Đường dẫn truy cập

Việt Nam tụt hạng trong bảng chỉ số an toàn của thế giới


Giao thông trên một đường phố ở Hà Nội. Việt Nam được xếp hạng 51 trên thế giới về mức độ an ninh và an toàn xã hội năm 2019, theo báo cáo của IEP.
Giao thông trên một đường phố ở Hà Nội. Việt Nam được xếp hạng 51 trên thế giới về mức độ an ninh và an toàn xã hội năm 2019, theo báo cáo của IEP.

Việt Nam đứng thứ 64 trong số 163 quốc gia trong bảng xếp hạng “Chỉ số Hoà bình Toàn cầu năm 2020” do Viện Kinh tế và Hoà bình (IEP) vừa mới công bố, tụt 7 bậc (thứ 57) so với năm ngoái.

Báo cáo Chỉ số Hoà Bình Toàn cầu xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên các 23 chỉ số định tính và định lượng thuộc 3 lĩnh vực: mức độ an ninh và an toàn xã hội, mức độ xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra, và cấp độ quân sự hóa.

Tính trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp hạng 12/19 quốc gia, đứng sau Malaysia (thứ 20), Đài Loan (37), Mông Cổ (39), Indonesia (49), Lào (50), nhưng lại trên Campuchia (78), Trung Quốc (104), Thái Lan (114). Đứng đầu khu vực là New Zealand (2), kế đó là Singapore (7) và Nhật Bản (9). Triều Tiên đứng cuối bảng ở vị trí 151/163.

Các chỉ số chính ảnh hưởng đến thứ hạng các quốc gia trong bảng xếp loại hoà bình bao gồm số lượng nhập khẩu vũ khí, tỷ lệ giam giữ tội phạm bạo lực, yếu tố bất ổn chính trị, mức độ xung đột nội bộ, tỷ lệ cảnh sát, số người tị nạn hoặc người di tản trong nước.

Về mức độ an ninh và an toàn xã hội, Việt Nam được xếp hạng 51 trên thế giới. Xét về xung đột trong nước và quốc tế đang diễn ra, Việt Nam đứng thứ 55 trên toàn cầu.

Riêng về chi tiêu quân sự, Việt Nam năm 2019 chi ra 5,5 tỉ USD, tương đương với 57 USD trên đầu người, cao hơn Triều Tiên (4,2 tỉ USD), Philippines (3,8 tỉ USD), Malaysia (3,5 tỉ USD) và New Zealand (2,3 tỉ USD). Đứng đầu về chi tiêu quân sự trong khu vực vẫn là Trung Quốc, với 250 tỉ USD (176.7 USD trên đầu người), cao hơn tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cộng lại.

Trong khi đó, chi phí mà Việt Nam tiêu tốn vì bạo lực chiếm 44.122.563,8 USD, chiếm 6% GDP trong năm 2019, đứng thứ 79 trên toàn cầu, so với Hoa Kỳ xếp thứ 49 khi chi ra 1.675.322.832,1 USD, chiếm 8% GDP để ngăn chặn bạo lực, theo báo cáo của IEP.

Đứng đầu thế giới là Syria và Nam Sudan. Hai quốc gia này đã chi ra gần 60% GDP để kiềm chế bạo lực, trong khi Indonesia chỉ chi có 2% GDP (77.921.980,9 USD).

Một yếu tố đặc biệt trong báo cáo năm nay là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên mức độ an toàn của các quốc gia.

Theo IEP, đại dịch đã dẫn đến những hậu quả kinh tế làm đẩy nhanh tác động bất lợi cho vấn đề an ninh lương thực trên toàn cầu.

Ngoài những yếu tố như chuỗi cung ứng bị phá vỡ, gián đoạn trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế tạm dừng do phong toả và các biện pháp giãn cách xã hội, người nghèo mất thu nhập, người dân hoảng loạn dự trữ thực phẩm, Viện Kinh tế và Hoà Bình cho rằng việc một số nước xuất khẩu lương thực, trong đó có Việt Nam, áp dụng các chính sách bảo hộ nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm đã tạo ra sự thiếu hụt ở các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.

Xét về tổng thể, đứng đầu vị trí quốc gia an toàn, hoà bình nhất thế giới vẫn là Iceland. Quốc gia này đã liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng của IEP kể từ năm 2008.

Các quốc gia an toàn tiếp theo là New Zealand, Áo, Bồ Đào Nha và Đan Mạch.

Các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi xung đột, chiến tranh như Afghanistan, Syria, Iraq, Nam Sudan và Yemen là những nước kém an toàn nhất thế giới trong năm 2019.

VOA Express

XS
SM
MD
LG