Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘lấy làm tiếc’, ‘sẵn sàng hỗ trợ’ cho vụ kiện chất độc da cam chống lại các công ty Mỹ


Bà Trần Tố Nga, 79 tuổi, người đã đệ đơn kiện chống lại 14 công ty sản xuất và buôn bán chất độc màu da cam.
Bà Trần Tố Nga, 79 tuổi, người đã đệ đơn kiện chống lại 14 công ty sản xuất và buôn bán chất độc màu da cam.

Đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng nói “rất lấy làm tiếc về phán quyết của tòa án” và “sẵn sàng hỗ trợ” bà Trần Tố Nga, một người Pháp gốc Việt, trong vụ kiện chống lại hơn một chục công ty đa quốc gia sản xuất và buôn bán chất độc màu da cam, đã được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam, sau khi toà án Evry ở Pháp bác bỏ vụ kiện này vào ngày 10/5.

“Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất thương mại chất độc da cam/dioxin của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam”, truyền thông Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo chiều 13/5.

Vụ kiện được xem là “lịch sử” này được bà Trần Tố Nga, 79 tuổi, đệ trình vào năm 2014. Bà Nga tuyên bố mình là nạn nhân chất độc da cam và đệ đơn kiện 17 công ty, bao gồm các công ty đa quốc gia của Mỹ là Dow Chemical và Monsanto, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn khổng lồ Bayer của Đức.

Đưa ra phán quyết bác bỏ vụ kiện, toà án của Pháp nói rằng họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động thời chiến của chính phủ Mỹ, vì các công ty này chỉ hành động theo lệnh của chính phủ Hoa Kỳ, là quốc gia tham chiến trong một “hành động liên quan đến chủ quyền”, theo AFP.

Truyền thông Việt Nam cho biết bà Trần Tố Nga trước đây từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng và “đã tham gia chiến đấu vì nền độc lập của đất nước”. Bà Nga nói bà bị ảnh hưởng nặng của chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và dị ứng insulin hiếm gặp.

Sau khi vụ kiện bị tòa án Evry bác bỏ, bà Nga nói với Reuters rằng bà sẽ kháng cáo chống lại phán quyết.

Tại buổi họp báo ngày 13/5, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp trong thời gian qua đã “giữ liên lạc, trao đổi, động viên bà Trần Tố Nga và sẵn sàng hỗ trợ phù hợp” cho bà Nga trong vụ kiện.

Lên tiếng với truyền thông Việt Nam sau khi vụ kiện bị bác bỏ, bà Trần Tố Nga nói bà “rất thất vọng nhưng không buồn” vì quá trình đưa đến phán quyết vào ngày 10/5 của toà án Pháp “đã là một chiến thắng”. Bà Nga cũng cảm ơn truyền thông Việt Nam vì đã trở thành “quân đội thứ hai” hỗ trợ cho bà rất nhiều trong “cuộc chiến” pháp lý kéo dài nhiều năm chống lại các công ty Mỹ.

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga có thể được xem là vụ kiện đầu tiên đòi bồi thường cho một nạn nhân người Việt Nam, vì theo lời bà nói với truyền thông, bà hội đủ 3 điều kiện để khởi kiện, bao gồm: là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật cho phép luật sư Pháp mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình, và là nạn nhân chất độc dioxin”. Cho đến nay, chỉ những cựu binh Mỹ và các quốc gia khác tham gia chiến tranh mới được bồi thường.

VOA Express

XS
SM
MD
LG