Đường dẫn truy cập

Việt Nam/COVID: Thủ tướng chỉ thị tiếp tục giãn cách 19 tỉnh, thành miền nam


Thủ tướng Việt Nam ra chỉ thị hôm 31/7/2021 về các biện pháp chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Việt Nam ra chỉ thị hôm 31/7/2021 về các biện pháp chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Việt Nam hôm 31/7 gửi công điện chỉ thị 19 tỉnh, thành ở miền nam tiếp tục giãn cách nghiêm ngặt kéo dài 2 tuần trong nỗ lực kiểm soát tình trạng dịch COVID-19 lây lan tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Công điện được công bố trên cổng thông tin điện tử của chính phủ yêu cầu các chính quyền địa phương liên quan phải “kiểm soát nghiêm ngặt” và cung cấp “hỗ trợ cần thiết” để “người dân an tâm ‘ai ở đâu ở đấy’”.

19 tỉnh, thành đó bao gồm hai thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, và Kiên Giang.

Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép”.

Về trường hợp những người dân đã rời khỏi các tỉnh, thành trong diện buộc phải giãn cách và đang đi đến các tỉnh, thành khác, bản chỉ thị nói các tỉnh liên quan phải đón, xét nghiệm, đưa về địa phương đích đến “bằng xe ca”, và nếu cần thiết “có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy”.

Những người dân thuộc diện nêu trên sẽ phải bị cách ly, giám sát y tế để dịch bệnh không lây lan, theo chỉ thị.

Trong những ngày qua, theo tường thuật của báo chí Việt Nam và mạng xã hội, ước tính có từ hàng vạn đến hàng chục vạn người rời khỏi thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số đô thị miền nam để về quê ở miền trung và miền bắc, bao gồm cả các tỉnh xa xôi như Nghệ An, Hà Tĩnh, thậm chí Lào Cai.

VOA được biết họ là những người lao động trong những tuần qua đã bị mất sinh kế, gặp khó khăn vì đại dịch, buộc phải rời khỏi các đô thị.

Thông tin và hình ảnh trên báo chí chính thống trong nước và mạng xã hội cho thấy rất đông người di chuyển từ miền nam về phía bắc bằng xe máy, ăn ngủ “vật vờ bên lề đường”.

Nhiều lời bình luận trên mạng xã hội gọi những cuộc ra đi này là “khủng hoảng nhân đạo” hay “di tản buồn”, “tháo chạy tán loạn”, so sánh với dòng người tị nạn thời chiến tranh ở miền nam Việt Nam trong tháng 3, tháng 4/1975.

Không ít người sử dụng mạng xã hội lên tiếng cho rằng sự việc diễn ra như vậy cho thấy “sự non yếu của chính quyền” hay “chính phủ thất bại” vì không đảm bảo được an sinh xã hội cho người dân khi đất nước gặp đại nạn.

Sau khi công điện mới nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính được công bố, đánh giá về phần chỉ thị các tỉnh, thành đưa đón người về quê, dư luận trên mạng xã hội xem đó như là một biện pháp sửa sai kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, thể hiện tầm nhìn ngắn hạn của nhà chức trách, có phần muộn màng vì việc ra đi của người dân đã kéo dài nhiều ngày qua.

Bên cạnh việc nhấn mạnh phải kiểm soát tuyệt đối hoạt động đi lại của người dân, công điện cũng chỉ thị các chính quyền địa phương “hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”, cùng với đó là “hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân”.

Tính đến tối 31/7, Việt Nam có gần 146.000 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 1.306 ca tử vong; 85% các ca này xảy ra trong 1 tháng trở lại đây.

Trên tổng dân số khoảng 98 triệu người, mới có gần 589.000 người tiêm 2 mũi vắc-xin, và số người tiêm mũi 1 là hơn 5,3 triệu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG