Đường dẫn truy cập

Việt Nam trong nhóm 35 ‘chủ nợ’ lớn nhất của Mỹ


Con số thống kê nợ quốc gia của Mỹ tại một bến chờ xe bus ở Washington DC hôm 31/1/2022. Việt Nam là một trong số 35 nước nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất.
Con số thống kê nợ quốc gia của Mỹ tại một bến chờ xe bus ở Washington DC hôm 31/1/2022. Việt Nam là một trong số 35 nước nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất.

Việt Nam nằm trong danh sách 35 nước có giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ mới đưa ra trong tháng này.

Số liệu trong báo cáo công bố ngày 18/7 của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Nhật Bản, Trung Quốc và Anh là ba chủ nợ nước ngoài hàng đầu của Hoa Kỳ.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, đang nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ nhiều nhất của Hoa Kỳ, với gần 1.213 tỷ USD, theo số liệu được tổng hợp cho đến tháng 5 năm nay. Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 của Mỹ, với gần 981 tỷ USD, trên Anh, nước đứng ở vị trí thứ 3, với 634 tỷ USD.

Thống kê của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Việt Nam đang nắm giữ 39,1 tỷ USD và đứng thứ 31 trong danh sách này. Đây là lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam có được, hiện đang lưu ký tại các ngân hàng đặt tại Mỹ, và được xem là ngoại hối của Việt Nam.

Đỉnh điểm trong thời gian một năm qua, Việt Nam nắm giữ lượng giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất vào tháng 9/2021, với 45,2 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị trái phiếu mà Việt Nam nắm giữ giảm dần kể từ đó và xuống mức thấp nhất vào tháng 5 năm nay.

Việt Nam, nền kinh tế có tổng thu nhập quốc nội trị giá 362 tỷ USD, đứng sau Chile (30) và trên Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (32) về giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ tính đến tháng 5 vừa qua. Với vị trí thứ 31, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm ngoái. Trong vòng hơn 5 năm qua, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam nắm giữ đã tăng hơn 3 lần.

Lượng trái phiếu chính phủ Mỹ do nước ngoài nắm giữ nói chung cũng có xu hướng giảm kể từ tháng 12/2021. Giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 1.000 tỷ USD trong vòng 12 năm qua. Cho đến tháng 4 năm nay, giá trị trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ còn đạt mức 1003,4 tỷ USD, nhưng đã giảm xuống 980,8 tỷ USD vào tháng 5.

Thực tế, giai đoạn 2008-2018 (trừ năm 2016), Trung Quốc luôn đứng vị trí đầu trong báo cáo về giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên đến năm 2019, Nhật Bản đã trở thành nước có giá trị nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ lớn nhất, với 1,155 nghìn tỷ USD tính đến tháng 12/2019.

Xu hướng giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của các chủ nợ diễn ra giữa lúc Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ nhiều lần tăng lãi suất để ngăn chặn mức tăng lạm phát nhanh nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Theo CNBC, khi lãi suất trái phiếu tăng, giá giảm thì đồng nghĩa với việc lỗ vốn đối với các nhà đầu tư khiến họ bán trái phiếu trước hạn.

Mua và nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ là một hoạt động bình thường nhằm đa dạng hóa tài sản của Quỹ dự trữ Ngoại hối Quốc gia, tức nắm giữ các tài sản bằng ngoại tệ dưới các hình thức khác nhau.

Các nước châu Á khác nằm trong danh sách 35 chủ nợ lớn nhất của Mỹ còn gồm có Đài Loan (11), Ấn Độ (13), Hong Kong (14), Singapore (15), Hàn Quốc (17), Philippines (24) và Thái Lan (25).

Tổng giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà các nước trên thế giới đang nắm giữ là hơn 7.421 tỷ USD tính đến tháng 5/2022. Tổng số nợ quốc gia của Mỹ là hơn 30.600 tỷ USD tính đến ngày 26/7.

Việt Nam hiện đang là quốc gia có mức thâm hụt thương mại lớn thứ 3 đối với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Mức thâm hụt thương mại giữa hai nước đạt gần 91 tỷ USD vào năm ngoái, cũng là mức cao nhất trong lịch sử thương mại hai chiều kể từ năm 1992. Mỹ, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, nhưng Bộ Tài chính dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa quốc gia Đông Nam Á ra khỏi danh sách này.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG