Đường dẫn truy cập

Việt Nam đề xuất Boeing hỗ trợ bay thẳng đến Mỹ


Máy bay Boeing của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA).
Máy bay Boeing của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA).

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa kêu gọi Công ty Boeing của Mỹ mở Trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam và nghiên cứu, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chuyến bay thẳng đến Hoa Kỳ.

Truyền thông trong nước cho biết Thủ Tướng Phúc đưa ra đề xuất đó khi tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Boeing Thương mại Hoa Kỳ, ông Kevin Mc Allister, hôm 2/10 tại Hà Nội.

Ông Phúc đề nghị Boeing xem xét hỗ trợ mở Trung tâm đào tạo phi công tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói với VOA rằng nên nghiên cứu sự cần thiết mở trường đào tạo phi công ở Việt Nam:

“Khi Việt Nam mua máy bay của Mỹ và của châu Âu thì đương nhiên các hãng bán máy bay sẽ huấn luyện phi công cho Việt Nam để sử dụng các máy bay đó, thường thường huấn luyện ngay tại công ty sản xuất. Còn khi mà tổ chức một trường dạy ở Việt Nam thì nên nguyên cứu kỹ, vì hiệu quả thế nào thì vẫn chưa rõ.”

Nhận định về việc bay thẳng đến Hoa Kỳ, chuyên gia Kiến Thành nói Việt Nam cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế hơn là yếu tố kỹ thuật.

“Bay từ Việt Nam trực tiếp sang Hoa Kỳ không có vấn đề gì khác ngoài hiệu quả kinh tế. Hai quốc gia nếu đồng ý thì mở đường bay. Vấn đề bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ là chuyện của các công ty hàng không, chứ không phải có điều gì cản trở.”

Theo báo Tuổi trẻ, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã đủ tiêu chuẩn, nhưng vì Cục Hàng không Việt Nam (CAA) chưa đạt chuẩn theo yêu cầu, nên đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn chưa thể mở, dù đã chuẩn bị cả chục năm qua.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam (CAA) phải đạt chuẩn năng lực giám sát hàng không mức 1 (còn gọi là CAT1).

Báo Tuổi Trẻ trích lời một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, nói việc mở đường bay trực tiếp đến Mỹ là công việc hết sức khó khăn, không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Trược hết, các hãng hàng không phải là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), phải có chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn khai thác bay (IOSA), phải có chứng chỉ mở rộng tầm khai thác khi bay qua biển đối với máy bay hai động cơ.

Theo kế hoạch của VNA, trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ mở đường bay thẳng đến bờ tây nước Mỹ với hai địa điểm đang được “đong đếm” là San Francisco hoặc Los Angeles, với một điểm dừng kỹ thuật là Tokyo hoặc Osaka của Nhật Bản.

Báo Dân trí trích lời ông Nguyễn Xuân Phúc nói: "Việt Nam coi hợp tác với Boeing mang tính chiến lược và lâu dài. Chính phủ Việt Nam ủng hộ, tạo điều kiện để Boeing mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam."

Tại cuộc gặp, ông Kevin Mc Allister bày tỏ hy vọng tiếp tục cung cấp máy bay tốt, hiện đại cho Việt Nam.

Trang Chinhphu.vn nói rằng lãnh đạo tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới “đánh giá thị trường hàng không của Việt Nam tăng trưởng nhanh, có triển vọng trở thành đối tác cung cấp phụ kiện cho việc sản xuất máy bay Boeing.”

Năm 2003, Việt Nam – Hoa Kỳ ký kết Hiệp định hàng không, cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa hai nước.

VOA Express

XS
SM
MD
LG