Đường dẫn truy cập

Việt Nam kêu gọi Việt kiều đóng góp cho Quỹ vắc-xin


Thông báo của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco kêu gọi ủng hộ Quỹ vắc-xin, 3/6/2021.
Thông báo của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco kêu gọi ủng hộ Quỹ vắc-xin, 3/6/2021.

Các cơ quan đại diện ngoại giao của chính quyền Hà Nội đặt ở Mỹ đang quyên góp tiền ủng hộ cho Quỹ vắc-xin COVID-19 của Việt Nam.

Theo tìm hiểu của VOA, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố San Francisco, bang California, ra thông báo hôm 3/6 kêu gọi “bà con kiều bào ta ở Mỹ” tích cực đóng góp cho Quỹ vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 “tại quê hương”.

Bản thông báo kêu gọi ủng hộ quỹ, do ông Tổng Lãnh sự Nguyễn Trác Toàn đứng tên, được đăng trên trang web của tòa tổng lãnh sự, ghi nhận “sự chung tay góp sức của kiều bào ta ở nước ngoài” đối với công tác phòng, chống dịch ở trong nước, nhờ đó công tác này “đã đạt những kết quả quan trọng”.

Nhưng do dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 4, nên cuối tháng 5, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi các tổ chức, cá nhân – bao gồm cả người Việt ở nước ngoài – đóng góp cho hoạt động phòng chống dịch, thông báo của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco cho hay, và viết tiếp rằng họ “xin chuyển lời kêu gọi” đó đến “bà con kiều bào ta tại Mỹ”.

Đến nay, chưa có con số chính thức từ phía cơ quan đại diện ngoại giao kể trên của Việt Nam về số tiền quyên góp được là bao nhiêu, song cơ quan này “bày tỏ lời tri ân sâu sắc” về việc Việt kiều Mỹ trong năm qua đã đóng góp “hàng trăm ngàn đô la” cho Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 và giúp cứu trợ lũ lụt ở miền trung Việt Nam.

Theo một bản tin của đài VOV, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại một thành phố khác của Mỹ là Houston thuộc bang Texas hôm 11/6 cũng đã tổ chức “lễ phát động quyên góp ủng hộ quỹ” và đợt phát động quyên góp này sẽ kéo dài đến hết tháng 6.

Cuộc quyên góp tiền từ Việt kiều Mỹ, do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco và Houston đang tiến hành hiện nay, diễn ra khoảng một năm sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được báo chí trong nước dẫn lời ca ngợi việc Việt Nam “chặn đứng” đại dịch COVID-19, trong khi các ca nhiễm và tử vong tăng chóng mặt ở Mỹ.

Thủ tướng Phúc hôm 8/6/2020 cho biết có hàng vạn người ở nước ngoài đang đăng ký để về Việt Nam, và phát biểu thêm: “Trước đây, sau năm 1975, một thời gian dài, người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói: ‘Nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam’”, theo tường thuật của nhiều báo trong nước, trong đó có Thanh Niên và VietNamNet.

Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, các báo trong nước đã xóa lời phát biểu kể trên trong các bản tin của họ sau khi có nhiều tranh cãi, chỉ trích trên mạng xã hội và báo chí tiếng Việt ở hải ngoại.

Ở cùng thời điểm đó, báo chí Việt Nam liên tục mô tả tình hình ở Mỹ với các từ ngữ như “lộ ra mặt trái của xã hội Mỹ trong đại dịch”, “người dân tuyệt vọng vì dịch bệnh và đói ăn”, “hàng triệu người Mỹ đói ăn trong đại dịch”, “những hàng dài người đói ăn ở Mỹ”, “tuyệt vọng vì không thể kiếm sống, nhiều người Mỹ nóng lòng chờ cứu trợ”, v.v…

Sau một năm, tính đến hôm 20/6/2021, 45,1% toàn bộ dân số Mỹ đã tiêm vắc-xin đầy đủ để ngừa COVID-19, số người tiêm ít nhất 1 mũi là 53,3%, theo tin của CNN.

Tường thuật trên báo chí Mỹ trong những tuần gần đây cho thấy đời sống ở nhiều nơi của quốc gia này trở lại gần như bình thường dù vẫn còn một số ít hạn chế về giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.

Bên cạnh việc tiêm phòng trên diện rộng cho dân Mỹ, quốc gia này cũng đang dẫn đầu một nỗ lực quốc tế để cung cấp hơn 500 triệu liều vắc-xin cho 100 nước nghèo nhất trên thế giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 18/6.

Trên cương vị là Chủ tịch nước của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Xuân Phúc hôm 30/5 đã gửi thư đến Tổng thống Joe Biden, đề nghị Mỹ giúp Việt Nam về vắc-xin.

Báo chí Việt Nam cho biết tính đến 19/6, Việt Nam tiêm chủng mũi thứ nhất ngừa COVID-19 cho 2,36 triệu người và hơn 115 ngàn người đã tiêm đủ 2 mũi, chiếm một tỷ lệ ít ỏi trong dân số lên đến khoảng 98 triệu người.

VOA Express

XS
SM
MD
LG