Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Kiến nghị ‘xử lý’ phim Mỹ có chú thích Hội An là địa danh Trung Quốc


Cảnh quay trong phim "Madam Secretary" được cho là quay ở Hội An nhưng lại được chú thích là Phù Lăng, Trung Quốc.
Cảnh quay trong phim "Madam Secretary" được cho là quay ở Hội An nhưng lại được chú thích là Phù Lăng, Trung Quốc.

Sở Thông tin – Truyền thông (TTTT) tỉnh Quảng Nam vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ TTTT và Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch có biện pháp xử lý bộ phim Mỹ có cảnh quay ở Hội An nhưng lại chú thích một địa danh khác ở Trung Quốc.

Kiến nghị của tỉnh Quảng Nam được đưa ra vài tuần sau khi khán giả Việt Nam phát hiện trong tập 4 mùa 1 của series phim Madam Secretary có hình ảnh sông nước và nhà cổ ở Hội An nhưng bên dưới lại chú thích là Phù Lăng, Trung Quốc.

Sự nhầm lẫn này đã gây ra nhiều phản ứng bức xúc, tức giận lẫn tranh cãi từ phía khán giả người Việt, trong khi một số các giới chức địa phương nói với báo chí rằng đây là hành động “xâm phạm chủ quyền” của Việt Nam.

Được biết Madam Secretary là một series phim truyền hình nhiều tập với nội dung về đề tài chính trị do đài CBS sản xuất. Sau đó, Netflix mua bản quyền và công chiếu bộ phim trên nền tảng xem phim trực tuyến nổi tiếng này. Bộ phim kể một nữ cựu nhân viên CIA trở thành ngoại trưởng Mỹ và công việc thường ngày của bà.

Trả lời báo Thanh Niên hôm 26/5, Netflix Việt Nam nói bộ phim là “sản phẩm dựa trên kịch bản hư cấu” và nội dung này hiện không còn phát sóng tại Việt Nam và “tất cả sự trùng hợp với tình huống hoặc địa điểm có thật đều không phải là chủ ý”.

Trong nội dung văn bản của Sở TTTT Quảng Ngãi mà báo chí Việt Nam đăng lên ngày 26/6, cơ quan này nói rằng: “Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia luôn là vấn đề thiêng liêng, là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm qua. Không được có bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ hay tổ chức, cá nhân nào có các hành vi gây nguy hại đến hình ảnh của dân tộc Việt Nam”.

Sở TTTT Quảng Ngãi cũng cho rằng việc chú thích sai trong phim “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quảng bá du lịch” của Việt Nam.

Sở này kiến nghị các Bộ TTTT, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch yêu cầu đơn vị sản xuất phim cắt bỏ ngay những thông tin, hình ảnh sai lệch đối với chủ quyền Việt Nam trên các ứng dụng. Còn những đơn vị mua bản quyền công chiếu series phim trên “phải dừng phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam để làm rõ trách nhiệm”.

Những năm gần đây, Việt Nam bắt đầu phản ứng mạnh đối với những sai sót địa lý liên quan đến quốc gia láng giềng Trung Quốc sau một thời gian dài buông lỏng cho những sai sót tương tự xảy ra, thậm chí ngay cả trong sách giáo khoa trước đây cũng chú thích quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa là của Trung Quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG