Đường dẫn truy cập

Bộ quốc phòng Việt Nam, Trung Quốc dự định lập đường dây nóng


Bộ quốc phòng Việt Nam, Trung Quốc dự định lập đường dây nóng
Bộ quốc phòng Việt Nam, Trung Quốc dự định lập đường dây nóng

Trung Quốc và Việt Nam dự tính sẽ thiết lập một đường dây nóng trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm siết chặt mối quan hệ quốc phòng,

Tin của AFP trích các nguồn tin của truyền thông nhà nước Việt Nam tường trình rằng đây là cố gắng mới nhất để công khai xoa dịu các căng thẳng sau một cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh hải.

AFP trích dẫn Vietnam News nói rằng hai bên đã đồng ý “cổ vũ cho các quan hệ hợp tác quốc phòng song phương” tại cuộc đối thoại an ninh thường niên thứ nhì tổ chức ở Bắc Kinh vào cuối tuần vừa rồi.

Tờ báo này nói rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ nới rộng quan hệ tới các lĩnh vực mới, kể cả việc trao đổi các phái đoàn quân sự, kể cả sinh viên sĩ quan, và thiết lập đường giây nóng giữa Bộ Quốc phòng hai nước.

Nguồn tin này không nêu rõ liệu đường dây nóng có phải là giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước hay không. Cách đây vài năm, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập đường dây nóng, nối kết hai Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản với nhau.

Năm 2009, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam ký kết một thỏa thuận để thiết lập một sự nối kết tương tự giữa lãnh đạo hai nước, mặc dù hiện không rõ tình trạng của đường dây nối kết này.

Tờ Sài gòn Giải Phóng tường thuật rằng các cuộc thảo luận cuối tuần rồi diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội Trung Quốc Mã Hiểu Thiên, và Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Trung Tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Theo tờ báo này, hai quan chức Việt-Trung đã đồng ý rằng các quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước cộng sản sẽ tiếp tục phát triển theo tinh thần của phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, và 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) tường trình rằng Bắc Kinh đã đồng ý chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm trong các hoạt động gìn giữ hòa bình với Liên hiệp quốc. Hà Nội chưa đóng góp vào các sứ mạng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, nhưng đã bày tỏ ý định muốn tham gia.

Hai nước láng giềng đối đầu nhau trong một cuộc tranh chấp kéo dài, tranh giành chủ quyền các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, được tin là giàu trữ lượng dầu khí, và là một tuyến hàng hải thiết yếu trong vùng biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Quan hệ song phương xuống tới mức thấp nhất hồi tháng 5 và tháng Sáu năm nay, sau khi Hà Nội tố cáo Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dò tìm dầu hỏa của Việt Nam bên trong khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

SGGP dẫn lời ông Mã nói rằng cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là vấn đề nhạy cảm và khúc mắc nhất, mà ông Mã cho là cần được giải quyết một cách thỏa đáng vì tình hình quan hệ Việt Trung nói chung và vì sự ổn định của khu vực.

Vẫn theo SGGP, Tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết dựa trên luật quốc tế. Ông Vịnh nói các vấn đề quốc tế phải được giải quyết dựa trên Công ước quốc tế về Luật Biển, các vấn đề liên quan tới nhiều quốc gia cần được giải quyết giữa các nước liên hệ, và những vấn đề giữa 2 nước, phải được giải quyết theo đường lối song phương.

Dịp này, hai bên nhấn mạnh nhu cầu đẩy mạnh công tác thông tin để quân đội và nhân dân hai nước hiểu rõ hơn tình hữu nghị truyền thống và hợp tác có lợi cho cả đôi bên.

Xem video chính quyền Hà Nội đối thoại với người biểu tình chống Trung Quốc

Nguồn: AFP, SGGP

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG