Đường dẫn truy cập

Việt Nam phủ nhận thông tin trả lại Trịnh Xuân Thanh cho Đức


Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị cảnh sát dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 24/1/2018 và sau đó bị kết 2 án chung thân vì tội làm trái quy định.
Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị cảnh sát dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 24/1/2018 và sau đó bị kết 2 án chung thân vì tội làm trái quy định.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 8/11 khẳng định Trịnh Xuân Thanh đang thi hành án sau khi có thông tin Hà Nội và Berlin đang đàm phán việc trao trả ông Thanh về Đức.

Tại buổi họp báo ở Hà Nội, người phát ngôn BNG Lê Thị Thu Hằng nói ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), đã “bị xét xử công khai minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam, và hiện đang trong quá trình thi hành án theo phán quyết của tòa án.”

Đầu tháng này, một phái đoàn ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã có cuộc gặp với phía Đức tại Bộ Ngoại giao nước này ở Berlin để thương lượng việc trả lại ông Thanh về Đức, theo nhật báo TAZ. Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang trong quá trình xin tị nạn ở Đức.

Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được nối lại, theo báo TAZ của Đức.

Một nguồn tin ngoại giao Đức xác nhận với VOA về cuộc gặp cấp cao này nhưng không xác nhận hoặc bác bỏ thông tin trên. Tại các cuộc thương thảo, Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh với Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam rằng vụ bắt cóc ông Thanh là một “hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin.”

Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam tiến hành vụ bắt cóc nhưng Hà Nội khăng khăng cho rằng ông Thanh đã trở về và tự ra đầu thú.

Nguồn tin ngoại giao cho biết Đức lên tiếng ủng hộ ông Thanh và vẫn đang tiếp tục thảo luận với phía Việt Nam.

Tại buổi họp báo hôm 8/11, người phát ngôn BNG Việt Nam khẳng định “thời gian qua hai bên đã có những trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước.”

“Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước,” bà Hằng nói với các phóng viên.

Cũng trong ngày 8/11, nhật báo TAZ của Đức đưa tin rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được nối lại. Tháng 9 năm ngoái, Đức tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi xảy ra vụ bắt cóc ông Thanh ở Berlin.

Việt Nam đang theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức và Slovakia, một nước khác cũng có liên quan tới vụ bắt cóc ông Trinh Xuân Thanh.

Báo TAZ trích dẫn nguồn tin từ người đứng đầu bộ phận Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Đức, nói rằng việc nối lại quan hệ đối tác chiến lược đã xóa bỏ những hạn chế về các mối quan hệ song phương.

Việt Nam đang theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức và Slovakia, một nước khác cũng có liên quan tới vụ bắt cóc ông Thanh. Hiệp định thương mại tự do với EU được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 3,2 tỷ USD vào năm 2020, và khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2030.

Hôm 17/10, Ủy ban châu Âu ở Brussels đã phê duyệt hiệp định này. Nhưng trước khi chính thức thông qua hiệp định, cần phải có sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG