Đường dẫn truy cập

Việt Nam đề nghị EU không đưa nhân quyền vào hiệp định thương mại


Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ, tại Hà Nội, ngày 21/11/2017.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ, tại Hà Nội, ngày 21/11/2017.

Chính phủ Việt Nam vừa đề nghị châu Âu không đưa nhân quyền vào hiệp định Thương mại tự do. Các nhà tranh đấu nói rằng đề xuất này của Việt khó có thể được Liên minh châu Âu chấp nhận.

Từ Hà Nội nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến hôm 24/11 nói với VOA rằng nếu không đưa nhân quyền, đặc biệt là quyền của người lao động vào các hiệp định thương mại tự do sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân Việt Nam.

“Khi mà giới công nhân không có một đại diện của mình, hay một chính đảng nào bảo vệ quyền lợi thì họ sẽ bị đứng về phía thế yếu, dù ở Việt Nam có Tổng Liên đoàn Lao động. Tôi có phát biểu trong một cuộc gặp với EU rằng vấn đề nhân quyền và quyền lao động như điều kiện làm việc, lương tối thiểu… khi bị xâm phạm thì ai là người đứng ra đấu tranh, do đó việc gắn vấn đề nhân quyền và quyền của người lao động cần phải đưa vào trong hiệp định song phương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.”

Việc gắn vấn đề nhân quyền và quyền của người lao động cần phải đưa vào trong hiệp định song phương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến

Ông Tuyến cho biết rằng nếu không có những điều khoản bảo vệ người lao động thì “hiệp định thương mại chỉ đem lại lợi nhuận cho giới chủ và những kẻ cầm quyền mà thôi.” Trong khi người lao động làm ra sản phẩm còn bị bóc lột mà chẳng có ai bảo vệ cả.

Trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) vào chiều ngày 21/11 tại Trụ sở Chính phủ Việt Nam, ông Huệ đã yêu cầu không đưa vấn đề nhân quyền vào trong các thỏa thuận tự do mâu dịch.

Theo trang thông tin của Chính phủ, ông Vương Đình Huệ cho rằng châu Âu không nên đưa nhân quyền vào nội dung chỉnh sửa của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) trong năm 2018. Ông Huệ còn nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn phối hợp với quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền con người.

Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom gặp gỡ các nhà hoạt động tại Hà Nội, ngày 22/11/2017. (Facebook Le Cong Dinh) Sweden's Minister of Foreign Affairs Margot Wallstroms meet civil society and rights activists in Hanoi, November 21, 2017. (Screenshot f
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom gặp gỡ các nhà hoạt động tại Hà Nội, ngày 22/11/2017. (Facebook Le Cong Dinh) Sweden's Minister of Foreign Affairs Margot Wallstroms meet civil society and rights activists in Hanoi, November 21, 2017. (Screenshot f

Hôm 22/11, ông Tuyến và các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam như Luật sư Lê Công Định, nhà tranh đấu Bùi Thị Minh Hằng đã có cuộc gặp với các nhà ngoại giao EU. Ông Tuyến chia sẻ về nội dung các cuộc gặp này:

“Trong tuần thì tôi có hai cuộc gặp. Trong cuộc thứ nhất tôi cùng với các anh chị khác đại diện cho các tổ chức xã hội dân sự gặp gỡ với đại diện các sứ quán trong khối EU tại Hà Nội. Họ muốn nghe tiếng nói của chúng tôi. Cuộc gặp thứ hai của tôi là với Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, chuyện trò để nắm bắt một số tình hình ở Việt Nam.”

Luật sư Lê Công Định hôm 23/11 vết trên Facebook rằng: “Vì sao Việt Nam mới đây đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) không đưa nhân quyền vào hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)? Đơn giản là vì không có nhân quyền thì đưa vào làm chi khiến dễ vi phạm cam kết. Đề nghị của Việt Nam tự nó đã phơi bày thực trạng tôn trọng nhân quyền của nhà nước này.”

Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng viết trên trang Facebook sau cuộc gặp với nhà ngoại giao Thụy Điển nói rằng: “Tại cuộc gặp gỡ phái đoàn Thụy Điển, tôi nghe đích danh phía bạn nói về tiêu chí hợp tác với các nước, đó là dân chủ, nhân quyền, và công bằng luật pháp. Vậy mà Phó Thủ tướng của chúng ta phát biểu rằng ‘không nên đưa nhân quyền vào đối thoại ký kết FTA."

Theo các nhà hoạt động, việc các nhà ngoại giao EU tìm hiểu về tình hình nhân quyền Việt Nam là bước cần thiết để triển khai các thoả thuận của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) trong năm 2018.

Bà Margot Wallström hôm 24/11 viết trên Twitter rằng bà đã có cuộc gặp với đại diện các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và nhấn mạnh rằng Thụy Điển xem trọng các giá trị nhân quyền phổ quát.

Trang Twitter của Ngoại Trưởng Thụy Điển Margot Wallstroms nói về nhân quyền Việt Nam, 24/11/2017.
Trang Twitter của Ngoại Trưởng Thụy Điển Margot Wallstroms nói về nhân quyền Việt Nam, 24/11/2017.

Bà Wallström còn cho biết rằng bà đã nêu vấn đề nhân quyền trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 23/11.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói thêm rằng vấn đề nhân quyền luôn được EU coi trọng:

“Tôi nghĩ trong khối EU, thì Thụy Điển và Đức là hai nước ủng hộ về các vấn đề nhân quyền, họ muốn các quyền lợi kinh tế và lợi ích song phương với phía Việt Nam phải được người dân Việt Nam được thụ hưởng và họ rất quan tâm đến các vấn đề nhân quyền. Họ lắng nghe và muốn biết bức tranh đa chiều là như thế nào qua những thông tin mà họ tiếp nhận được từ thực tế. Người dân Việt Nam không được hưởng các quyền giống như ở các nước của họ. Các quyền của người công dân, quyền chính trị, quyền dân sự và nhân quyền ở Việt Nam rất hạn chế.”

Thụy Điểm xem trọng các giá trị nhân quyền phổ quát.
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstroms viết trên Twitter hôm 24/11/2017, sau chuyến công du Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 16/11, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho VOA biết Công an Hà Nội đã câu lưu 3 nhà hoạt động xã hội blogger Phạm Đoan Trang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng sau khi những người này có cuộc gặp và trao đổi với đại diện Liên minh châu Âu, trong đó có đại sứ Angelet về vấn đề nhân quyền Việt Nam.

Blogger Phạm Đoan Trang
Blogger Phạm Đoan Trang

Ngoài ra, tại buổi làm việc với phái đoàn EU, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến việc EU đã ban hành ‘thẻ vàng’ cảnh báo Việt Nam không tuân thủ luật pháp quốc tế về đánh bắt thuỷ hải sản bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo đối với sản phẩm xuất khẩu sang EU.

Ông Vương Đình Huệ cho biết chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động khai thác thuỷ hải sản trái phép.

Ủy Ban Châu Âu (EC) hôm 23/10 quyết định ban hành ‘thẻ vàng’ cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam với lý do vì Việt Nam không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EU trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Truyền thông Việt Nam hôm 22/11 trích lời Đại sứ Bruno Angelet cho biết việc hai bên ký kết Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững.

Để triển khai PCA, Trưởng phái đoàn EU cũng cho biết, trong tuần tới sẽ diễn ra sự kiện quan trọng đối với hai bên là Đối thoại nhân quyền Việt Nam-EU. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, sẽ góp phần làm tăng cường hiểu biết và thúc đẩy mối quan hệ của hai bên trong thời gian tới.

Thông tin từ EU cho hay đối thoại nhân quyền giữa họ với Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 1/12 sắp tới. Tình trạng Hà Nội gia tăng bắt bớ, đàn áp giới hoạt động dân chủ trong năm qua là một nội dung chính trong cuộc đối thoại, theo bài viết của bà Trang trên luatkhoa.org. Bên cạnh bảo vệ nhân quyền, EU cũng dự định bàn về những vấn đề lớn mà họ mong muốn Việt Nam cải thiện, như xây dựng nhà nước pháp trị, cải cách tư pháp, và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Huệ nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam là phối hợp với quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền con người, trên cơ sở các bên tôn trọng các khác biệt về lịch sử, văn hoá, đối thoại thẳng thắn để thu hẹp các vấn đề khác biệt.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam mong muốn EU tôn trọng cơ chế đối thoại về nhân quyền của hai bên như hiện nay để nhất quán với các cơ chế đối thoại nhân quyền như với các quốc gia khác. Ông Huệ nói: “Tôi hy vọng cuộc đối thoại nhân quyền của hai bên trong tuần tới sẽ thảo luận thẳng thắn, cởi mở và sẽ thành công.”

Việt Nam đề nghị EU không đưa nhân quyền vào hiệp định thương mại
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:28 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG