Đường dẫn truy cập

Việt Nam đứng đầu thế giới về nguồn tài chính bất hợp pháp


Theo tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu, Việt Nam đứng đầu thế giới trong danh sách những nước nhận nguồn tài chính bất hợp pháp lớn nhất trong năm 2015.
Theo tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu, Việt Nam đứng đầu thế giới trong danh sách những nước nhận nguồn tài chính bất hợp pháp lớn nhất trong năm 2015.

Việt Nam là quốc gia nhận được dòng tiền bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới từ một hình thức rửa tiền dựa trên thương mại, theo một nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI).

GFI (Global Financial Integrity), có trụ sở ở Washington, Mỹ, cho biết Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015 trong nghiên cứu được tiến hành trong 10 năm từ 2006-2015 dựa trên các dữ liệu của Quỹ Tài chính Quốc tế (IMF) và Liên Hợp Quốc (UN).

“Chúng tôi khá ngạc nhiên về con số (22,5 tỷ USD) và chúng tôi muốn biết về con số này,” kinh tế gia cao cấp của GFI Rick Rowden nói với VOA về dòng tiền bất hợp pháp chảy vào Việt Nam từ hoạt động “thương mại với hóa đơn sai” (trade misinvoicing). “Chúng tôi không thể biết vì sao con số này lại lớn đến như vậy và cái gì gây ra dòng tiền bất hợp pháp lớn đó chảy vào Việt Nam.”

Một trong những lý do có thể khiến gian lận thương mại gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây là vì dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao và việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Rick Rowden, Kinh tế gia cao cấp của GFI


Việt Nam đứng trên Thái Lan và Panama, lần lượt là 20,9 tỷ USD và 18,3 tỷ USD.

“Thương mại với hóa đơn sai” là một hình thức rửa tiền dựa trên kinh doanh thương mại thông qua việc các đối tác thương mại tự viết hóa đơn hoặc chuẩn bị các hóa đơn cho bên thứ 3 (thường là ở nơi được coi là thiên đường trốn thuế), theo GFI.

Chuyển dịch dòng tiền bất hợp pháp thông qua hệ thống thương mại là một phương thức rất cổ xưa và truyền thống, theo ông Rowden. Kinh tế gia này cho biết động cơ chủ yếu của hoạt động “tội phạm” này là nhằm trốn thuế hoặc đưa nguồn tiền từ một nước có ngoại tệ yếu sang một nước có ngoại tệ mạnh.

Nghiên cứu của GFI cho biết nguồn gốc của dòng tiền bất hợp pháp gồm có nguồn gốc không rõ, dòng tiền không được công khai cho chính phủ, tiền không được đánh thuế và các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu ma túy.

“Một trong những lý do có thể khiến gian lận thương mại gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây là vì dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao và việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác,” ông Rowden cho biết.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng GDP năm 2019 dự kiến là 6,8%, theo đánh giá của ADB. Xuất khẩu từ Việt Nam tăng gấp ba lần về giá trị kể từ năm 2010 và đi kèm với đó là gian lận thương mại nhiều hơn. Kinh tế gia cao cấp của GFI nhận định rằng, gần đây thương mại cũng có thể được chuyển hướng qua Việt Nam để tránh thuế quan của cuộc chiến thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.


Nhận định về sự dịch chuyển đồng vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng cho rằng điều này đồng nghĩa với việc dịch chuyển gian lận thương mại sang Việt Nam.

“Điều này đã xảy ra đặc biệt trong ngành thép và tôn,” theo TS Dũng. “Thép và tôn Trung Quốc đã tập kết về Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam để xuất sang thị trường khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.”

Từ năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế quan nặng lên các sản phẩm thép vận chuyển từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc để né trốn thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Một lượng tiền rất lớn, mà người ta đánh giá là có tới 1/3 trong số 19 tỷ USD liên quan đến rửa tiền – chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài với mục đích sau đó là chuyển lại từ nước ngoài về Việt Nam.
Phạm Chí Dũng, Tiến sỹ kinh tế


Nghiên cứu của GFI còn cho thấy dòng tiền bất hợp pháp chảy ra khỏi Việt Nam trong năm 2015, dựa trên dữ liệu của Liên Hợp Quốc, là 9,1 tỷ USD, sau các nước như Mexico và Brazil.

Trong khi đó TS Dũng cho rằng số tiền bất hợp pháp chảy vào và ra khỏi Việt Nam còn cao hơn nếu tính cả số tiền đưa ra nước ngoài để trốn thuế rồi một phần trong đó được đưa trở lại Việt Nam.

TS Dũng, cũng là một nhà báo độc lập hiện đang sống ở TP HCM, trích dẫn dữ liệu từ Hồ sơ Panama năm 2016, nhưng không được công bố trên truyền thông trong nước, cho thấy số tiền của Việt Nam chuyển ra quốc tế lên tới 19 tỷ USD.

Ngoài mục đích đầu tư và chuyển tài sản ra nước ngoài của các doanh nhân, giới đại gia và quan chức, thì “một lượng tiền rất lớn, mà người ta đánh giá là có tới 1/3 trong số 19 tỷ USD liên quan đến rửa tiền – chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài với mục đích sau đó là chuyển lại từ nước ngoài về Việt Nam,” theo TS Dũng. “Nguồn gốc của các nguồn tiền đó là hoàn toàn biến mất,” ông cho biết.

Có khoảng 200 cá nhân và tổ chức liên quan đến Việt Nam có tên trong danh sách Hồ sơ Panama được công bố, theo truyền thông trong nước.

Hoạt động gian lận thương mại xảy ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt như Việt Nam, nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển do hệ thống “cân bằng và kiểm soát” lỏng lẻo và kém toàn diện, theo ông kinh tế gia Rowden của GFI, và ông nói rằng “Việt Nam nằm trong số những nước tham nhũng nhất thế giới.”

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transperency International) xếp Việt Nam thứ 117/180 nước về chỉ số tham nhũng năm 2018.

Theo ông Rowden, hình thức gian lận thương mại với hóa đơn sai khiến cho chính phủ mất đi nguồn thu thuế rất lớn, bởi nếu không số tiền thất thoát đó đã có thể được dùng để đầu tư phát triển công như y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

GFI ước tính các quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới mỗi năm mất đi khoảng 200 tỷ USD do hình thức gian lận thương mại này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG