Quảng Đông ở phía dưới. Trong chuyến đi vừa rồi tôi đi về hướng bắc. Món ăn Tàu cái gì cũng xào, ăn sáng cũng có mì xào, há cảo, ít bánh mỳ. Đến buổi trưa cũng như buổi tối, quanh đi quẩn lại ngày nào cũng ăn rau xào, thịt xào. Tóm lại caí gì cũng xào với dầu hào và xì dầu.

VOA: Đồ Tàu có ngon như các cụ ta ca tụng?

Ông Khoát Phạm: Đối với khẩu vị của người Việt Nam thì tôi thấy đồ Tàu không ngon bằng thức ăn Việt Nam.

VOA: Anh có thể giải thích lý do tại sao?

Ông Khoát Phạm:
Có lẽ thức ăn Việt Nam tương đối nhẹ nhàng hơn, có thể nó không cầu kỳ bằng Tàu, nhưng có vị nước mắm nên ngon hơn vị xì dầu, cách chế biến có món này món kia. Còn món ăn Tàu thì món nào cũng nhiều dầu quá, đối với người Tàu thì không biết họ cảm thấy sao chứ đối với khẩu vị của người Việt Nam thì nó hơi nặng nề.

VOA: Anh có bị đầy bụng hay đau bụng không trong chuyến đi vừa rồi?

Ông Khoát Phạm:
Riêng cá nhân tôi thì tôi cũng sợ, nhiều món không dám ăn, món nào thấy nặng quá, những món tôi không biết hoặc những món rau sống thì tôi không dám ăn. Nhưng trong nhóm đi chừng mười mấy người cũng có 4, 5 người bị đau bụng.

VOA: Về vấn để vệ sinh thì chắc cũng không được cẩn thận lắm phải không?

Ông Khoát Phạm: Lúc ăn thì tôi không dám nhìn vào bếp, cũng không dám hỏi nguồn gốc nó ra sao, bởi lẽ nếu hỏi chắc không dám ăn!

VOA: Vậy để kết luận thì cơm Tàu có gì hơn cơm Ta, hay nó dở hơn?

Ông Khoát Phạm: Đối với tôi thì tôi thấy cơm Ta vẫn ngon hơn cơm Tàu, nó mặn mà, nhẹ nhàng hơn là cơm Tàu nhiều. Cá nhân tôi vẫn thích cơm Ta hơn cơm Tàu rất nhiều.

VOA: Vậy sau màn cơm Tàu rồi, chúng ta quay sang "ở nhà Tây". Tôi biết anh đã ở bên Mỹ khoảng 30 năm, và anh đã sang bên Tây ở khoảng 4, 5 năm rồi. Tôi không nói đến các dinh thự, lâu đài, mà chỉ nói đến những căn nhà mà đa số chúng ta sống ở trong đó thôi. Anh thấy nhà Tây có gì hay mà ngày xưa các cụ ta ca tụng quá vậy?

Ông Khoát Phạm và căn nhà ở Paris
Ông Khoát Phạm và căn nhà ở Paris

Ông Khoát Phạm: Đối với người Pháp lúc nào họ cũng chê là nhà Mỹ không chắc chắn. Nhà Tây lúc nào cũng xây bằng xi măng, gạch, còn nhà Mỹ bằng gỗ. Nhưng cá nhân tôi lúc còn ở Mỹ, tôi cũng tẩn mẩn sửa chữa nhà cửa một tý. Qua đến Pháp cũng vậy, mua căn nhà tôi cũng sửa chữa, tôi thấy nhà bên Tây nói chung, nó chật hẹp hơn nhà Mỹ nhiều.

VOA: Xin anh mô tả về cách xếp đặt phòng ốc của nhà Tây như thế nào?

Ông Khoát Phạm: Về vấn đề phân chia phòng ốc tôi thấy cách phân chia của nhà Tây rất là kỳ cục. Nhà nào cũng có đường đi vào, cửa ngõ tùm lum, chia ra làm nhiều phòng nhỏ, không mở rộng ra như nhà bên Mỹ.

VOA: Họ chia ra nhiều phòng ốc quá thì chính những bức tường đã chiếm mất rất nhiều diện tích của căn nhà rồi phải không?

Ông Khoát Phạm:
Vâng, tại vì thế thành thử nhìn vào một căn nhà Tây, bề ngoài nhiều khi thấy rất to, nhưng khi vào trong nó nhỏ xíu, so với nhà Mỹ cùng diện tích, vào bên trong nhìn thấy nó đẹp hơn, thóang hơn nhà bên Tây.

VOA: Về phương diện mỹ thuật, so với nhà Mỹ thì nhà Tây có hơn không?

Ông Khoát Phạm: Nhìn vào căn nhà Tây, ống nước, ống cống ở ngoài chứ không dấu trong tường như nhà Mỹ.

VOA: Còn về tiện nghi thì nhà Tây với nhà Mỹ khác nhau ra sao?

Ông Khoát Phạm:
Về tiện nghi thì nhà bên Pháp chẳng mấy ai có máy lạnh, trong khi nhà bên Mỹ mùa hè máy lạnh mát rượi. Muà đông thì ấm áp hơn. Nhà Tây tuy bằng gạch, cũng có máy sưởi, nhưng có lẽ chất liệu cách nhiệt không bằng của Mỹ thành ra mùa đông nhà bên Tây rất lạnh so với nhà bên Mỹ.

VOA: Mà nhà Tây làm bằng gạch, còn nhà Mỹ chỉ làm bằng vật liệu nhẹ thôi?

Ông Khoát Phạm:
Lúc ở Mỹ tôi chả thấy nhà Mỹ nào sập cả. Nhà đã xây từ 40,50,70, 80 năm tôi vẫn thấy chả nhà nào sập vì vật liệu xây cất cả.

Xin cám ơn anh Khoát Phạm. Bây giờ chúng tôi xin chuyển sang niềm mơ ước cuối cùng của các đấng mày râu thuộc thế hệ trước của chúng ta, đó là "lấy vợ Nhật," qua cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh, từng du học và đã cư trú từ rất lâu ở xứ hoa anh đào.

VOA: Cách nay chừng một tháng, đệ nhất phu nhân của Nhật đã cho xuất bản một cuốn sách mà trong đó bà tố khổ ông chồng hết cỡ. Bà tố khổ ông từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Thưa anh về chuyện nhỏ, tức là chuyện tề gia, thì bà nêu lên những điểm gì để phê bình gay gắt ông chồng?

Ông Đỗ Thông Minh:
Vợ Thủ tướng Naoto Kan tức là bà Nobuko Kan đã ra cuốn sách vào ngày 22 tháng Bảy tựa đề là "Ông Trở Thành Thủ Tướng thì nước Nhật có gì Thay Đổi Hay Không?" kể lại cuộc đời 40 năm từ khi hai người gặp gỡ cho tới ngày ông làm thủ tướng. Trong đó bà nêu ra rất nhiều câu hỏi khá gay gắt về cá tính của thủ tướng, trong đó đúng là có từ những vấn đề lớn đến vấn đề nhỏ.

Những vấn đề nhỏ như trong gia đình, bà cho là ông không quan tâm tới chuyện gia đình, tức là không phụ giúp với bà trong chuyện quản lý, không quan tâm tới sinh hoạt hàng ngày trong nhà, mà có lẽ đầu óc ông ấy để vào những chuyện chính trị, đại sự nhiều quá.

VOA: Thế còn chuyện lớn trị quốc thì bà có những nhận xét như thế nào về ông?

