Đường dẫn truy cập

Việt Nam: 21,5 triệu liều vaccine COVID-19 tồn kho, có nguy cơ hết hạn


Người dân Việt Nam đang e dè các mũi vaccine COVID-19 tăng cường
Người dân Việt Nam đang e dè các mũi vaccine COVID-19 tăng cường

Việt Nam tồn kho 21,5 triệu liều vaccine COVID-19 trong lúc nhiều người dân không muốn chích tiếp các mũi tăng cường, khiến lượng vaccine tồn kho này có nguy cơ phải tiêu hủy khi hết hạn sử dụng, nhà chức trách cho biết.

Số vaccine còn tồn này chủ yếu là vaccine Pfizer và Moderna của Mỹ, bà Dương Thị Hồng, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, được tờ Tuổi Trẻ dẫn lời nói tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng do Bộ Y tế tổ chức vào chiều ngày 21/7.

Bên cạnh đó, cũng có 2,35 triệu liều Vero Cell của Trung Quốc vẫn chưa được sử dụng. Số vaccine này sẽ hết hạn vào tháng 10 năm 2023, cũng theo lời bà Hồng.

Do hạn sử dụng vaccine COVID-19 ngắn hơn các loại vaccine khác, chỉ từ 6 đến 9 tháng, trong khi cần thời gian giãn cách tối thiểu là vài tháng giữa các mũi tiêm nên Bộ Y tế gặp khó khăn trong việc triển khai tiêm cho hết số lượng vaccine tồn kho này, vị quan chức này cho biết.

Trong khi đó, số lượng người dân đi chích ngừa thấp đã dẫn đến nhiều liều vaccine phải tiêu hủy do một lọ vaccine chứa nhiều liều nhưng tiêm không hết dẫn đến số liều còn lại phải vứt bỏ.

Cũng tại cuộc họp này, bà Hồng đã thông báo về tình trạng tiêm ngừa COVID-19 đang diễn ra chậm chạp, trong đó việc tiêm mũi thứ ba và thứ tư, tức mũi tăng cường, cho người trưởng thành và mũi thứ nhất và thứ hai cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi không đạt tiến độ.

Do đó, để tránh lãng phí vaccine, cơ quan này kêu gọi các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ chích ngừa COVID-19 để sớm hoàn thành trong quý ba năm nay, tờ Tuổi Trẻ cho biết, và yêu cầu các tỉnh khẩn trương báo cáo nhu cầu vaccine cho 6 tháng cuối năm.

Bất chấp việc vận động, tuyên truyền quyết liệt của chính quyền để người dân tiếp tục đi chích ngừa, trong đó có chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, vẫn còn tình trạng nhiều người dân thờ ơ với các mũi tiêm tăng cường.

Tại cuộc họp, bà Hồng nêu ra các nguyên nhân như dịch bệnh đã ổn định với số ca giảm, số ca nặng và tử vong thấp nên nhiều người từng mắc COVID-19 chủ quan, không chịu chích tiếp do cho rằng họ đã có miễn dịch tự nhiên.

Ngoài ra, người dân cũng lo lắng về tác dụng phụ khi tiêm quá nhiều liều vaccine liên tục, nhất là tin đồn đang lan truyền ở nhiều tỉnh thành phía Nam là vaccine COVID-19 ‘gây suy giảm trí nhớ’ mà cơ quan chức năng đã bác bỏ là ‘không có cơ sở’.

Còn về chích ngừa cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi cũng không thuận lợi do nhiều bậc phụ huynh lo ngại phản ứng phụ nên không cho con em đi tiêm, khiến tỷ lệ chích ngừa ở nhóm tuổi này thấp hơn so với các nhóm tuổi khác, bà Hồng được VTC News dẫn lời cho biết.

Hiện tại, chỉ mới có 30,8% trẻ em trong độ tuổi 5-12 đã chích ngừa COVID mũi thứ hai, trong khi tỷ lệ chích mũi một là 64,5%, theo số liệu của Bộ Y tế.

Bà Hồng cho biết cho đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 253 triệu liều vaccine COVID-19 các loại. Ngoài số lượng Việt Nam đặt mua, nước này còn được viện trợ hàng chục triệu liều vaccine từ các nước như Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc, Đức, Ý, Pháp… nhờ vào chính sách gọi là ‘ngoại giao vaccine’ tích cực của Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG