Đường dẫn truy cập

Việt Nam tính chi hàng trăm triệu đôla bù thuế OECD cho Samsung, nhiều hãng ngoại


Tòa văn phòng trung tâm của tập đoàn Samsung ở Hà Nội, ngày 29/5/2023.
Tòa văn phòng trung tâm của tập đoàn Samsung ở Hà Nội, ngày 29/5/2023.

Samsung và các công ty nước ngoài khác đang hối thúc Việt Nam đưa ra một cải cách trị giá nhiều triệu đôla để bù đắp cho họ về các khoản thuế cao hơn mà họ phải đối mặt từ năm tới do có một cuộc cải tổ toàn cầu về các quy định thuế, một nguồn tin tham gia vào các cuộc thảo luận này vừa cho Reuters biết.

Các cuộc thảo luận này diễn ra trước thời điểm công bố mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn từ tháng 1/2024, là kết quả của một cuộc cải cách toàn cầu mang tính bước ngoặt do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dẫn đầu.

Việt Nam đã cam kết tuân thủ quy định này của OECD, theo đó, sẽ tăng thuế suất lên đến 15% đối với nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động trong nước và những công ty hiện đang bị đánh thuế ở mức thấp hơn nhiều nhờ nhiều điều kiện ưu đãi.

Quy định toàn cầu của OECD yêu cầu các công ty hiện chỉ chịu mức thuế thấp ở các địa phương phải đối mặt với khoản thuế bổ sung tại quốc gia gốc của họ.

Một khoản thuế bổ sung cũng có nghĩa là các công ty nước ngoài có thể rút ngoại tệ quý giá ra khỏi Việt Nam để tuân thủ quy định này. Quyết định của Hà Nội về việc thực thi mức thuế lên đến 15% và kế hoạch bù thuế là nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi họ phải nộp thuế bổ sung ở quốc gia gốc.

Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế, lo ngại quy định của OECD có thể khiến nước này kém hấp dẫn hơn đối với các công ty đa quốc gia lớn.

“Nếu điều này không được giải quyết triệt để, khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ giảm sút”, ông Hong Sun, Chủ tịch Phòng Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nói và lưu ý rằng các nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi đó.

Trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ vào tháng 4, các hãng công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics và LG Electronics, nhà sản xuất chip Intel của Hoa Kỳ và Bosch của Đức nằm trong số các nhà đầu tư lớn đã thúc ép về các khoản bù thuế nói trên, nguồn tin tham dự cuộc họp cho biết.

Dưới áp lực này, chính phủ đang chuẩn bị một dự thảo nghị quyết có thể được Quốc hội thông qua vào tháng 10 nêu ra việc bù thuế một phần cho các công ty lớn, nguồn tin cho biết, người này từ chối nêu tên vì các cuộc thảo luận nói trên là thông tin nội bộ.

Chưa có công ty nào trả lời khi Reuters đề nghị họ bình luận .

Các công ty này đã đầu tư hàng chục tỷ đôla vào Việt Nam và là những nhà tuyển dụng nhiều người lao động. Ví dụ, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, sử dụng 160.000 người lao động và sản xuất ra một nửa số điện thoại thông minh của hãng tại Việt Nam, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thuế suất của Samsung thay đổi theo địa phương và dao động trong khoảng từ 5,1% đến 6,2% vào năm 2019 ở hai tỉnh miền bắc nơi hãng sản xuất điện thoại thông minh, theo dữ liệu của chính phủ được truyền thông trong nước trích dẫn.

Theo nghị quyết bù thuế được đề xuất - vẫn có thể thay đổi - các công ty có khoản đầu tư lớn vào Việt Nam sẽ được phép nhận các khoản tiền sau thuế hoặc tiền hoàn thuế để hỗ trợ chi phí sản xuất hoặc nghiên cứu của họ.

Nguồn tin cho biết tổng chi phí của kế hoạch dự kiến ước tính lên tới vài trăm triệu đôla/năm, đồng thời lưu ý rằng ngân sách của Việt Nam cho kế hoạch này sẽ lên tới ít nhất 200 triệu đôla/năm.

Tuy nhiên, kinh phí này sẽ gần như tương ứng với nguồn thu bổ sung mà Việt Nam dự kiến sẽ có được từ việc áp mức thuế cao hơn đối với các công ty đa quốc gia lớn theo các quy định toàn cầu mới, nguồn tin cho biết.

Các công ty nhỏ hơn không nằm trong phạm vi của các quy định toàn cầu mới cũng có thể nhận được tiền hỗ trợ, nguồn tin cho biết. Điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm những mâu thuẫn tiềm ẩn với các quy định của OECD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và OECD không trả lời khi Reuters đề nghị họ bình luận.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG