Đường dẫn truy cập

Việt Nam đứng trước cơ hội tham gia Bộ tứ kim cương mở rộng


Công nhân may quần áo bảo hộ và khẩu trang ở nhà máy TNG tỉnh Thái Nguyên, 23/03/2020.
Công nhân may quần áo bảo hộ và khẩu trang ở nhà máy TNG tỉnh Thái Nguyên, 23/03/2020.

Hôm 14/5, Bộ Ngoại giạo Việt Nam cho biết Việt Nam đã cùng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand tiến hành điện đàm không chính thức nhằm đóng góp vào nỗ lực chung đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu Covid-19.

Trước đó, hãng tin Reuters cho biết Mỹ đang lên kế hoạch thành lập Mạng lưới kinh tế thịnh vượng bắt đầu bằng cách khởi động lại cuộc đối thoại nhóm Bộ tứ kim cương (Nhóm QUAD), gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand, gọi là nhóm Bộ tứ mở rộng (QUAD Plus).

Theo lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mục đích của nhóm gồm 7 quốc gia hiện nay là “tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu”, đưa nền kinh tế toàn cầu “tiến lên phía trước” sau dịch bệnh Covid-19.

Cổng thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 14/5 dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam tin rằng thông qua các cơ chế hợp tác, trao đổi, điện đàm với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, các quốc gia và cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, bà Hằng không cho biết rõ thời gian diễn ra điện đàm và liệu Việt Nam có được nhận lời mời chính thức tham gia Quad Plus hay chưa.

Nhận định về cơ hội của Việt Nam khi được mời tham gia vào Mạng lưới kinh tế thịnh vượng do Hoa Kỳ lãnh đạo, giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế thế giới, nói với VOA:

“Tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể tiếp nhận các chuỗi cung ứng. Trong vấn đề hiện nay với xung đột Mỹ-Trung đang căng thẳng hơn thì dường như chính phủ các nước muốn thúc đẩy mạnh hơn quan hệ này. Tuy nhiên, cũng không phải là dễ vì Việt Nam và các nước Đông Nam Á dù có một số lợi thế nhưng nhìn tổng thể thì rất khó so sánh với lợi thế của Trung Quốc.

“Tôi thấy đã xuất hiện một số doanh nghiệp rời Trung Quốc sang Việt Nam nhưng chưa phải là nhiều. Việt Nam thì mong muốn chuyển sang càng nhiều càng tốt, nhưng vấn đề là họ có chuyển đi được không”.

Mỹ ‘cảm ơn’ Việt Nam hợp tác chống dịch COVID
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:19 0:00

Báo Thanh Niên dẫn lời tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nói: “Việt Nam phải nhìn thấy đây là cơ hội lớn để tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng thế giới do lợi thế 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc”.

Trang Vietnam Finance dẫn lời tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhận định: “Muốn phát triển, Việt Nam phải có vị trí cao, sâu, chắc chắn trong các chuỗi cung ứng của toàn cầu. Chỉ khi độc lập về kinh tế thì mọi chuyện mới đổi khác, nếu không thì ta vẫn sẽ phụ thuộc nước này hoặc nước kia và cuối cùng thì chơi với ai, ta cũng phải chịu thiệt”.

Reuters cho biết dù chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, song với việc chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và các thành viên trong Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 15/05/2020. Photo Facebook US Embassy Hanoi.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và các thành viên trong Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 15/05/2020. Photo Facebook US Embassy Hanoi.

Bộ Tứ kim cương ra đời năm 2007 với 4 quốc gia thành viên Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Australia với mục đích là thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương với tham vọng trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để đối phó với sự chi phối của khái niệm “Biên giới mềm” ngày càng tăng do Trung Quốc đề xướng.

Theo các chuyên gia quốc tế, việc tham gia Bộ tứ Kim cương mở rộng có thể là bài toán về quan hệ quốc tế khó cho Việt Nam, buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải xem xét kỹ lưỡng để tạo điều kiện tốt nhất cho bứt phá kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Chuyên gia phân tích chính sách Derek Grossman của tập đoàn Rand viết: “Việt Nam có thể là một thành viên mới tuyệt vời cho Quad Plus... Nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khó có thể đồng hành cùng Quad Plus trừ khi sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông tăng lên đột ngột và buộc Hà Nội phải ra tay”.

“Chính sách quốc phòng 4 Không của Việt Nam - không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế - gây trở ngại đáng kể cho khả năng của Hà Nội tham gia vào một nhóm như thế nhằm chống lại Trung Quốc”.

Hôm 06/5, theo đề nghị của phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo với kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại.

Hôm 15/5 Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có cuộc gặp với các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

“Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink và Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt để thảo luận về việc tăng cường quan hệ kinh tế song phương nhằm phát triển kinh tế hai nước và lan toả thịnh vượng”, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết hôm 15/5.

VOA Express

XS
SM
MD
LG