Ông Đỗ Thông Minh: Khi ông lên làm thủ tướng thì bà cho đây là điều bất ngờ ngoài dự tưởng, trở thành thủ tướng chỉ là điều may mắn thôi. Khi người ta gọi bà là đệ nhất phu nhân thì bà từ chối tước vị có tính cách danh dự này, bởi vì bà cho rằng đây chỉ là chuyện tình cờ thôi, thực ra thì ông chồng tôi không xứng đáng lắm đâu, và có lẽ ông cũng không ở lâu, vì vậy khi ông lên làm thủ tướng và hai vợ chồng dọn vào dinh thì bà chỉ đem theo những quần áo mùa hè, tức là mùa này thôi. Theo chế độ đại nghị, ông là Chủ tịch đảng Dân Chủ sau khi Thủ tướng Hatoyama từ chức thì ông được bầu, và ngày 11 tháng Chín tới đây sẽ bầu lại. Mặc dầu xác suất ông được bầu làm chủ tịch rất cao, và có thể ông sẽ tiếp tục làm thủ tướng; nhưng với quá trình 4, 5 năm qua tại Nhật có tới 6 thủ tướng, sự nghiệp làm thủ tướng của ông Naoto Kan có lẽ cũng không lâu và bà không tin là ông chồng có đủ khả năng để kéo dài thời gian làm thủ tướng. Theo bà, những lúc ông tâm tình, nói chuyện, ông có về tự nhiên và thành thật hơn, nhưng khi đọc diễn văn, tức là những bài soạn sẵn thì nghe có tính cách tuyên truyền và lên gân nhiều quá, thiếu sự thành thật.

VOA: Bà có khen ông được điểm gì không?

Ông Đỗ Thông Minh: Bà có khen là ông cũng lo cho con một cách tổng quát chung chung, nhưng còn những việc trong nhà thì được phê bình là một người... lười, không quan tâm mấy.

VOA: Có lẽ đây là một lần độc nhất vô nhị mà một đệ nhất phu nhân của đương kim thủ tướng lại xuất bản ngay một cuốn sách để chê ông chồng quá như vậy. Điều này trái ngược hẳn với hình ảnh hiền dịu, nhu mì và phục tòng của phụ nữ Nhật mà trước đến giờ nam giơí người Việt vẫn ca tụng trong câu: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật."Vậy là một người đã sống lâu năm ở Nhật thì anh thấy phụ nữ Nhật có thay đổi nhiều hay không trong nửa thế kỷ qua, và họ đã thay đổi như thế nào?

Ông Đỗ Thông Minh: Câu mà chị vừa nói có lẽ đã xuất hiện ở Việt Nam của chúng ta vào khoảng thập niên 1930, 1940 khi mà Nhật đã vươn lên và có những chiến thắng lẫy lừng đối với nhà Thanh và nhất là nước Nga. Sau đó các cụ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đưa khoảng 200 du học sinh qua, thành ra ảnh hưởng của Nhật đến với chúng ta nhiều. Ở Việt Nam chúng ta có những câu của Nhật tuyên truyền, như là: "Minh Trị một đấng anh vương ai bì" và ca ngợi phụ nữ Nhật, có lẽ từ cái thời đó. Thế nhưng sau thế chiến thứ Hai, nước Nhật thay đổi rất nhiều, từ tâm tính, người Nhật bớt tinh thần yêu nước cực đoan, đồng thời phụ nữ không còn ở trong nhà nữa. Họ được học hành, họ đi ra ngoài xã hội, họ làm việc, nắm giữ chức vụ trong xã hội. Với những chuyện như vậy thì xã hội thay đổi từ nền tảng. Họ không còn khép nép trong nhà nữa. Nếu họ đi làm rồi lại lo con cái thì họ không thể nào lo tất cả mọi việc cho ông chồng giống như câu chuyện truyền thuyết là chồng đi về thì vợ ra cởi áo vét, cởi cà vạt, thậm chí còn cởi giày cho chồng. Cái hình ảnh đó thực ra không phải là không có; nó có, nhưng mà đôi khi bị truyền thông đồng hóa với sự phổ cập chung của nước Nhật. Câu chuyện về Geisha chẳng hạn, nó có thể là hình ảnh của một nhân vật nào đó nhưng người ta cứ nghĩ là cả nước Nhật như thế. Không phải tất cả người Nhật đều như vậy đâu, nhất là sau thế chiến thì phụ nữ Nhật ra ngoài xã hội, họ có tinh thần độc lập, tự lập hơn, và cũng chính vì vậy mà đôi khi phụ nữ cũng dễ dàng ly dị chồng hơn, không lệ thuộc nữa. Chính vì vậy mà ông Naoto Kan cũng nói rằng: "bà vợ tôi là đối lập tại gia", có lẽ hai vợ chồng từ xưa tới giờ cũng có nhiều trục trặc lắm ông mới nói như vậy.

VOA: Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ xin chân thành cảm ơn ông Đỗ Thông Minh.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG