Đường dẫn truy cập

Việt Nam vẫn tiếp tục dùng hộ khẩu cho đến đầu năm 2023


Sổ hộ khẩu sẽ được Việt Nam tiếp tục sử dụng cho đến hết năm 2022.
Sổ hộ khẩu sẽ được Việt Nam tiếp tục sử dụng cho đến hết năm 2022.

Quốc hội Việt Nam vừa bỏ phiếu thuận theo đề xuất của Bộ Công an để tiếp tục duy trì việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu cho đến hết năm 2022.

Trang VietnamNet cho biết có 266/402 đại biểu tán thành việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp trước đây vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Quốc hội Việt Nam cũng thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) với 449 đại biểu tán thành, trong đó có quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu thay bằng mã định danh cá nhân. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Luật Cư trú quy định: “Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú, là tài sản quốc gia do Bộ Công an thống nhất quản lý.”

Theo tìm hiểu của VOA, nhiều người dân Việt Nam ở các tỉnh, thành cho rằng phương pháp quản lý việc cư trú của công dân thông qua sổ hộ khẩu đã tồn tại khoảng 70 năm qua là cách làm “lạc hậu” và “gây phiền hà” cho người dân.

Năm 2016 Ngân hàng Thế giới đưa ra báo cáo dài hơn 60 trang về việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu của Việt Nam đã làm hạn chế quyền tiếp cận các dịch vụ công ích của người dân, cũng như hạn chế các quyền căn bản khác như quyền tự do đi lại, quyền cư trú, quyền được sở hữu đất đai…

Vào tháng 8/2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thanh Tùng cho rằng nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong khi các cơ quan “chưa sẵn sàng” sử dụng qua mạng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì “sẽ gây xáo trộn lớn” đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, và cũng “gây khó khăn, phiền phức” cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG