Đường dẫn truy cập

Việt Nam cách ly hàng chục nghìn người trong các doanh trại quân đội


Một người lính Việt Nam đứng gác bên ngoài khu cách ly của một doanh trại quân đội ở tỉnh Lạng Sơn. Hàng chục nghìn người đang bị cách ly trong lúc làn sóng người Việt trở về từ nước ngoài giữa dịch bệnh Covid-19.
Một người lính Việt Nam đứng gác bên ngoài khu cách ly của một doanh trại quân đội ở tỉnh Lạng Sơn. Hàng chục nghìn người đang bị cách ly trong lúc làn sóng người Việt trở về từ nước ngoài giữa dịch bệnh Covid-19.

Việt Nam đã đưa hàng chục nghìn người vào các trại cách ly giữa lúc làn sóng người Việt ở nước ngoài trở về quê hương để trốn dịch virus corona đang bùng phát ở châu Âu và Mỹ.

Tính đến ngày 26/3, đã có 44.955 người bị cách ly, với gần một nửa trong số đó đang được cách ly tại các doanh trại quân đội. Dữ liệu chính thức cho thấy con số này giảm khoảng 15% so với con số được đưa ra hôm 22/3, vì nhiều trong số những người đầu tiên trở về Việt Nam vào đầu tháng 3 đã được ra khỏi trại.

Theo một quan chức y tế tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội cho Reuters biết, tất cả các hành khách đều qua thủ tục kiểm tra nhanh.

“Những người có triệu chứng được đưa đến bệnh viện và những người còn lại được đưa đến các trại cách ly, nơi họ sẽ ở chung phòng với 10 đến 20 người khác trên cùng chuyến bay,” theo quan chức mà Reuters không nêu tên vì không được phép nói chuyện với truyền thông.

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chỉ ghi nhận 148 trường hợp nhiễm bệnh và không có trường hợp tử vong nào. Tỷ lệ lây nhiễm đã được chứng minh của Việt Nam thấp hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực trừ Myanmar và Lào, nơi bị hạn chế về xét nghiệm.

Số liệu chính thức cho thấy Việt Nam đã xét nhiệm hơn 30.000 người.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây là giai đoạn quyết định trong cuộc chiến chống virus Covid-19, một nỗ lực mà trong các tuyên bố của Chính phủ được mô tả là “cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 2020”.

Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận có bài bản trong chiến lược ứng phó sớm, dựa trên kinh nghiệm của quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc bị dịch SARS năm 2003, theo ông Todd Pollack, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Harvard cho biết.

“Cách ly những cá nhân có tiếp xúc với một trường hợp bị nhiễm hoặc đến từ một vùng có nguy cơ cao chắc chắn là một chiến lược quan trọng; đặc biệt là khi những người nhiễm bệnh dường như có thể lây nhiễm ngay khi bắt đầu có triệu chứng,” theo ông Pollack, người đang làm việc cho Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN), một liên kết của Đại học Y Harvard tại Hà Nội.

XS
SM
MD
LG