Đường dẫn truy cập

Quan hệ Nga-Mỹ đạt thành quả tốt trong năm 2010


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (phải) và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Nhật Bản, ngày 14/11/2010
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (phải) và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Nhật Bản, ngày 14/11/2010

Năm 2010 là một năm gặt hái rất nhiều thành quả đối với mối quan hệ Nga-Mỹ. Trong bài tường trình từ Washington, thông tín viên đài VOA, Andre de Nesnera, điểm lại những sự kiện chính trong 12 tháng qua.

Nổi bật là việc Thượng viện Hoa Kỳ vào cuối tháng 12 đã phê chuẩn Hiệp ước mới về Cắt giảm Võ khí Chiến lược với Nga, gọi tắt là Hiệp ước START Mới.

Phó Tổng thống Joe Biden, trong tư cách là Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ, công bố kết quả kiểm phiếu chung cuộc.

Ông Biden nói: “71 phiếu thuận, 26 phiếu chống, 2/3 Thượng viện đã bỏ phiếu tán thành, nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước được nhất trí thông qua.”

Không lâu sau khi Thượng viện phê chuẩn Hiệp ước START Mới, Tổng thống Barack Obama đã phát biểu trước báo giới rằng: “Đây là thỏa thuận kiểm soát võ khí quan trọng nhất trong gần 2 thập niên qua. Hiệp ước này sẽ giúp chúng ta được an toàn hơn và giảm kho võ khí hạt nhân của Mỹ cũng như của Nga.”

Hành động của Thượng viện là một thắng lợi quan trọng cho Tổng thống Obama, vốn vẫn xem mối quan hệ cải thiện với Nga là một nền tảng của chính sách đối ngoại của ông.

Hiệp ước START Mới giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược tầm xa được triển khai ở mức 1550 đầu đạn, đồng thời giới hạn số phương tiện chuyển tải võ khí hạt nhân chiến lược đang được triển khai như các bệ phóng tên lửa tầm xa và các máy bay ném bom hạng nặng dưới mức 700. Hiệp ước này cũng mang lại điều mà chính phủ của Tổng thống Obama gọi là các biện pháp kiểm chứng nghiêm ngặt, tức những điều khoản đảm bảo mỗi bên phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình đối với hiệp ước.

Hiệp ước này giờ đây còn phải được phê chuẩn bởi Quốc hội Nga (còn gọi là Viện Duma) và Hội đồng Liên bang, tức cơ quan lập pháp tối cao của Nga. Các chuyên gia cho rằng gần như chắc chắn nó sẽ được thông qua.

Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông John Parker thuộc Đại học Quốc phòng cho rằng Hiệp ước START Mới đối với Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev, cũng quan trọng như đối với Tổng thống Barack Obama của Mỹ.

Ông Parker nhận xét: “Sở dĩ tôi cho rằng nó quan trọng đối với Tổng thống Nga là vì đích thân ông Medvedev tham gia vào quá trình thương thuyết tay đôi với Tổng thống Obama. Ông Medvedev đã đầu tư nhiều thời gian vào đó và khi nó được Viện Duma cũng như Hội đồng Liên bang thông qua, tôi tin chắc là ông sẽ dành được nhiều uy tín chính trị. Vì thế đó là điều quan trọng.”

Nhiều chuyên gia đang theo dõi xem bước kế tiếp có thể trong việc thương lượng võ khí giữa Washington và Moscow sẽ như thế nào. Một trong số này là ông Steven Pifer, thuộc Viện Nghiên cứu Brookings.

Ông Pifer cho biết: “Khi ký Hiệp ước START Mới vào tháng tư, Tổng thống Mỹ đã khẳng định rõ là ông sẽ tiếp tục và trong vòng thương thuyết kế tiếp ông không chỉ bàn tới các võ khí chiến lược đã được triển khai mà cả những đầu đạn chiến lược chưa được triển khai, như các đầu đạn hạt nhân còn đang nằm trong kho, đồng thời giải quyết các võ khí hạt nhân phi chiến lược hoặc chiến thuật. Và điều này lần đầu tiên sẽ mở ra cơ hội là cả Nga và Mỹ có thể thương thuyết về các giới hạn đối với tất cả các kho võ khí hạt nhân của họ, ngoại trừ những loại võ khí đang chờ được hủy bỏ. Và đây sẽ là quá trình thương thuyết gay go vì đôi bên sẽ đứng trước những câu hỏi mà họ chưa từng phải giải quyết trước đây.”

Nhiều phân tích gia cho rằng tiến trình thương thuyết và phê chuẩn Hiệp ước START làm che mờ những sự phát triển tích cực khác trong mối quan hệ Nga-Mỹ.

Theo ông Robert Legvold thuộc Đại học Columbia, một trong những tiến triển tích cực đó là sự tăng cường hợp tác của Nga tại Afghanistan.

Ông Legvold nói: “Yếu tố quan trọng nhất là việc Nga hậu thuẫn quá trình vận chuyển thiết bị quân sự tới Afghanistan. Trong quá khứ, Hoa Kỳ lệ thuộc hơn 2/3 vào các đường tiếp tế băng qua biên giới phía Tây của Pakistan và như vậy dễ bị tổn hại trước các phần tử nổi dậy trong khu vực và đôi khi cả chính phủ Pakistan nữa, khi họ phản đối các hành động quân sự của Hoa Kỳ. Cho nên giờ đây việc Nga tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao các loại võ khí chết người hay không chết người cả trên bộ lẫn trên không tới Afghanistan là một yếu tố quan trọng giúp giữ vững các nỗ lực quân sự của Mỹ và NATO tại Afghanistan.”

Các chuyên gia cho rằng Moscow cũng đã cứng rắn hơn trong lập trường đối với Iran qua việc bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ban hành các biện pháp chế tài mới mà mạnh tay hơn đối với Tehran, dù nghị quyết này rõ ràng đã được Nga và Trung Quốc làm giảm bớt gay gắt. Nga cũng hủy bỏ kế hoạch chuyển giao cho Iran các loại phi đạn chống máy bay S-300, một thỏa thuận từ năm 2007.

Ngoài ra, Nga cũng thay đổi lập trường trong vấn đề hệ thống phòng thủ phi đạn. Sau nhiều năm mạnh mẽ chỉ trích các kế hoạch của Hoa Kỳ trong nỗ lực này, Moscow đã đồng ý tham gia hợp tác trong một hệ thống phòng thủ phi đạn do NATO dẫn đầu.

Ông John Parker từ Đại học Quốc phòng phát biểu: “Điều này hết sức quan trọng về mặt chính trị. Tổng thống Nga đưa ra tín hiệu cho thấy sẵn sàng hợp tác trong các cuộc thương thuyết với NATO về hệ thống phòng thủ phi đạn ở Châu Âu. Khó đoán trước kết quả chung cuộc sẽ ra sao, nhưng ít ra là đôi bên sẽ thảo luận với nhau, bàn về sự hợp tác này. Quan trọng đối với Nga là họ gia nhập vào tất cả tiến trình này chứ không phải chỉ được nộp một kế hoạch và được đề nghị phải ký kết tán thành.”

Nhìn về phía trước, các chuyên gia cho rằng Moscow và Washington nên xây dựng trên những tiến bộ đạt đươợc trong năm 2010. Một sự kiện then chốt trong năm 2011 sẽ là việc xét duyệt đơn của Nga xin gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới vốn được chính quyền của Tổng thống Obama hậu thuẫn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG