Đường dẫn truy cập

Việt Nam lại bắt và xử thêm người theo Điều 117 Bộ luật Hình sự


Ông Phan Đình Sang (trái) bị bắt hôm 12/3/2024 và ông Đỗ Minh Hiền ra tòa hôm 11/3/2024. Photo YouTube Bao Ha Tinh và YouTube ANTV.
Ông Phan Đình Sang (trái) bị bắt hôm 12/3/2024 và ông Đỗ Minh Hiền ra tòa hôm 11/3/2024. Photo YouTube Bao Ha Tinh và YouTube ANTV.

Hôm 12/3, công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giam ông Phan Đình Sang, cáo buộc ông sử dụng 5 tài khoản trên Facebook để nói xấu chế độ, đồng thời cho rằng ông có liên hệ với nhà báo Đường Văn Thái, người đang bị điều tra theo Điều 117 trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam.

Báo Hà Tĩnh dẫn lời cơ quan chức năng tường thuật rằng ông Phan Đình Sang, 57 tuổi, sử dụng 5 tài khoản Facebook để đăng tải, tán phát, chia sẻ “nhiều nội dung xuyên tạc lịch sử, phỉ báng chính quyền, lãnh tụ Hồ Chí Minh… gây bức xúc trong quần chúng nhân dân”. Ngoài ra, nhà chức trách cho rằng ông còn tham gia các hội, nhóm “phản động chống đối trên không gian mạng” trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2023.

Ông Sang bị cơ quan an ninh điều tra cho là có “quan hệ” và “móc nối” với “đối tượng” Đường Văn Thái, vẫn Báo Hà Tĩnh. Trang này cho biết thêm rằng ông Đường Văn Thái bị công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ ngày 14/4/2023 khi “xâm nhập trái phép” qua địa bàn biên giới của tỉnh này.

Hồi tháng 7/2023, chính quyền Việt Nam buộc tội ông Đường Văn Thái “tuyên truyền chống nhà nước”, căn cứ vào Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ngay sau đó, một số tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm cả Phóng viên Không biên giới (RSF), lên tiếng cho rằng điều đó là “vô lý” và kêu gọi phóng thích ông Thái ngay lập tức.

Theo một thông cáo của RSF, ông Đường Văn Thái bị bắt cóc hôm 13/4/2023 tại miền trung Thái Lan, nơi ông đã sống tị nạn từ năm 2019.

Truyền thông Hà Tĩnh đăng đoạn video ông Sang ký tên là “người phạm tội đầu thú”, nói rằng ông đã “thừa nhận mọi hành vi vi phạm”, đồng thời cho biết thêm rằng các quyết định và lệnh bắt ông Sang theo Điều 117 đã được Viện Kiểm sát tỉnh Hà Tĩnh phê chuẩn.

Như VOA đã đưa tin, hôm 29/2, công an thành phố Hà Nội bắt giam hai nhà hoạt động, nhà báo độc lập Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình với cùng cáo buộc theo Điều 117. Mãi đến này 7/3, truyền thông nhà nước mới đưa tin về hai vụ bắt này.

Cũng với cáo buộc theo Điều 117, hôm 11/3, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt ông Đỗ Minh Hiền, 67 tuổi, 6 năm tù giam, về việc ông phát tán các tài liệu bị cho là có nội dung “chống chế độ”, “nói xấu lãnh đạo Đảng cộng sản” qua thư điện tử cá nhân từ năm 2013 đến 2023.

Theo An ninh TV của Bộ Công an, tính đến lúc bị bắt vào tháng 7/2023, ông Hiền bị cho là đã tán phát thông qua thư điện tử tổng cộng 72 bài viết, đến hơn 10.000 lượt địa chỉ thư điện tử, trong đó có chứa nội dụng “chiến tranh tâm lý”.

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Hiền nói trước tòa rằng ông tự viết, phát tán các tài liệu trên với mục đích “muốn mọi người biết đến quan điểm chính trị, triết học của mình và không có tổ chức, cá nhân nào tài trợ, xúi giục hoặc hỗ trợ, giúp sức”.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau nói rằng họ tôn trọng các quyền căn bản của người dân, khăng khăng rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

Trong báo cáo gửi Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/2023, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ Điều 117 BLHS, cùng với các điều khoản khác, trước khi diễn ra đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024. HRW cho rằng các điều luật hà khắc này được chính quyền sử dụng rộng rãi để trấn áp những tiếng nói bất đồng, những người chỉ trích chính phủ hoặc ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG