Đường dẫn truy cập

Về văn kiện Đại hội XI: III. Phúc lợi xã hội của chế độ dân chủ hay bất công mở rộng trong chế độ độc đảng?


Trong tình hình hiện tại, qua các văn kiện Đại hội XI, nước ta đang đứng trước một sự lựa chọn: chế độ dân chủ bình thường, nghĩa là chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng như hầu hết các nước dân chủ khác trên thế giới, hay vẫn cứ giữ cái mô hình CNXH độc đảng chưa ở đâu có thật, và vẫn chỉ là tương lai mờ ảo trên các văn kiện.

1-Có nên bỏ qua chủ nghĩa tư bản để quá độ lên CNXH không? Văn kiện Đại hội XI chủ trương «bỏ qua chủ nghĩa tư bản»; điều này có thực tế hay không? Trong khi nhà nước cho phát triển công thương nghiệp và dịch vụ tư nhân, cho cả đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn, lại nhận đầu tư của đông đảo nhà tư bản nước ngoài, có quan hệ nhiều mặt với vô vàn công ty tư bản quốc tế, thì việc bỏ qua chủ nghĩa tư bản có thực tế hay không ? Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới phần lớn là các nước tư bản, vậy việc bỏ qua chủ nghĩa tư bản có thực tế không?

2-Có nên xây dựng chế độ dân chủ theo chế độ dân chủ - xã hội không? Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch vẫn là những nước tư bản, dựa vào chế độ tư hữu, với nhiều hình thức sở hữu kinh tế, trên nền tảng kinh doanh tự do, nhưng hết sức chú trọng đến phúc lợi tòan xã hội, phát triển hợp lý bằng khai thác tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực chất lượng cao do nền giáo dục tiên tiến, tạo nên một mô hình rất đáng tham khảo về công bằng xã hội, an sinh, bảo vệ môi trường, đồng thuận xã hội. Các nước này đạt sản lượng bình quân từ 30 đến 40 ngàn đôla /năm/đầu người; chênh lệch giàu nghèo không lớn, tầng lớp trung lưu bao gồm hầu hết số dân. Nhà nước đứng ra chăm lo cho toàn xã hội, tổ chức cho toàn xã hội giúp đỡ, hỗ trợ nhau, đạt cuộc sống phát triển tương đối đồng đều, hòa bình, thịnh vượng, an lạc, trong lành, an cư lạc nghiệp.

3-Đó là kiểu Nhà nước Phúc lợi chung – État Providence -- là kiểu nhà nước lo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho toàn dân, tổ chức toàn dân chăm lo chung cho cộng đồng. Từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra, lớn lên, vào nhà trẻ, mẫu giáo, rồi từ tiểu học lên đến trung học, đại học, cao học, hay học nghề đều là giáo dục miễn phí với chất lượng cao, nền y tế miễn phí cho toàn dân. Gia đình đông con hay người già, neo đơn, ốm đau, tàn tật… đều được chăm sóc chu đáo.

4-Tuy các nước trên đều là các Vương quốc theo hình thức quân chủ lập hiến, nhà Vua chỉ là biểu tượng, có phụ cấp cố định, còn quyền lực nằm trong tay các cơ quan dân cử, với một nền dân chủ rất cao, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tranh cử, bầu cử thật sự tự do, minh bạch, có nền nếp.

Trong các văn kiện Đại hội XI, tuy có nói đến nội dung đặc trưng của CNXH là dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, bình đẳng, văn minh, nhưng lại không đưa ra một định lượng nào cụ thể, không có những nộị dung thiết thực, không đáp ứng những đòi hỏi và nguyện vọng của xã hội, nhất là của những người lao động.

Những khó khăn hiện nay cần giải quyết là gì? Đó là nạn thất nghiệp. Các chợ trời bán lao động, những đạo quân thất nghiệp sẵn sàng làm quân cửu vạn rẻ mạt ở các vùng biên giới. Có người bán sức lao động cho bọn đầu nậu tuyển quân đi đào vàng ở nơi bọn lưu manh hoành hành ngoài vòng pháp luật.

Có những kỹ sư ra trường không kiếm được việc. Vấn đề học phí đang là gánh nặng làm lo âu nhiều gia đình, với những khoản thu tùy tiện, học thêm, học bù, luyện thi, xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, nhà vệ sinh, mua thêm sách, tham khảo, tài liệu. Người ốm nằm giường đôi, giường ba, thiếu thuốc men, bị y tá bác sỹ móc túi, làm tiền trắng trợn, có khi bị lấy cả bộ phận như gan, thận, đem bán, ghép cho khách hàng sộp. Tệ làm hàng giả, thuốc giả, thức ăn kém vệ sinh, ôi thối lan tràn. Trẻ mồ côi, người tàn tật, thương bệnh binh các bên còn tồn tại từ chiến tranh sống lây lất quanh các chợ. Nạn nghiện hút, xì ke, ma túy, bệnh AIDS tăng thêm, không hề suy giảm. Nạn tham nhũng cướp đất càng phòng chống càng tăng mạnh. Các văn kiện không đề cập cụ thể đến một vấn đề cực kỳ hệ trọng là vấn đề phúc lợi xã hội, một vấn đề cấp bách hiện nay cũng như không đề cập rõ đến đạo đức xã hội đang xuống cấp thê thảm.

Tình hình trên cho thấy các khái niệm Xã hội XHCN, tính ưu việt XHCN, nền pháp quyền XHCN, sự bình đẳng XHCN, tình nhân ái XHCN, đạo đức XHCN, con người XHCN… đều là những khái niệm hay, đẹp trên … giấy, nhưng hoàn toàn vắng bóng trong cuộc sống.

Ta tự nhận là XHCN ưu việt, nhưng về mặt phúc lợi xã hội, nhiều nước tư bản đạt mức phúc lợi xã hội gấp không biết bao nhiêu lần nước ta. Có khi ta đạt chưa đến 1 phần 10 mức phúc lợi mà nhân dân họ đã đạt, từ miễn phí học đường ở mọi cấp, y tế miễn phí toàn dân, phụ cấp ốm đau, thất nghiệp, tai nạn, thiên tai, già yếu, đông con, mẹ độc thân, nhà cho thuê rẻ tiền cho toàn dân…Đó là thành quả của nền dân chủ lâu năm, các đảng thay nhau cầm quyền đều cố gắng trong nhiệm kỳ của mình đạt nhiều thành tựu xã hội nhất - như xây nhiều trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà trẻ, mẫu giáo, nhà văn hóa, giảm nghiện hút, giảm tai nạn, tăng an ninh - gây tín nhiệm chính đáng trong lòng cử tri.

5-Vậy sự lựa chọn nào đây? Đất nước ta nên có sự lựa chọn nào đây?

Từ bỏ cả gói chủ nghĩa tư bản để quá độ xây dựng CNXH mà nội dung mới chỉ đề ra những phương hướng chung chung: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, bình đẳng, văn minh hay là cứ xây dựng chế độ dân chủ theo kiểu chủ nghĩa tư bản như các nước khác, nhưng có chú ý phát huy mọi mặt tích cực của nó – như ganh đua, cạnh tranh theo luật pháp, công nhận kết quả các cuộc bỏ phiếu dân chủ tự do của cử tri – và hạn chế những mặt trái, mặt tiêu cực của nó – mù quáng chạy theo lợi nhuận tối đa, vô đạo đức, vô lương tâm khi cho rằng có tiền mua tiên cũng được.

Từ đó đất nước ta hãy xây dựng theo mô hình Nhà nước Phúc lợi chung, đã được thử nghiệm trong thực tế mấy chục năm qua, học tập tham khảo các đảng Xã hội – Dân chủ làm phương hướng chính trị xã hội, tự nguyện và chủ động từ bỏ CNXH độc đảng, từ bỏ độc quyền chính trị của Đảng CS Việt Nam, vì lợi ích của toàn dân, vì lợi ích của đất nước hiện tại và lâu dài về sau.

Làm được như trên, đảng CS mới thật sự thực hiện điều ghi trong Văn kiện Đại hội XI là «đảng đã tham khảo, học tập những kinh nghiệm tốt đẹp nhất của thế giới». Nếu không, đảng chỉ nói mà không làm, không những không học những cái hay của thế giới còn dắt dẫn đất nước vào con đường mơ hồ, vô vọng, và thất bại chắc chắn.

Cuối cùng, có 2 lời biện bạch và phô trương không thực tế trong các văn kiện Đại hội XI cần thẳng thắn chỉ ra và bác bỏ:

a) Rằng hơn 60 năm qua từ sau tháng 8-1945 và 20 năm qua từ khi có Cương lĩnh 1991, nước ta đã có những thành tích lịch sử, kỳ diệu, vĩ đại. Thật ra với thời gian dài như thế, đất nước có nhiều tiến bộ là tất yếu, nhưng mặt khác cần chỉ ra những tổn thất, những cơ hội bị bỏ qua, những yếu kém, lãng phí thời gian ghê gớm, để đến nay ta thua kém rất xa các nước xung quanh, bị Thái Lan, Mã Lai, Philippines, Indonesia … bỏ xa không những về phát triển sản xuất, công nghệ, mà cả về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, và cả về tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội.

b) Lập luận thường được nêu lên để biện bạch cho những yếu kém là «nước nào chẳng thế », rằng tham nhũng, quan liêu lãng phí ở đâu cũng có, tội ác trong xã hội nào chẳng có, không dám nhìn rõ sự thật là mức độ tham nhũng ở nước ta trầm trọng ra sao; theo thống kê khách quan của Liên Hợp Quốc về tự do báo chí, tự do chính trị, về tính minh bạch công khai của chính quyền, về rủi ro trong kinh doanh, về sự công bằng trong xét xử của tòa án, về nạn tham nhũng... nước ta đều bị xếp vào thứ hạng cực thấp, dưới 100 nước khác. Còn nạn buôn phụ nữ, trẻ em, nghiện xì ke ma túy, buôn lậu qua biên giới nước ta đứng vào thứ hạng cao nhất châu Á. Về đại học, không một trường nào ở Việt Nam được xếp vào trong số 50 trường Đại học có chất lượng và uy tín ở châu Á, chưa nói đến so với thế giới.

Cần nhìn thật rõ những yếu kém nguy hiểm như trên đây để biết giật mình, biết vươn dậy, lựa chọn một cách cương quyết, dũng cảm, sáng suốt một mô hình khác tốt hơn, không thể cứ cắm đầu theo một học thuyết CNXH Mác-xít độc đảng mà các văn kiện Đại hội XI chỉ ra một cách chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở lý luận, không gắn bó với cuộc sống thật.

Nếu cứ theo đà một học thuyết đã phá sản rõ rệt tận gốc, đất nước ta sẽ không thể nào phát triển tốt đẹp, và chắc chắn sẽ bị sa lầy và bế tắc, như bài sau sẽ đề cập.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG