Đường dẫn truy cập

Việt Nam chống ô nhiễm nhựa


Một phụ nữ dọn rác nhựa gần một bãi biển ở tỉnh Thanh Hóa, tháng 6/2018.
Một phụ nữ dọn rác nhựa gần một bãi biển ở tỉnh Thanh Hóa, tháng 6/2018.

Ngày càng có nhiều người Việt Nam hơn bao giờ hết đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhựa, từ chai lọ bằng kim loại cho đến túi vải, giống như nhiều cộng đồng trên thế giới đang bắt đầu tin rằng họ đã lệ thuộc quá lâu vào nhựa rẻ tiền, nhiều công năng, nhưng cực kỳ có hại cho sinh thái.

Điều làm cho Việt Nam trở nên đặc biệt, trong khi gây thất vọng cho các nhà môi trường, là nước này nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới về xả đồ nhựa phế thải vào đại dương, theo Ủy ban Bảo vệ Đại dương. Trở thành nước gây ô nhiễm hàng đầu quả là điều đáng kinh ngạc đối với quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt là khi có hàng chục quốc gia có nền kinh tế lớn hơn nhiều nhưng có lượng chất thải nhựa ít hơn nhiều.

"Mọi người, mọi quốc gia phải chịu trách nhiệm, dù quy mô thế nào. Ở Việt Nam, chúng ta nên làm những gì có thể để giải quyết vấn đề nhựa", Trần An, một tình nguyện viên tại tổ chức Precious Plastic Saigon nói.

Nhóm vận động xanh của cô đã dạy người Việt cách làm ống hút cá nhân bằng tre, cũng như cách phân biệt giữa các loại nhựa khác nhau để tạo thuận lợi cho việc tái chế.

Người dân trong nước trở nên sáng tạo với cách họ loại bỏ nhựa ra khỏi sinh hoạt hàng ngày của họ. Có vẻ như mỗi tuần lại có thêm một nhà hàng ở Việt Nam chuyển sang ống hút bằng giấy, trong khi các siêu thị đã bắt đầu đưa cho người mua sắm các hộp bìa các tông để mang đồ họ mua về nhà, tương tự như cách làm của siêu thị Costco ở Hoa Kỳ.

Chai nước bằng nhựa là một mục tiêu nhiềungười nhắm đến. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thay chúng bằng các chai kim loại tại các cuộc họp. Một phòng thương mại khuyến khích các thành viên thay thế chúng tại văn phòng bằng máy làm mát nước dành cho nhân viên thay thế. Một liên minh các lãnh sự quán nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh đã ký cam kết trong năm nay về việc tương tự. Và tại các hội nghị, một khách sạn đã bày ra cốc thủy tinh để khách lấy nước từ máy rót nước uống.

"Một trong những ví dụ mà tôi rất thích là, bạn biết đấy, các giới trẻ Việt Nam chúng tôi rất khoái trà trân châu. Và tất cả những cái đó dính đến đồ nhựa. Nhưng bây giờ nếu bạn đến những cửa hàng, bạn sẽ thấy rằng người ta bắt đầu đưa các túi đựng bằng vải, hoặc vật liệu khác thay vì túi nhựa", An nói.

Tuy nhiên, ống hút và túi đựng chỉ là thay đổi nhỏ so với thay đổi kinh tế vĩ mô cần phải có để cắt giảm nhựa, mà nếu không làm gì, chất thải nhựa sẽ chiếm nhiều chỗ trong đại dương hơn cả cá vào năm 2050, theo Quỹ Ellen MacArthur.

Vũ Thịnh, làm việc tại một công ty thương mại ở thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng mối quan tâm ngày càng tăng đối với tiêu thụ thân thiện với môi trường có thể là điều tốt cho kinh doanh.

Anh cho biết công ty của anh sẽ sản xuất một loại túi mới sẽ được làm từ tinh bột khoai tây và các thành phần tự nhiên khác có thể phân hủy trong vòng hai năm, không giống như nhựa, một trong những vật liệu có khả năng phân huỷ sinh học thấp nhất. Nhưng sản phẩm này sẽ đắt hơn so với túi nhựa sử dụng một lần.

"Tất nhiên chúng tôi muốn xuất khẩu sang châu Âu hay châu Mỹ vì nó đắt hơn", anh Thịnh nói.

Với thực tế là chất thải nhựa đã tràn ngập đường phố và biển cả, và các đồ thay thế vẫn khá đắt, nhựa có lẽ giống như một vấn đề to như núi. Nhưng An nói cô có lý do để lạc quan vì thế hệ tiếp theo có tính lý tưởng hơn.

Cô nói: “Người Việt lớn tuổi nghĩ rằng sao lại phải cố gắng thêm nếu không tạo nên sự khác biệt gì? Nhưng đối với các bạn trẻ, tôi nghĩ rằng họ cảm thấy rằng dù chỉ là một hành động cũng vẫn có tác động".

VOA Express

XS
SM
MD
LG