Đường dẫn truy cập

Việt Nam cảnh báo nguy cơ dịch COVID xâm nhập từ nước láng giềng


Việt Nam đang lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập trở lại trong cộng đồng trong lúc Campuchia và các nước láng giềng đang có số ca nhiễm tăng cao kỷ lục.
Việt Nam đang lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập trở lại trong cộng đồng trong lúc Campuchia và các nước láng giềng đang có số ca nhiễm tăng cao kỷ lục.

Với việc Campuchia đang trở thành một “ổ dịch lớn” do số ca nhiễm virus corona tăng cao kỷ lục, Việt Nam cảnh bảo nguy cơ dịch xâm nhập trở lại cũng như phải xiết chặt kiểm soát người nhập cảnh trái phép.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây ra cảnh báo rằng Campuchia, nước láng giềng với Việt Nam, đang bên bờ vực thảm kịch quốc gia vì đại dịch COVID-19. Trong khi đó Thái Lan cũng được cảnh bảo nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả số ca nhiễm mỗi ngày có thể lên đến 2.800.

Trong bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có một huyện giáp ranh và nằm sát các tỉnh có chung đường biên giới dài với Campuchia, đứng trước nguy cơ lớn về khả năng “dịch xâm nhập vào từ nước bạn”, theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cảnh báo hôm 12/4.

Việt Nam hiện đang trải qua hơn 40 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và đang lên kế hoạch mở lại một số đường bay quốc tế và cửa khẩu để đón nhận khách nước ngoài vào với việc áp dụng hộ chiếu y tế điện tử. Tính đến ngày 13/4, Việt Nam ghi nhận 2.714 ca nhiễm với 35 trường hợp tử vong, theo thống kê của Bộ Y tế.

Trong buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TPHCM trong tình hình dịch bệnh tại Campuchia và các nước láng giềng “đang diễn biến hết sức phức tạp,” chủ tịch thành phố lớn nhất Việt Nam chỉ đạo “phải dồn sức tập trung kiểm soát người nhập cảnh trái phép” vì ông cho rằng “khả năng dịch COVID-19 xâm nhập vào TPHCM từ nước bạn là rất lớn.”

Campuchia đang ghi nhận các ca nhiễm tăng cao nhất từ trước tới nay trong những tuần gần đây, với đỉnh điểm là 576 ca nhiễm mới trong ngày 9/4, theo dữ liệu của Worldometers. Trong khi đó các ca nhiễm mới hàng ngày ở Thái Lan cũng đạt đỉnh điểm trong tháng này, với 985 ca hôm 12/4. WHO cảnh báo nguy cơ dịch bệnh tăng cao ở hai quốc gia này trong những ngày tới khi người dân Thái Lan và Campuchia tổ chức lễ hội năm mới truyền thống.

Chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu đánh giá có nguy cơ lây nhiễm cao nếu không kiểm soát chặt đường biên giới dài với Campuchia, bởi người dân hai nước đi lại giao thương nhiều và số người nhập cảnh – kể cả hợp pháp và bất hợp pháp – cũng lớn, theo VnExpress. Theo cố vấn cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cần kiểm soát chặt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cách ly nghiêm ngặt nếu không dịch sẽ bùng phát trở lại.

Còn theo cảnh báo của chủ tịch UBND TPHCM, một số người Việt Nam cũng đang tìm cách rời Campuchia do dịch bệnh nước này đang căng thẳng, theo Tuổi Trẻ. Ông Phong cũng cho biết rằng gần đây khu vực biên giới của tỉnh Long An có nhiều thanh niên Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi đi sang Campuchia tìm việc thông qua các đường dây đưa người nhập-xuất cảnh trái phép.

Việt Nam trong những tháng qua đã thắt chặt việc kiểm soát đường biên giới trước làn sóng người nhập cảnh trái phép từ các quốc gia láng giềng, nhất là Trung Quốc. Đợt bùng phát trong cộng đồng hồi tháng 7 năm ngoái do người nhập cảnh trái phép đã làm lây nhiễm hàng trăm người trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước.

Việt Nam hôm 9/3 đã trục xuất 53 người Trung Quốc được cho là nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sau khi bị bộ đội Biên phòng Nghệ An bắt giữ tại Hà Tĩnh. Theo Soha, những người tổ chức đường dây đưa “lậu” người Trung Quốc vào miền Nam Việt Nam là để tìm cách đưa họ sang Campuchia với giá 7 triệu đồng mỗi người. Những người ngày bị Công an tỉnh Nghệ An xử phạt tổng số tiền 210 triệu đồng.

Việt Nam đóng cửa đường biên giới và ngừng tiếp nhận khách quốc tế từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 2 năm ngoái. Với việc khống chế dịch bệnh được cho là tốt, Việt Nam đang có kế hoạch sớm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ cần thiết và sẽ áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine” với khách nhập cảnh.

Theo VOV, Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giảm đến mức tối thiểu thời gian cách ly tập trung sau khi nhập cảnh. Tuy nhiên, hiện chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai loại hộ chiến này tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng trước đề nghị các cơ quan chức năng “nghiên cứu” ban hành hộ chiếu này ở Việt Nam như một biện pháp để tái mở cửa trong khi WHO kêu gọi các nước đặc biệt cẩn trọng với chứng chỉ vaccine vì vaccine, theo tổ chức này, vẫn chưa được tiếp cận đồng đều trên toàn thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG