Đường dẫn truy cập

VN lợi thế hơn Campuchia vì TPP, dệt may không hưởng lợi nhiều


Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt may ở ngoại ô Hà Nội.
Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt may ở ngoại ô Hà Nội.

Dự kiến khi được các nước thành viên phê chuẩn, hiệp định thương mại tự do Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đưa Việt Nam trở thành đối tác được ưu tiên trong khối 12 nước tham gia TPP. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Campuchia. Nhận định này được đưa ra hôm 29/3 trong một cuộc thuyết giảng do Phòng Thương mại Canada ở Campuchia tổ chức.

Trích dẫn các số liệu của Ngân hàng Thế giới, bà Susan Green, giáo sư luật tại Đại học Luật và Kinh tế Hoàng gia ở Campuchia, nói việc bãi bỏ hoặc giảm thuế có tính ưu đãi vào thị trường Mỹ theo quy định của TPP có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam thêm 10% vào khoảng năm 2030.

Bà cho hay các nhà sản xuất đang tìm cách tận dụng tác động đòn bẩy của hiệp định này, đổ vốn đầu tư vào Việt Nam, một thành viên TPP, thay vì đầu tư vào Campuchia không phải là thành viên.

“Có tin các nhà sản xuất vải ở Trung Quốc đang chuyển đến Việt Nam và xây dựng các nhà xưởng lớn để cung cấp nguyên liệu cho các công ty Việt Nam. Điều này rất đáng kể và dự kiến sẽ tạo thêm nhiều việc làm”, bà nói.

Tuy nhiên, bà Green cho rằng hiệu quả kinh tế của TPP có thể nhỏ hơn dự kiến ban đầu. Bà nêu ra một nghiên cứu mới đây của Đại học Tufts ở Mỹ cho thấy GDP của Việt Nam sẽ chỉ tăng thêm 2,18% vào khoảng năm 2015 nhờ TPP, chỉ bằng 1/5 con số tính toán hay được nhắc đến. Tuy nhiên, các nước không phải thành viên TPP có thể sụt giảm 5,24% GDP vào khoảng năm 2025, lớn hơn nhiều so với các mô hình dự báo của Ngân hàng Thế giới.

TPP được ký kết hồi tháng 2/2016, gồm 12 nước thành viên là Việt Nam, Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Về tác động của TPP đến ngành dệt may Việt Nam, tin tức hôm 30/3 về một hội thảo mới đây của Ngân hàng Thế giới và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay các chuyên gia trong ngành nói ngành này có thể không hưởng lợi nhiều từ TPP vì các chính sách của bản thân chính phủ Việt Nam về công nghiệp dệt may.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nói các yêu cầu khắt khe của TPP về xuất xứ sản phẩm sẽ không có lợi nhiều cho Việt Nam vì đất nước nhập 10% sợi và 5,3% vải từ các nước TPP trong khi 60-70% nguyên liệu cần có lại nhập từ các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc. Vì vậy, nguyên liệu từ các nước không phải thành viên TPP và các sản phẩm không có nguồn gốc từ TPP sẽ không được hưởng mức thuế quan ưu đãi, ông Cẩm cho biết.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Đan Thêu Tp. HCM, bổ sung thêm là lợi nhuận của các công ty Việt Nam không đáng kể vì họ hầu như chỉ làm gia công thuê cho các đối tác nước ngoài.

Hiện Việt Nam có 6.000 công ty dệt may. Trong năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 27 tỷ đôla hàng dệt may, 60% đi tới các thành viên TPP. Tuy nhiên, hầu hết giá trị xuất khẩu chảy vào túi các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Trên một bình diện rộng hơn, hôm thứ Tư, Cố vấn Kinh tế Trưởng của Tòa Bạch Ốc Jason Furman nói việc phê chuẩn TPP ở Mỹ cần phải diễn ra khi các lãnh đạo nước này thống nhất được với nhau.

Ông Furman cho biết: “Chúng ta có tổng thổng, lãnh tụ khối đa số Thượng viện và chủ tịch Hạ viện đều là những người ủng hộ việc giải quyết cho xong vấn đề này. Chúng ta cần bảo đảm sẽ làm việc này khi chúng ta có sự thống nhất đó”.

Lãnh tụ khối đa số Thượng viện Mitch McConnell mới đây nói ông sẽ quay trở lại với hiệp định TPP vào kỳ họp cuối sau cuộc bầu cử tháng 11. Hiệp định phải được Mỹ, Nhật Bản và 4 nước sáng lập khác phê chuẩn mới có hiệu lực.

Trước đó, hôm thứ Ba, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nói trong một cuộc phỏng vấn là chính quyền của ông Obama vẫn thấy có triển vọng TPP sẽ được Quốc hội phê duyệt trong năm nay. Về một số quan ngại liên quan đến hiệp định này, ông Froman nói: “TPP không thể đàm phán lại, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi không thể giải quyết một số vấn đề mà các bên liên quan nêu ra thông qua các cơ chế khác, kể cả trong quá trình thực thi, trong bối cảnh của một nghị trình thương mại rộng lớn hơn”.

Theo Fibre2fashion, Phnompenhpost, Startribune, Bloomberg.

Truyền hình vệ tinh VOA 31/3/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG